Tại buổi ra mắt Nền tảng Quản lý an toàn thông tin - VNPT MSS, sáng 19/3, tại Hà Nội, ông Phúc nhấn mạnh: "Trong thời đại chuyển đổi số và bùng nổ kinh tế số tại Việt Nam, dữ liệu là tài sản sống còn của mọi tổ chức, doanh nghiệp. Chuyển đổi số là quá trình tất yếu, và an ninh an toàn thông tin là chiếc khiên vững chắc bảo vệ thành quả của chuyển đổi số".

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tuy nhiên việc phải tự đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ, quy trình, nhân lực để xây dựng riêng cho mình một trung tâm điều hành an toàn thông tin là thách thức với nhiều doanh nghiệp. "Chúng có thể lãng phí cả về chi phí và nguồn lực, trong khi hiệu quả mang lại chưa chắc đã được như mong muốn", ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT nhận định.
Ông Long cho biết, VNPT đã phối hợp với IBM để xây dựng nền tảng nền tảng quản lý an toàn thông tin có tên VNPT Managed Security Service (VNPT MSS). Nền tảng này giám sát, quản lý an toàn thông tin cho doanh nghiệp và tổ chức. Ngoài ra cũng sẽ hỗ trợ trong ứng cứu sự cố, điều tra truy vết và săn tìm mối nguy.
Công nghệ lõi MSS cho phép nền tảng phát hiện, theo dõi các cuộc tấn công mạng ngay từ giai đoạn đầu. Hệ thống săn tìm các nguy cơ mất an toàn cũng được triển khai trên mạng băng rộng cố định của đơn vị này.

Bảng điều khiển của một hệ thống giám sát an toàn thông tin. Ảnh: Lưu Quý
Đại diện VNPT chia sẻ thống kê cho thấy, các cuộc tấn công chiếm đoạt dữ liệu đã tăng từ 34% trong năm 2019, lên 54% vào cuối tháng 12/2020 tại Việt Nam. Đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chuyển sang làm việc từ xa. Nhiều đơn vị buộc phải "mở" hệ thống để nhân viên có thể truy cập và làm việc tại nhà, tạo môi trường cho kẻ xấu khai thác lỗ hổng, tấn công, đánh cắp thông tin.
Báo cáo mới đây của Bkav cho biết, thiệt hại do virus máy tính gây ra tại Việt Nam trong năm 2020 vượt 1 tỷ USD, theo đó, mỗi người dùng máy tính mất 1,59 triệu đồng. Công ty an ninh mạng này cũng cho biết, nhiều trang thương mại điện tử, một số nền tảng giao hàng trực tuyến có nhiều người sử dụng, đã bị xâm nhập và đánh cắp dữ liệu trong năm 2020.
Bên cạnh các cuộc tấn công nhằm vào dữ liệu, nhiều hình thức tấn công mạng khác cũng được ghi nhận. Thống kê của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng của năm 2020, có 805 cuộc tấn công lừa đảo (Phishing), 788 cuộc tấn công thay đổi giao diện (Deface) và 296 cuộc tấn công cài mã độc (Malware).
Lưu Quý