Ngày 30/6, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên phúc xử xem xét đơn kêu oan của Võ Văn Minh – người muốn đổi "chai nước ngọt có ruồi" lấy 500 triệu đồng với Tân Hiệp Phát. Hơn 8h, Minh trong chiếc áo thun xanh như hôm xử sơ thẩm, vẻ mặt khá bình thản, được đưa đến tòa.
Lần xử này sẽ có 5 luật sư bào chữa cho bị cáo Minh gồm: luật sư Phạm Hoài Nam, Lê Nguyễn Lê Vy, Nguyễn Tấn Thi, Phạm Kiều Hưng và luật sư Phạm Công Hùng (nguyên thẩm phán TAND Tối cao tại TP HCM).
Tại phần làm thủ tục khai mạc phiên tòa, đại diện của Tân Hiệp Phát vắng mặt không rõ lý do. Trong số các luật sư bào chữa cho Minh chỉ có 3 người đến dự. Luật sư Nguyễn Tấn Thi, Phạm Kiều Hưng có đơn xin hoãn phiên xử do phải tham gia bào chữa cho một bị cáo tại TAND tỉnh An Giang. Bị cáo Minh không đồng ý tiếp tục phiên xử do không có đầy đủ các luật sư.
Sau ít phút hội ý, HĐXX thống nhất quan điểm của VKS về việc tạm hoãn phiên tòa nhằm đảm bảo quyền lợi của bị cáo cũng như nguyên đơn dân sự.
Bản án sơ thẩm xác định, Minh là chủ quán bún tại huyện Cái Bè, Tiền Giang. Ngày 3/12/2014, khi lấy chai Number 1 bán cho khách, anh này phát hiện bên trong có con ruồi nên nảy sinh ý định ép nhà sản xuất đưa tiền cho mình.
Minh sau đó gọi đến Tân Hiệp Phát, yêu cầu phải chi một tỷ đồng nếu không sẽ khiếu nại lên Ban bảo vệ người tiêu dùng, báo đài, in 5.000 tờ rơi về nội dung thông tin chai nước có ruồi...
Phía công ty nhiều lần gặp Minh trao đổi và cho biết không giải quyết bằng tiền đối với sản phẩm lỗi mà chỉ đổi bằng một số sản phẩm. Minh không đồng ý.
Sau nhiều lần thương lượng, chủ quán bún hạ mức tiền xuống 500 triệu đồng. Ngày 27/1, 3 nhân viên công ty đến quán giao tiền cho Minh. Khi anh này nhận tiền, làm biên nhận và bỏ tiền vào cốp xe thì Công an tỉnh Tiền Giang bắt giữ.
Hồi tháng 12 năm ngoái, TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, Minh không nhận tội và cho rằng hành vi của mình là "thương lượng bán chai nước có ruồi".
Theo tòa, khi phát hiện sản phẩm không đạt, Minh phải báo cơ quan chức năng, nhà sản xuất để rút kinh nghiệm phục vụ tốt hơn cho người tiêu dùng. Việc Minh buộc Công ty Tân Hiệp Phát để đòi một tỷ đồng, sau đó hạ xuống 500 triệu là "dùng thủ đoạn uy hiếp để chiếm đoạt tài sản". Trước các lời đe dọa của Minh, doanh nghiệp thật sự lo lắng về thương hiệu nên rơi vào tình trạng "tự nguyện trong cưỡng bức".
Từ đó, toà xác định Minh cố ý xâm phạm tài sản, tinh thần của người khác vì động cơ vụ lợi và tuyên phạt Minh 7 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Sau phiên xử Minh kháng cáo kêu oan.
Hải Duyên