Ngày 6/2, bác sĩ Bùi Mạnh Cường, Trưởng khoa Nội hô hấp – Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cho biết bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu, thiếu máu nặng, phải truyền dịch, truyền máu và làm thêm nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác.
Bốn ngày trước, người bệnh có ăn lá lộc mại kèm với thịt chó. Cả gia đình 5 người cùng ăn, không rõ số về số lượng. Sau khi ăn xong, bệnh nhân mệt mỏi nhiều và tiểu sẫm màu. Tình trạng ngày càng tăng, chị nhập viện cấp cứu.
Hiện sức khỏe người phụ nữ đã ổn định. Nguyên nhân tan máu có thể là ngộ độc lá lộc mại.
Bác sĩ cho biết cây lộc mại (hay còn gọi là lục mại, mọ trắng, rau mại, rau mọi...) là một loại cây thảo dược, thân gỗ, thuộc họ thầu dầu, có độc tính rất cao. Trong Đông y, cây có tác dụng chữa táo bón, kiết lỵ cấp tính hoặc dùng ngoài da chữa lở ngứa.
Trường hợp dùng với số lượng lớn lá cây lộc mại có thể gây đau bụng, đầy bụng, rối loạn nhịp tim, người mệt yếu, da xanh, tiểu màu đỏ, tan máu cấp. Nguy cơ ngộ độc nặng có thể xảy ra với một số trường hợp mắc các bệnh lý về máu, bệnh lý di truyền như người bệnh thiếu men G6PD...
Bác sĩ khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng lá lộc mại hay các loại lá cây khác để ăn hoặc chữa bệnh. Khi có biểu hiện ngộ độc, người bệnh cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Thùy An