Thế hệ 5X của tôi, sinh trưởng và lớn lên từ miền Nam, thơ nhạc, nhạc thơ, ca thơ của Trịnh Công Sơn thì ai đó dù có tồi như tôi, cũng nghêu ngao được dăm câu.
Riêng tôi là một trường hợp cá biệt. Là năm mươi năm, không ít thì nhiều, hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng đều tiếp cận với nhạc Trịnh. Tiếp cận có chủ ý, tình cờ hay không nghe thì cũng phải nghe, vì có một người mà mình không dám nói “không” (như cô chủ quán café của Tổng hội sinh viên Huế thời đó chẳng hạn, vì sổ nợ café dài dằng dặc).
Không biết có ai đã hỏi Trịnh Công Sơn là cái "tình yêu như trái phá con tim mù lòa" là sao, là thế nào không? Hiểu hay không hiểu, tôi cũng như bao nhiêu người thấy là hay rất hay. Nói một cách dân dã là “siêu, trên cả tuyệt vời!”.
Tôi thì có thêm một chút vốn khác. Đó là sinh sống từ nhỏ tại Huế cho đến hai mươi hai tuổi, nên qua anh chị mình, gọi được Trịnh Công Sơn ngắn gọn là anh Sơn. Nhưng ông anh này cách mười hai tuổi lúc mình bắt đầu hơn mười tuổi, thì xa và cách lắm.
Tiến sĩ Nguyễn Công Phú đến thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vào tháng 3/2001, chỉ ít ngày trước khi ông từ giã cõi trần. |
Tuy thế, mười tuổi đã tiếp cận Ướt mi, Thương một người. Không hiểu gì lắm, nhưng nhìn chị tôi, các bạn gái của anh tôi, bù khú hát cho nhau nghe, mắt mơ mơ màng màng, là mình phải tin cái anh Sơn này siêu thật. Lớn lên thêm vài tuổi, nhớ được câu nào, dù hát vu vơ cũng làm cho một vài bạn gái thấy mình tội nghiệp mà cho trái ổi, trái me.
Nói như thế không phải tôi hát được “ca thơ”của anh Sơn. Không, không và không! Dù từ mười tuổi đến bây giờ là sáu mươi, đã năm mươi năm rồi, có lẽ vì “thiểu năng trí tuệ”, nên không thuộc được bài nào trọn vẹn cả. Dù tôi thường để nhạc của anh Sơn chạy liên tục một, hai, ba, bốn, năm tiếng đồng hồ khi học hay làm việc một mình (khi lái xe thì chắc chắn rồi).
Không thuộc lấy một bài có lẽ vì “nghe mà chưa hẳn đã nghe”. Nên mỗi bài là nghêu ngao được vài câu. Từ khi có karaoke, thỉnh thoảng hát thì phải nhờ ai đó “mồi” thì mới “vào cuộc” không sai lắm.
Ai đó đọc đến đây lại cho tôi “không biết gì về nhạc Trịnh” thì vừa đúng lại vừa sai. Làm sao lý giải cái sự tình này?
Thật ra là cái duyên. Tôi không thuộc nhưng “biết” nhạc Trịnh vì: Tôi “tụng kinh nhạc Trịnh Công Sơn”, ròng rã năm mươi năm, bằng “nghe mà như không nghe lắm”. Cứ gặm nhấm vài từ hay một câu, rồi lại để đó. Đôi khi không để đó cũng không được, vì có hiểu đâu. Ví dụ, thời mười tám tuổi rất muốn được ai đó yêu mà chưa được, nghe câu “làm sao em biết bia đá không đau” sao mà nó phù hợp với tâm trạng mình thế. Nhưng hợp như thế nào thì chịu, không lý giải được (dù tôi thuộc diện học sinh hơn cả xuất sắc!).
Nghe mãi như thế có lúc thật là vô tình “ngộ” (hay tự cho là “ngộ”), tự nói với chính mình: À hiểu rồi, anh Sơn này siêu thật. Mà sao lại không siêu. Các đại trưởng lão như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Trần Dần… đã phán rồi. Và báo Tây, báo Nhật, báo nhiều nơi khác, các học giả, nghệ sĩ, chứng nhân của thời đại cũng khẳng định như vậy. Lại phán đúng theo ý tôi thì thấy mình thơm lây và có chút tự đắc, thích chí, thì ra ta đây không bị tiếng “khoác lác, trí thức dởm”. Năm mươi năm “gặm nhấm” thì cũng phải có một chút “quyền” về phạm trù, hiện tượng Trịnh Công Sơn.
Mà chút quyền đó để làm gì? Để mạnh dạn cảm nhận là ca thơ của “anh Sơn” là một phần của riêng mình. Và tôi tin có lắm người cũng như thế. Mỗi người có một Trịnh Công Sơn là một phần riêng của mình. Vì Trịnh Công Sơn, ca thơ của anh đi vào cuộc sống, nhịp thở của con người như nhịp điệu sinh học tự nhiên. Nếu gọi anh là thiên tài, có lẽ là ở đó.
Anh có cái tài là từ vựng, nhạc điệu thường là rất mộc, rất dung dị. Nhưng cái dung dị này thật ra là rất cao, là rất sang, là rất tinh. Như “ngày nào còn có nhau xin cho dài lâu, ngày nào mất nhau xin người biết đau”. Cái mong manh của tình yêu, của cuộc đời, cái thiết tha mộc mạc đúng nghĩa tình yêu, cái đau đớn khi mất nhau, gói gọn trong hai câu với những từ đơn thuần Việt Nam như thế, chắc chỉ có cụ Nguyễn Du mới “thả” ra một cách nhẹ nhàng như thế thôi.
Tôi mà “nhả” ra được những câu như thế này, thì nội ngoại nhà tôi phải nghe tôi lảm nhảm, bắt nghe cho được, mỗi khi mọi người tề tựu trong những dịp giỗ lớn! Có mấy ai thấy, nghe anh Sơn đăng đàn bình và luận như bao nhiêu kỳ tài đâu. Mà hình như Trịnh Công Sơn chẳng có một giải thưởng gì thì phải.
Đôi lần nghe vài ông nhạc sĩ được đào tạo bài bản tại nhạc viện đâu đó, có dăm bài nhạc “hợp đồng” thả vài câu kiểu “Sơn nó có được đào tạo chính quy đâu”. Mấy cái anh này, tự nhận là nghệ sĩ nhưng sặc mùi duy lý, khoa bảng.
Giai điệu, nhạc điệu của Trịnh Công Sơn là rất Trịnh Công Sơn! Không có cái gò bó, màu mè, kịch tính (kịch = giả). Không biết là anh sáng tác như thế nào mà ngữ điệu và nhạc điệu nó quyện với nhau. Cái này thì tôi chịu, không có lý giải, mà chỉ cảm nhận, trực cảm. Nhạc và lời của anh là một, như câu “ngồi hát ca rất tự do” của anh.
Cái “mộc” của ca thơ Trịnh Công Sơn, có hiểu, có cảm nhận thì mới hát hay được. Theo tôi nếu “diễn” thì hỏng bét! Như:
1. Ca thơ Trịnh Công Sơn là sự tự sự, tâm tình giữa những con người đi nhẹ, nói khẽ, nhẹ nhàng dù có lúc đầy hoang mang... Nên những nốt cao khi lên thì tự nhiên mà lên, ngân lên như tiếng chuông chùa. Chứ không như một số ca sĩ, vì lý do này hay lý do kia gào lên, hú lên, nấc nấc lên như sắp chết ngạt. Ví dụ “ru đời đi nhé...”. Từ “nhé” tự nó là mượt mà, thì có cao thì cao mượt mà thánh thót. Có biết bao ca sĩ hát từ “nhé” này: Nếu không “rú” thì “ré” như heo đang bị cắt tiết hay khoe giọng như một rô bốt.
2. Trở lại âm điệu của nhạc Trịnh. Mộc thì mộc mà sao nó âm vang thâm trầm kín đáo, thánh thót nhẹ nhàng như tiếng chuông chùa của kinh chiều, kinh khuya, kinh sớm mai hay tiếng chuông nhà thờ Chúa vang vọng trong đêm hay hừng đông đến.
Vì thế, tôi thấy “một già một trẻ” Văn Cao, Trịnh Công Sơn cho ra album chung có bài Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao, sao mà họ hợp gu với nhau thế. Âm điệu lao xao, mượt mà lãng mạn mà rất thật. Các nhạc sĩ “bác học” hay “công nghệ thông tin” làm sao có được ngữ điệu và nhạc điệu dung dị mà sâu lắng như thế của cụ Văn Cao.
Cách đây ba năm, tôi nhận được một VCD thu trực tiếp một đêm nhạc mà Trịnh Công Sơn hát cho bạn bè hay sinh viên (tôi chỉ phỏng đoán, nhưng cũng không cố đi tìm sự thật trắng đen về VCD này). Phối khí chính là guitar gỗ. Tiếng hát cùng với tiếng đàn âm vang như tiếng kinh cầu. Cả ba năm nay, thường trước khi đi ngủ, tôi cho VCD chạy. Có khi “nghe”, có khi “không nghe” hay là không biết có nghe hay không. Đôi lần tôi mơ thấy mình đến một nơi, hình như rất bình an với âm điệu của nhạc anh Sơn - Rất hiền như Phật.
Không ngẫu nhiên chút nào khi Trịnh Công Sơn đã đặt tên một số chùm sáng tác của anh là “Kinh”. Những chùm thơ ca của anh về tình yêu, phải chăng gọi là “Kinh tình yêu” thì anh Sơn cũng không ưu phiền gì, phải không anh Sơn?
3. Có thể vì chất “kinh” càng lúc càng quyền quyện trong thơ ca của anh, nên chúng ta từ vô thức, tiềm thức, nhận thức thấy rất là gần gũi, mặc dù đôi lúc không hiểu vì sao. Có cái gì đó nhè nhẹ đi vào lòng người, có xao xuyến buồn buồn, nhưng không bao giờ phải lo phải sợ. Trái lại thấy thanh thản, lâng lâng và một chút bâng khuâng.
4. Nếu phải nói đến ảnh hưởng của Phật giáo trong ca thơ của Trịnh Công Sơn, tôi cảm nhận anh như là một Bồ tát, Tôn giả tại gia. Anh Sơn phải chăng đã chiêm nghiệm cái “không không, có có” như “ta về lại thấy ta đi”. Có lẽ anh “trực cảm” cái vô thường của tính “nhị nguyên” rạch ròi đen - trắng, đúng - sai.
Nhưng anh Sơn có nhắm vào Niết Bàn không? Tôi tin là anh vẫn muốn “trụ thế”. Anh muốn trái đất này, đất nước của anh là Địa đàng dù thỉnh thoảng anh cũng tự hỏi “Có Thiên đường hay không?”.
Tính Thiền / Mật tông luôn bàng bạc trong ca thơ của anh, nhất là những sáng tác của mười lăm năm cuối đời.
Nếu phải ví von thì tôi nói là cái buồn của anh, từ ngẫm nghĩ của anh là cái buồn mang mác. Phải chăng cái buồn mang mác ấy là biết mình đã an lạc rồi mà sao còn lắm người khổ đau.
Anh phải chăng đã rời phạm trù “yêu” để “thương” là chính?
Gần đây, tôi lọ mọ hiểu một chút Kinh phật, tôi thương và quý anh để nói rằng anh Sơn chính là Tôn giả của “Tiêu tai cát tường diên thọ lưu ly dược sư quang vương Phật". Đây là Phật đem đến địa đàng cho “ở đây” và “bây giờ”. Ai nói là Trịnh Công Sơn là người sầu muộn, bi quan!
5. Qua từng thời kỳ nhất định, Trịnh Công Sơn có những chuyển biến trong suy ngẫm của anh về tình yêu, thân phận, con người… Cái mà anh trước sau vẫn thế, đó là lòng nhân ái và thiên tài ca thơ!
Vì thế trong mỗi chúng ta thường xem Trịnh Công Sơn là gì đó của mình. Là gì đó là tự, từ mỗi người. Với tôi thì rất dung dị, Trịnh Công Sơn là “Anh Sơn”, một ông anh được bao cụ yêu quý, bao nhiêu giai nhân mến thương, bao nhiêu trẻ, già, sang khổ, rắc rối, mộc mạc và ngay những người mà tôi ghét cũng thương, cũng thích anh Sơn của tôi. Rất thẳng thắn để nói, “ăn theo” anh Sơn tôi rất thanh thản! Vì chắc chắn là “free of charge” (miễn phí) và anh chỉ cười cười hiền như Phật Di Lặc!
Lâu lắm mới có dịp tản mạn về anh. Vì là đã nghĩ đến anh nhân ngày 28/2, sinh nhật của anh, nay lại ngày 8/3, ngày của “mẹ, chị và em” mà anh luôn luôn ở cùng một “phe” và ngày 1/4 lại sắp đến, ngày mà 9 năm trước anh đã một cõi đi về.
Và cũng vì bực mình vì có nhiều “sao quả tạ” hát nhạc Trịnh lằng nhằng! Viết đến đây tôi lại ngẫu hứng tự nói là sẽ làm một đêm nhạc Trịnh theo ý mình. Tại sao không? Tôi chắc chắn nếu còn được gặp và hỏi ý anh như xưa, thì câu trả lời của anh là gần gần như thế này “ừ, tại sao không” (cũng như anh có nhận xét khi được hỏi về cách hát nhạc Trịnh của một ca sĩ, trước khi anh mất, là “ừ, cũng lạ lạ, nhưng tại sao không?”).
Show của tôi sẽ có chủ đề: “Trịnh Công Sơn với Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh” mà lời dẫn là xuất phát từ mật chú đại minh của Kinh đó: "Yết đế yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế bồ đề tát bà hà".
Nghe đâu từ âm điệu khi trì tụng chú này mà anh Sơn tạo ra ngữ điệu và nhạc điệu cho bài "Sóng về đâu" để tặng P.P.N.T.
Tôi tin như thế này là càng thăng hoa và gần gũi với ca thơ của Trịnh Công Sơn, tránh đi sự thú tính hóa khi một số ca sĩ đem cái ngã ngả nghiêng của mình rồi gán đó là thực nghiệm mới để ca thơ Trịnh Công Sơn đến với công chúng trẻ hôm nay. Tôi nhớ vu vơ một câu thơ của thi hào Pablo Neruda để kết bài tản mạn này, và tôi tin là anh Sơn sẽ thích vì rất Trịnh Công Sơn: “Je t’aime afin de recommencer à t’aimer” - tạm dịch - “Tôi yêu em để lại bắt đầu yêu em, bất tận”.
Tiến sĩ Nguyễn Công Phú
Giám đốc Á châu Tập đoàn APAVE Cộng hòa Pháp
Ngày 7/3/2010
Bài viết cùng tác giả:
> Trịnh Công Sơn và chân dung của Diễm xưa