Ngày 14/3 tại khu công nghiệp Sông Hậu, Hậu Giang, Tập đoàn Tâp Hiệp Phát tổ chức lễ khánh thành nhà máy Number One Hậu Giang - nhà máy nước giải khát quy mô lớn nhất miền Tây Nam Bộ.
Đây đồng thời là một trong những nhà máy hiện đại nhất cả nước khi lắp đặt dây chuyền vô trùng tuyệt đối Aseptic của GEA Procomac (Italy). Như vậy với nhà máy mới, THP đã mở rộng chuỗi sản xuất cung ứng hàng tỷ lít mỗi năm, tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành tập đoàn sản xuất nước đồ uống hàng đầu châu Á với át chủ bài là nước giải khát tốt cho sức khỏe.
Theo Tổ chức giám định kinh doanh quốc tế (BMI), Việt Nam là một trong những thị trường có sức tiêu thụ thực phẩm - đồ uống tiềm năng. Trong đó thực phẩm - đồ uống hiện chiếm tỷ lệ cao nhất trong cơ cấu chi tiêu hàng tháng của người tiêu dùng với mức 35%, chiếm khoảng 15% GDP và có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.
Giống như nhiều nước khác trên thế giới, mức tiêu thụ nước ngọt đang tăng nhanh tại Việt Nam. Năm 2000, mức tiêu thụ đồ uống có đường bình quân đầu người ở Việt Nam là 6 lít, đến năm 2016 đã lên đến 44 lít. Theo số liệu của Statista, quy mô thị trường nước giải khát của Việt Nam ước tính gần 3 tỷ USD vào năm 2018, với dự báo tăng trưởng bình quân 15,1% trong giai đoạn 2018-2021.
Chỉ tính riêng nhóm sản phẩm trà đóng chai, theo Euromonitor, người Việt tiêu thụ hơn hai tỷ lít sản phẩm này trong năm gần nhất. Còn Statista thì ước tính, doanh số ngành hàng này tại Việt Nam năm 2015 khoảng 1,69 tỷ USD và dự kiến tăng gần gấp đôi lên 3,37 tỷ USD vào năm 2020.
Hầu hết các báo cáo cùng nhận định, người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng trả nhiều tiền hơn để tiêu thụ đồ uống giá trị cao, ngày càng ưa chuộng sản phẩm có thương hiệu, tốt cho sức khỏe và đề cao tính tiện lợi.
BMI chỉ rõ ba xu thế chủ đạo trong phong cách tiêu dùng thực phẩm – đồ uống mới tại Việt Nam. Trước hết là nhu cầu sử dụng các loại thực phẩm tự nhiên, hữu cơ. Trong bối cảnh thu nhập tăng, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn các thực phẩm sạch, có nguồn gốc hữu cơ và thân thiện với môi trường, sẵn sàng chi trả khoản tiền cao hơn cho bữa ăn hàng ngày. Hơn 86% người tiêu dùng tại Hà Nội và TP HCM khi được hỏi đã lựa chọn các sản phẩm tự nhiên và hữu cơ hoặc các sản phẩm đúng mùa vụ để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Yếu tố tiện lợi ngày càng được nâng cao giữa lúc người tiêu dùng có xu hướng ưa chuộng sản phẩm đóng gói nhỏ hơn, phù hợp với khẩu phần một người, dễ dàng mang theo sử dụng trên đường đi. Yếu tố cuối cùng đang làm thay đổi thị trường đồ uống chính là công nghệ. Giới trẻ Việt Nam năng động, thích trải nghiệm và sẵn sàng chi trả đề thưởng thức các loại thực phẩm - đồ uống ngon, lạ.
Các chuyên gia nhận định với lợi thế về nông sản dồi dào, dân số trẻ, nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao, Việt Nam có rất nhiều điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa để trở thành một trong những thị trường FMCG lớn nhất khu vực. Đối với các doanh nghiệp, đây là cơ hội để phát triển thương hiệu thực phẩm - đồ uống, tích cực cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và chinh phục người dùng trong, ngoài nước.
Dẫn đầu thị phần trà đóng chai trong nước, Tân Hiệp Phát đang có tiềm lực lớn mạnh để tiếp tục khai thác mảnh đất tiêu dùng màu mỡ tại Việt Nam và các quốc gia khác. Sau khánh thành nhà máy Number One Hậu Giang, THP sẽ có 4 nhà máy với năng lực sản xuất hàng tỷ lít.
Nhà máy mới với tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng, trên diện tích 40ha, nhà máy mới của THP đầu tư xây dựng trong ba giai đoạn. Giai đoạn đầu đã đi vào hoạt động với một dây chuyền Aseptic của GEA Procomac (Italy) cho công suất 48.000 sản phẩm một giờ, 130 triệu lít một năm. Sắp tới sẽ có thêm hai dây chuyền nữa, nâng công suất giai đoạn một lên 300 triệu lít một năm. Tổng chi phí riêng cho giai đoạn này là 1.800 tỷ đồng.
Với công nghệ khép kín vô trùng Aseptic, THP sẽ sản xuất các sản phẩm nước giải khát có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe như trà thanh nhiệt Dr. Thanh, trà xanh Không Độ, nước tăng lực Number One, trà sữa Macchiato Không Độ trong điều kiện tuyệt đối vô trùng, không chất bảo quản, không màu công nghiệp.
Cụ thể, nguyên liệu trước khi đưa vào trích ly dưỡng chất sẽ được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Nước sử dụng trích ly đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Quá trình trích ly kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ, thời gian nhằm tối ưu hóa toàn bộ dưỡng chất có lợi cho sức khỏe.
Dung dịch sản phẩm sau khi trích ly sẽ chuyển sang hệ thống vi lọc 10 micromet, lọc ly tâm siêu tốc 11.000 vòng một phút đảm bảo loại bỏ hoàn toàn tạp chất và các mối nguy vật lý có kích thước siêu nhỏ mà mắt thường không thể nhìn thấy.
Sản phẩm tiệt trùng qua hệ thống UHT ở nhiệt độ 140 độ C trong 30 giây và hạ nhiệt làm lạnh ở 25 độ C giúp sản phẩm có độ tinh khiết cao nhất mà vẫn giữ nguyên giá trị dinh dưỡng. Buồng chiết lạnh vô trùng giúp sản phẩm không bị mất đi dưỡng chất có lợi cho sức khỏe như phương pháp chiết nóng.
Toàn bộ phôi và nắp chai sản xuất trong quy trình khép kín tại nhà máy. Hạt nhựa nguyên gốc nhập khẩu làm nóng ở 280 độ C nhằm loại bỏ hoàn toàn nguy cơ về vi sinh vật, sau đó tạo hình bằng máy tạo phôi, nắp. Sự ưu việt của công nghệ Aseptic không chỉ ở khâu siêu thanh trùng UHT mà tại khâu chiết rót, đóng nắp cũng vô trùng tuyệt đối, tạo sản phẩm tinh khiết mà không cần chất bảo quản. Với đặc tính khép kín, vô trùng tuyệt đối và công nghệ chiết lạnh, sản phẩm của công ty đạt chứng nhận của Cục quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ.
Đây cũng sẽ là nhà máy đầu tiên tại Việt Nam đầu tư hệ thống dây chuyền công nghệ vô trùng Aseptic đóng ly. Thay vì chiết rót, đóng nắp chai PET, Tân Hiệp Phát tiến tới đầu tư hệ thống công nghệ vô trùng Aseptic đóng ly để nâng cao tính tiện dụng cho sản phẩm. Các thức uống đóng ly có thể là trà sữa Macchiato Không Độ, cà phê sữa, sữa bắp, hạt thạch dừa..
Chia sẻ lý do chọn đặt nhà máy tại Hậu Giang, ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tân Hiệp Phát cho biết địa phương này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với THP.
Là trung tâm của vùng sông Hậu, nhà máy mới cho phép công ty phân phối sản phẩm thuận tiện và tiết kiệm chi phí trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài ra còn phục vụ xuất khẩu sang Campuchia, Thái Lan và các nước khác bằng đường biển.
"Khu vực này rất quan trọng về mặt chiến lược, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng hai con số của THP trong những năm qua", Dr. Thanh nhấn mạnh.
Nhà máy cũng sẽ tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tự nhiên phong phú tại Đồng bằng sông Cửu Long như các loại trái cây để sản xuất các thức uống giải khát mới, phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Chẳng hạn tận dụng nguồn nguyên liệu dừa bạt ngàn tại Bến Tre để phát triển sữa dừa, nước dừa tươi... Điều này vừa giúp bao tiêu sản phẩm cho người dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa tạo ra các dòng đồ uống mới có nguồn gốc tự nhiên, tốt cho sức khỏe.
Chỉ riêng giai đoạn một, công xưởng của THP sẽ tạo việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương, giải quyết trên 1.000 lao động sau khi hoàn thiện toàn bộ dự án vào năm 2025.
Việc thành lập nhà máy mới nằm trong kế hoạch nâng gấp ba sản lượng của Tân Hiệp Phát trong trung hạn.
Theo kế hoạch, đến năm 2023, tập đoàn sẽ sản xuất hơn ba tỷ lít đồ uống mỗi năm, tăng gấp ba lần so với sản lượng một tỷ lít hiện tại. Về doanh thu, THP kỳ vọng thu về ba tỷ USD vào năm 2027.
Hiện thị trường 90 triệu dân của Việt Nam vẫn là thị trường chủ chốt. Ngoài ra sản phẩm của THP hiện xuất đi 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Canada, Pháp, Hà Lan, Australia, Hàn Quốc, Singapore...
Với tầm nhìn vươn ra thế giới, tập đoàn dự kiến xây dựng nhà máy tại các quốc gia khác nhằm khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ, mở rộng danh mục sản phẩm và nâng cao tầm vóc của tập đoàn.
Nội dung: Khánh Anh | Hình ảnh: Hữu Khoa | Thiết kế: Lợi Nguyễn