Ngày 22/1, đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết bệnh nhân vào viện sau 4 ngày sốt, tụt huyết áp, thở nhanh, vàng da, chẩn đoán sốt xuất huyết nặng, đã rơi vào sốc, tổn thương gan, tán huyết cấp. Bệnh nhân được điều trị thở máy, chống sốc, hỗ trợ gan, xét nghiệm tìm nguyên nhân tán huyết. Những ngày sau đó, tình trạng sốc được cải thiện, song tán huyết tiếp tục tiến triển gây suy gan, suy thận thiểu niệu, vàng da. Xét nghiệm ghi nhận đây là trường hợp tán huyết cấp do thiếu men G6PD.
Các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa, phối hợp nhiều biện pháp kỹ thuật cao như thay huyết tương, lọc máu liên tục, truyền máu và chế phẩm máu, truyền thuốc... Bệnh nhân từng bước hồi phục, cai được máy thở, tự ăn uống sinh hoạt, vừa xuất viện sau 32 ngày điều trị.
Đây là một trong số những trường hợp sốt xuất huyết nặng, suy đa cơ quan được bệnh viện cứu sống trong thời gian qua. Bệnh có thể xuất hiện ở người lớn với các biểu hiện nặng nề như sốc, xuất huyết hoặc suy cơ quan dẫn đến tử vong. Trên các cơ địa như béo phì, có bệnh lý nền, diễn tiến của sốc xuất huyết có thể trở nên phức tạp.
Y văn ghi nhận thiếu men G6PD là bệnh lý di truyền lặn trên nhiễm sắc thể X nên trẻ nam thường bị bệnh hơn trẻ gái. Đa phần bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng, hoặc biểu hiện nhẹ nếu mức độ thiếu men này không nhiều, như da xanh nhạt, mệt mỏi, chóng mặt, nhịp tim nhanh, khó thở, vàng da, tiểu màu trà đậm.
Trong số ít trường hợp, bệnh nhân sẽ vào đợt tán huyết cấp (vỡ hồng cầu) khó kiểm soát sau khi bị nhiễm trùng nặng, hoặc sử dụng các thuốc có tính oxy hóa cao, gây thiếu máu cấp, có thể tử vong nếu không kiểm soát kịp thời. Yếu tố gây tán huyết ở người mắc G6PD là ăn đậu tằm, long não, vang đỏ, đậu nành, việt quất xanh, một số loại thuốc và kháng sinh...
Xét nghiệm sàng lọc thiếu men G6PD ở trẻ sơ sinh được thực hiện qua mẫu máu gót chân sau sinh. Trẻ bị thiếu men này có thể sống và phát triển bình thường nếu được chăm sóc đúng cách, không sử dụng thức ăn, thực phẩm có khả năng oxy hóa, tránh tiếp xúc long não, không tự ý sử dụng thuốc. Tránh nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng bằng cách chủng ngừa đầy đủ, giữ vệ sinh, dinh dưỡng hợp lý, đi khám sớm khi có bệnh. Đến gặp bác sĩ để được tư vấn di truyền hoặc xét nghiệm nếu gia đình có bệnh sử mắc bệnh này.
Lê Phương