Trong thư mời Niccol nhận việc, Starbucks cho biết ông sẽ có một "văn phòng nhỏ từ xa" tại nhà ở California và không cần phải chuyển hẳn đến trụ sở công ty ở Seattle, cách đó hơn 1.600 km. Starbucks sẽ cung cấp máy bay riêng để ông đi lại vài ngày trong tuần.
Theo chính sách của hãng cà phê này, nhân viên phải làm việc tại văn phòng 3 ngày một tuần. Những người sống trong phạm vi di chuyển từ trụ sở phải có mặt vào thứ Ba, thứ Tư và một ngày tự chọn.
Starbucks tuần trước thông báo bổ nhiệm Niccol làm CEO mới, thay thế ông Laxman Narasimhan. Niccol đã giúp chuỗi nhà hàng Chipotle thành gã khổng lồ trong ngành sau khi công ty này lao đao vì scandal an toàn vệ sinh thực phẩm. Ông hiện tự tin về cơ hội lật ngược tình thế cho Starbucks.
Dù vậy, quyền lợi máy bay riêng của Niccol gây chú ý, vì nó mâu thuẫn với chính sách bảo vệ môi trường của hãng. Gần đây, hãng ra mắt loại cốc mới sử dụng ít nhựa hơn và loại bỏ ống hút nhựa.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), di chuyển bằng máy bay, dù là máy bay thương mại cỡ lớn hay chuyên cơ nhỏ, cũng tạo ra lượng khí thải lớn. Con số này lên tới 800 triệu tấn CO2 mỗi năm, tương đương hơn 2% tổng lượng khí thải liên quan đến năng lượng toàn cầu. Niccol cũng dự kiến đi lại thường xuyên, để thăm các cửa hàng và nhân viên.
Niccol nhận lương cơ bản là 1,6 triệu USD và đã có khoản thưởng 10 triệu USD sau khi ký hợp đồng với Starbucks. Ông có thể kiếm thêm hàng triệu USD nữa tùy thuộc vào kết quả kinh doanh hàng năm của công ty, theo báo cáo Starbucks nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
"Brian Niccol chứng tỏ mình là một trong những nhà lãnh đạo hiệu quả nhất trong ngành, tạo ra lợi nhuận lớn trong nhiều năm. Chúng tôi tự tin vào kinh nghiệm và khả năng của ông ấy trong việc lãnh đạo một doanh nghiệp và thương hiệu toàn cầu, mang lại giá trị lâu dài cho các đối tác, khách hàng và cổ đông", một phát ngôn viên của Starbucks cho biết trên CNN. Starbucks hiện có 39.000 cửa hàng và 450.000 nhân viên trên thế giới.
Hà Thu (theo CNN, Reuters)