- Cảnh tình cảm của anh và Hồ Ngọc Hà trở thành tâm điểm của phim "Hy sinh đời trai" vừa ra rạp. Khi đóng, cảm xúc của anh thế nào?
- Cảnh quay Hồ Ngọc Hà tán tỉnh tôi trong phim rất nóng, nóng nực chứ không phải nóng bỏng vì quyến rũ hay gợi cảm. Bối cảnh là một phòng trọ tồi tàn chỉ rộng 4 m vuông đóng cửa kín mít. Hồ Ngọc Hà và tôi phải diễn nhiều lần để đạo diễn lấy được những góc quay đẹp. Đèn chiếu sáng của đoàn phim hắt thẳng vào mặt chúng tôi khiến cả hai toát mồ hôi vì ngột ngạt. Lúc diễn cùng, tôi chỉ thấy nổi da gà vì Hồ Ngọc Hà hát bài Đừng xa em đêm nay thực mùi mẫn chứ cả hai đều không ai thiếu vải hay diễn gì nóng bỏng.
- Anh có điểm tương đồng nào với nhân vật trong phim - một người vô cùng sợ đàn bà?
- Tôi giống chàng trai ấy - là người giản dị, sống đơn giản, xuề xòa nhưng tôi không sợ mà yêu vẻ đẹp đoan trang, chừng mực ở nữ giới. Nói như vậy không có nghĩa tôi lăng nhăng. Tật xấu duy nhất của tôi là thỉnh thoảng tụ tập nhậu nhẹt với bạn bè. Nhậu xong, say xỉn thì về nhà ngủ mà không làm phiền vợ con.
- Gia đình anh được tiếng là hạnh phúc trong giới làm nghệ thuật. Bí quyết của anh là gì?
- Tính tôi bộc trực và thẳng thắn, nghĩ gì là nói ra liền nên được vợ con luôn tin tưởng. Ngay từ khi kết hôn, tôi đã chia sẻ với vợ về công việc của mình. Sống với nhau đã 21 năm, chúng tôi hiểu nhau. Vợ tôi hiền lành, ở nhà làm nội trợ trông nom nhà cửa, chăm lo cho các con ăn học. Cô ấy có tài nấu ăn ngon và chăm gia đình chu đáo. Điều này khiến tôi yên tâm hoạt động nghệ thuật hơn. Tôi đảm đương phần lo kinh tế cho gia đình. Đi làm, có tiền là tôi đưa hết cho vợ giữ. Thường ngày tôi không cầu kỳ chuyện ăn mặc, hình thức nên cũng chẳng tốn kém gì. Tôi gần như không nhận diễn show dịp lễ để được thư giãn cùng vợ con.
- Anh gặp áp lực gì khi vừa là nghệ sĩ, vừa là người lo kinh tế chính?
- Sau khi có con, tôi nặng gánh vì chi phí ăn học của các con cũng như chi tiêu sinh hoạt trong nhà. Trong khi làm nghệ thuật hên xui tùy theo thời điểm chứ không ổn định. Có những lúc nhiều show, khán giả tới xem đông, mình diễn không kịp thở, có khi cả tháng lại ế ẩm nằm nhà. Thậm chí có lúc chính bầu sô quỵt cát-xê của mình.
Bởi vậy, trước đây tôi không dư dả về tài chính. Có lúc tôi rơi vào cảnh cháy túi, không có một đồng để lo cho gia đình, phải vay mượn anh em, bạn bè. Sau mấy chục năm hoạt động và biết tiết kiệm, kinh tế của gia đình tôi giờ tạm ổn. Các con lớn rồi nên vợ chồng tôi cũng đã thảnh thơi.
- Sau thời gian dài diễn sân khấu, anh bắt đầu hoạt động tích cực trên truyền hình và điện ảnh. Ở đâu người xem thấy rõ chất Tấn Beo nhất?
- Là nghệ sĩ, tôi luôn làm mới, mở rộng lĩnh vực biểu diễn để bộc lộ hết mình. Sân khấu, tiểu phẩm truyền hình, show tài năng, phim điện ảnh là những "đất diễn" khác nhau cho tôi. Ở đâu tôi đem đến được nhiều tiếng cười, niềm vui cũng như cảm xúc cho khán giả nhất thì ở đó người xem thấy rõ tôi nhất.
Tôi từng có lần biểu diễn trên sân khấu cho chỉ một khán giả xem, diễn xong thấy rất vui. Tại sao một người khán giả dám ngồi một mình để xem tôi diễn? Người khán giả đó hẳn rất yêu mến nghệ thuật. Tôi không bao giờ phụ lòng những người như vậy. Dù làm gì, tôi cũng muốn những sản phẩm nghệ thuật mình làm ra có "chất" chứ không chạy theo thị trường.
- Để được thành công như hôm nay, anh đã trải qua những thăng trầm nào trong hơn 30 năm đi diễn?
- Tôi lên sân khấu từ lúc chưa đầy 15 tuổi, những năm 1980. Hồi ấy, cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, nghệ sĩ cũng cực khổ không kém công chúng. Thời thanh niên của tôi là quãng đời đi lưu diễn dài ngày khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lăn lộn với các đoàn văn công. Có nhiều lúc chúng tôi ngủ dưới gầm sân khấu, hoặc trên chiếu manh giữa trời sương gió. Ăn cũng vậy, nhiều lần đói, chúng tôi diễn xong mệt chỉ có cơm nguội là tốt lắm, có lần còn phải nhịn ăn để diễn. Dù vậy, tôi chưa bao giờ có ý định bỏ nghiệp diễn. Lúc khó khăn về kinh tế, tôi làm tay trái buôn đồ chợ trời. Thời gian chính vẫn để lên sân khấu.
Nghề diễn với tôi là nghiệp, nghiệp nên mình gắn bó với nó. Hơn nữa, thời tôi trưởng thành - khi chưa có tivi hay internet, khán giả rất nồng nhiệt với cải lương, tuồng và kịch. Do đó, niềm vui của nghệ sĩ được nhân lên bởi tình cảm chân thành của người xem mỗi nơi mình đến.
- Anh nghĩ gì về thế hệ nghệ sĩ trưởng thành trong thời đại công nghệ bây giờ?
- Bây giờ các bạn trẻ có nhiều cơ hội thể hiện bản thân hơn chúng tôi. Nhưng tìm một người nghệ sĩ thực thụ không dễ. Đâu phải hát một bài là bạn gọi là ca sĩ, diễn trên sân khấu một hai lần là nghệ sĩ. Bạn có thể đưa sản phẩm lên mạng, có thể trở nên nổi tiếng, thành "sao" nhưng chưa chắc chuyên môn nghệ thuật của bạn đủ đảm bảo để bạn đi tiếp với nghề. Thời gian sẽ sàng lọc ai đứng được trong lòng công chúng, ai không.
Vũ Văn Việt thực hiện