Theo Entropia Intel, từ ngày 26/8, loạt trang web liên quan đến chính phủ Pháp đã ngừng hoạt động do bị tấn công từ chối dịch vụ (DDoS). Sự việc diễn ra sau khi Pháp bắt CEO Telegram Pavel Durov hôm 24/8.
Chuyên gia an ninh mạng Clément Domingo đăng trên X danh sách hơn 10 trang web bị DDoS. Trong đó có một số trang dịch vụ công như Liên minh Nông nghiệp Pháp, Tòa án hành chính Paris, trang của Bộ Y tế Pháp, Tòa án phúc thẩm, báo La Voix du Nord, cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm y tế (ANSM).
Domingo cho biết các trang bị gián đoạn truy cập, nhưng không ảnh hưởng đến dữ liệu hoặc bị cài phần mềm tống tiền.
Theo Cyberdaily, sau khi Durov bị bắt, một nhóm tin tặc được cho có nguồn gốc Nga tuyên bố nhắm mục tiêu vào Tòa án châu Âu và các cơ quan của Pháp. Nhóm này cũng kêu gọi các hacker khác cùng hành động để phản đối việc bắt giữ CEO Telegram.
Ngày 24/8, Jean-Michel Bernigaud, Tổng thư ký Ofmin, cơ quan cảnh sát Pháp chuyên trách phòng chống bạo lực trẻ vị thành niên, cho biết Telegram không ngăn chặn được nội dung xấu về trẻ em. "Vấn đề cốt lõi là sự thiếu kiểm duyệt và hợp tác từ phía nền tảng, đặc biệt là trong cuộc chiến chống tội phạm tình dục trẻ em", ông Bernigaud nói. CEO Telegram dự kiến đối mặt án tù lên đến 20 năm.
Sau khi Durov bị bắt, lượt tải Telegram đang tăng vọt. Tech Crunch dẫn báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower cho biết lượt tải xuống toàn cầu của Telegram trên iOS tăng trung bình 4% mỗi ngày tính từ cuối tuần qua.
Pavel Durov, 39 tuổi, là doanh nhân gốc Nga và hiện có quốc tịch Nga, Pháp, UAE, Saint Kitts và Nevis (quốc gia vùng Caribe). Ông sáng lập Telegram năm 2013 và nhấn mạnh nền tảng đề cao quyền riêng tư và chống lại sự kiểm duyệt của chính phủ.
Trong thông báo hôm 23/7, ông cho biết ứng dụng đạt 950 triệu người dùng, tăng 50 triệu so với cách đó ba tháng và gần gấp đôi so với mức 500 triệu đầu năm 2021. Con số này đưa Telegram trở thành một trong những nền tảng có lượng người dùng lớn nhất thế giới.
Khương Nha