Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam thành lập cách đây 5 năm với vốn điều lệ ban đầu 30 tỷ đồng. Sau ba lần tăng vốn lên 780 tỷ đồng, doanh nghiệp này mới niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) cuối năm ngoái.
Theo tài liệu đại hội đồng cổ đông lần đầu tiên từ khi lên sàn, ban lãnh đạo doanh nghiệp này kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm nay đạt 402 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Trong khi đó, doanh thu thuần dự kiến giảm 43% còn 5.950 tỷ đồng.
Lý giải về sự đối lập giữa tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, ông Phan Ngọc Ấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Phó tổng giám đốc BaF Việt Nam, cho biết điều này được tính đến trong chiến lược kinh doanh dài hạn công ty đề ra cách đây 2 năm.
Lợi nhuận những năm trước chủ yếu đến từ kinh doanh nông sản, nhưng tỷ suất sinh lời chỉ khoảng 1% vì nguồn cung không ổn định, không liên tục và có độ trễ so với nhu cầu thị trường. Chăn nuôi giai đoạn đó cũng gặp khó khăn do công ty áp dụng mô hình trang trại truyền thống, sử dụng nguồn con giống chất lượng kém từ thương lái và các hộ kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, theo ông Ấn, so sánh hai mảng này thì chăn nuôi có tiềm năng lợi nhuận lớn hơn nên công ty phải cơ cấu lại mô hình quản trị để giảm dần hoạt động kinh doanh nông sản.
"Mảng nông sản nếu doanh thu đạt 5 tỷ USD thì lợi nhuận cũng thấp. Trong khi đó, biên lợi nhuận chăn nuôi lên đến 15-20% nên chỉ cần doanh thu 2.000 tỷ đồng là đã giàu", ông Ấn chia sẻ.
Kết quả kinh doanh của "tân binh" ngành nông nghiệp trên sàn HoSE cũng cho thấy sự chuyển dịch trong cơ cấu doanh thu. Kinh doanh nông sản năm 2019 đóng góp 97,5% thì đến 2020 và 2021 lần lượt giảm còn 97% và 92,7%. Ngược lại, chăn nuôi tăng dần từ 2,5% vào năm 2019 lên 7,3% vào năm ngoái.
Doanh nghiệp này dự kiến buôn bán nông sản năm nay mang về 4.000 tỷ đồng, chỉ đóng góp 67% trong khi chăn nuôi thu 1.272 tỷ đồng, tương đương 21%. Trong cơ cấu lợi nhuận thì mảng chăn nuôi sẽ áp đảo khi dự tính đóng góp 294 tỷ đồng, tương đương 73%, còn kinh doanh nông sản đóng góp 64 tỷ đồng, tương đương 16%. Phần còn lại trong số này đến mảng thức ăn chăn nuôi.
Ông Ấn nói thêm, kế hoạch xa hơn của doanh nghiệp này là tách mảng kinh doanh nông sản ra để chỉ còn tập trung vào phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp khép kín từ trang trại đến bàn ăn.
Theo ông Ấn, BaF Việt Nam đang tăng tốc để mở rộng quy mô mảng chăn nuôi. Gần nhất vào đầu tháng 3, công ty vận hành trang trại quy mô 5.000 con heo nái tại tỉnh Phú Yên với tổng vốn đầu tư 230 tỷ đồng. Trang trại dự kiến cho ra đời 140.000 heo con mỗi năm và hoàn vốn trong vòng 3 năm.
Doanh nghiệp này dự kiến khởi công xây dựng thêm 10 trang trại, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và giết mổ. Công ty ước tính sản lượng bán ra thị trường đạt hơn 295.000 con heo, trong đó gần 75% là heo thịt thương phẩm. Đến năm 2025, công ty đặt mục tiêu có khoảng 40 trang trại khắp cả nước và tổng đàn heo nái sinh sản đạt 65.000 con, còn heo thịt thương phẩm đạt 2,5 triệu con.
Trên sàn chứng khoán, giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng biến động mạnh. BAF tăng gấp 3 lần trong vòng 3 tháng, từ mức tham chiếu phiên đầu tiên 20.000 đồng lên 62.700 đồng vào cuối tuần này. Vốn hoá thị trường đạt xấp xỉ 5.000 tỷ đồng.
Phương Đông