Văn Giá -
Mới đây, nhân đợt có công chuyện dài ngày ở mấy tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi được một người bạn là cô giáo dạy văn trường chuyên phổ thông trung học tặng cuốn tiểu thuyết Tấm ván phóng dao (1), kèm theo một lời khích lệ: "Cuốn này đọc được đấy!". Ban đầu tôi chỉ nghĩ thôi thì ít nhất cũng có cái để đọc cho đỡ buồn lòng những đêm xa nhà xa cửa. Nhưng thật bất ngờ, sau khoảng chừng mươi trang đầu, tôi bị cuốn hút ngay lập tức.
Những mảnh ký ức u buồn
Câu chuyện về cơ bản được trần thuật từ một nhân vật xưng "tôi" - người kể chuyện. Gọi là kể chuyện, nhưng câu chuyện không dựa trên một cốt truyện rõ ràng. Nếu bảo kể lại rất khó. Chỉ có thể đại loại thế này: Nhân vật ông Ba đứng ra kể về cuộc đời, số kiếp của ông cùng những người trong gia đình - một gánh xiếc rong hành nghề ở các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ những năm tạm chiếm. Trong chương trình biểu diễn của gánh xiếc này có một tiết mục được coi là hấp dẫn nhất, là linh hồn của các đêm diễn (nên cũng trở thành quan trọng nhất trong việc câu khách, bán vé, mưu sinh) - màn phóng dao của ba vai diễn: Tôi - người đứng sau tấm ván có nhiệm vụ giữ tấm ván cho vững, cô em gái còn nhỏ tuổi đứng áp lưng vào mặt trước của tấm ván, và người anh trai cả trong vai phóng dao cầm 12 lưỡi dao sáng loáng phóng trực diện lần lượt cắm xung quanh khuôn mặt người em gái. Sau nhiều đêm thành công, có một đêm, do người phóng dao bị phân tâm, cô em gái đã bị nạn. Cũng từ đêm kinh hoàng đó cô gái trở thành một phế nhân mang triệu chứng bệnh tâm thần, gánh xiếc cũng tan vỡ, gia đình ly tán, mỗi người một số phận đau buồn theo những cách khác nhau... Nhưng đây không phải là một truyện kể, mà là một tiểu thuyết, được viết bằng kỹ thuật, nghệ thuật của tiểu thuyết. Toàn bộ câu chuyện và các nhân vật tham gia vào câu chuyện được trình bày như một quá trình, sự sống cứ thế mở ra sống động trong từng vi mạch. Hiệu quả là: Tác phẩm vần vụ những suy tư, chiêm nghiệm, day dứt, nghiền ngẫm về số kiếp con người. Tất cả đã hoà kết, cộng hưởng lại, tạo cho tác phẩm một ám ảnh, một ba động lớn.
Viết tiểu thuyết này, tác giả chọn cách thức trần thuật theo kiểu hồi ức. Từ thời gian hiện tại, nhân vật tôi - ông Ba nay đã già cả, độc thân, làm nghề bán dạo các con rối bằng vải tự làm - kể lại câu chuyện của những ngày cả gia đình hành nghề xiếc rong. Thỉnh thoảng ông đến thăm bà em (trước kia là cô đào đứng trước tấm ván) cũng đã già, sống độc thân, sau lần bị nạn có một bộ óc trẻ con và gần như đánh mất ý niệm về thời gian, cả hai cùng ngồi vẩn vơ lúc quên lúc nhớ chắp nối những mẩu quá khứ u buồn. Ông già đã để cho ký ức lúc chập chờn bảng lảng khói sương, lúc chói gắt dữ dội đi về xen ngang thì hiện tại. Chất liệu hồi ức được biểu đạt ở đây không hiện ra theo cách trình tự mà được đảo lộn, xáo trộn; không nặng về kể tả, mà nặng về tâm trạng, suy tư, chiêm nghiệm, cật vấn. Đây là một dạng truyện viết theo cách của một hồi ức tự nghiệm. Tính chất cảm thương và u buồn bao trùm, đè nặng lên từng câu chữ.
Để đạt được hiệu quả này, về mặt kiến trúc, tác giả tiến hành phân mảnh, nghĩa là triển khai trần thuật theo cách liên tục các mảnh liền kề, không kết dính bề mặt có tính nhân quả, mà kết nối bề sâu có tính suy tưởng. Chúng là những mảnh sự kiện, mảnh suy tư, mảnh tâm tình, mảnh triết lý, mảnh hồi nhớ, mảnh hiện tại, mảnh giấc mơ, mảnh khung cảnh... được sắp đặt bên cạnh nhau và luân phiên theo cách không đều nhau trên bề mặt văn bản truyện. Sự phân mảnh này khác với kỹ thuật montage (lắp ghép) của tiểu thuyết cuối 19 phương Tây và 1930-1945 ở ta, lắp ghép các trường đoạn miêu tả nhằm phá vỡ trật tự tuyến tính của thời gian cốt truyện mang tính truyện kể. Thủ pháp phân mảnh ngày hôm nay dấn thêm một bước nữa: Đập vỡ các trường đoạn miêu tả cho nhỏ vụn hơn, linh hoạt hơn, sắp xếp phóng túng hơn, và sự miêu tả cũng giản lược hơn. Nó không có tham vọng dung chứa mọi thứ, "biết tuốt" mọi thứ như tiểu thuyết truyền thống - một cách tự sự tất dẫn tới dung lượng lớn, thậm chí đồ sộ, và kèm theo nó là sự nhiều lời. Nó hướng tới sự cô đúc, ít lời, sự tối giản. Chính thủ pháp phân mảnh này đã tạo ra nhiều khoảng trống trần thuật nhằm khơi gợi, kích thích sự tưởng tượng ở người đọc. Thủ pháp này phù hợp với một khuynh hướng tiểu thuyết mới xuất hiện gần đây được gọi là tiểu thuyết ngắn (2). Nó được Mạc Can sử dụng như một thủ pháp chính, quán xuyến từ đầu đến cuối rất linh hoạt và hiệu quả. Một ví dụ: Tuy câu chuyện chủ yếu được kể bởi nhân vật "tôi" - ông Ba với những mảnh vụn ký ức có vẻ như hỗn độn hiện về, nhưng có lúc nhân vật này lại được đẩy ra thành nhân vật ở ngôi thứ ba thể hiện bằng những mảnh vụn hiện tại, miêu tả hai anh em ông khi đã về già, sống trong cảnh tàn tật, cô độc. Nhân vật, nhờ vậy, lúc được nhìn cận cảnh, trực diện, lúc lại được đẩy ra xa trên một bối cảnh rộng của hồi ức có tính bao quát; lúc trí nhớ bám vào tình tiết, sự kiện, khi thì lại đào vào cõi suy tư, tâm trạng, cảm xúc. Nhịp điệu tự sự có khi nhanh chậm tùy chỗ, khi lướt qua, lược bỏ, khi dừng lại chậm rãi, kỹ lưỡng. Qua đó, người đọc vẫn thấy được khá rõ đời sống nhân vật và bóng dáng thời cuộc trong các chiều kích cần thiết.
Một ý vị triết học cùng với chất thơ lan toả
Sự chuyển đổi linh hoạt trong cách thức trần thuật như đã nói ở trên góp phần đắc lực cho việc đào sâu vào cõi nội tâm nhân vật, gọi lên mặt giấy những vỉa tâm hồn sâu khuất, bí ẩn rất đỗi bất ngờ, lắm khi bất ngờ đến độ kinh ngạc. Cõi tâm hồn âm u, bí mật và vô cùng vô tận của con người đã được lật lên từng lớp. Hai tình thế kinh khủng của sự sống được nhà văn lựa chọn miêu tả: 1 - Sự tùy thuộc lẫn nhau và rất mong manh của ba số phận trong màn phóng dao vô cùng nguy hiểm, bất trắc; 2 - Cả ba số phận này trước sự cổ vũ vô tâm và cuồng nhiệt của khán giả hàng đêm diễn. Bao nhiêu suy tư đau đớn, rỉ máu bật lên từ những lần cô em thoát chết: Liệu đến lúc nào có sự phân tâm ở người phóng dao không? Tại sao thằng em và cô em lại thụ động và nhẫn nại tham dự vào cái trò diễn chết người này? Liệu có phải hiếu sát là một đặc tính phổ biến của giống người? Tình anh em máu mủ có ý nghĩa gì ở đây không? Có phải khán giả cũng có tâm lý hiếu sát? hay vô tâm? hay nông nổi, ngu muội, bầy đàn? hay cuộc sống không có niềm vui nào khác?... Vô vàn những câu hỏi cật vấn đắng đót, nhức nhối hiện lên. Con người phải trả lời cho được những câu hỏi này. Hoặc nếu không trả lời cho được thì bản thân nỗ lực trả lời, cái ý muốn cần phải trả lời đã là một cố gắng cảm động, tự nó có ý nghĩa hướng thiện. Ý nghĩa đạo đức, nhân tính bật lên từ đó. Chúng mang giá trị cứu rỗi.
Đi theo con đường cật vấn, suy tư không khoan nhượng về sự sống trong các chiều kích của nó, tất yếu tác phẩm mang ý vị triết học. Chất triết lý có cơ hội bộc lộ. Không phải cứ ấn vào miệng nhân vật hoặc tuỳ tiện trữ tình ngoại đề hàng lô các câu triết lý mà có được tính triết lý. Nó toả ra từ những suy nghiệm đau buồn, từ cách nghĩ, cách tưởng tượng, từ những câu nói có vẻ ngẩn ngơ của người tàn tật tâm hồn, từ những dày vò, tra vấn đời sống một cách ráo riết, từ đáy sâu tinh thần nhân vật... Một ví dụ, nhân vật "tôi" nhớ lại cái đêm diễn mà đứa em gái bị trúng dao, lúc đang đứng sau tấm ván, trong tay anh ta cũng có một con dao tình cờ giắt sau tấm ván, anh ta tự nhiên nảy ra một ý muốn sát nhân, rồi nghĩ ngợi miên man: "Anh cứ thử cầm một con dao dọc giấy hay là dùng xẻ dưa, đừng dối mình rằng anh đã không giết chúng, có người đùa với nhau bằng vật bén nhọn sau đó giết chết người, cũng đừng nói là vô tình, lúc đó một thoáng anh có manh nha ý tưởng bạo hành, một phản xạ có điều kiện, liên tưởng nầy dẫn tới hình ảnh anh tôi với những lưỡi dao trên tay" (tr.147). Đọc tới đây khiến tôi liên tưởng tới Đốt của những kiệt tác Tội ác và sự trừng phạt, Anh em nhà Caramazov... Sự phân tích tâm lý như trên và ở một vài chỗ khác nữa trong Tấm ván phóng dao đã ít nhiều mang phẩm tính của Đốt.
Một ký ức u buồn của một số kiếp u buồn (vừa dị tật vừa tàn tật cả thể chất lẫn tâm hồn) tất yếu đẻ ra những suy nghiệm có tính triết lý. Ý vị triết học không thể được sinh ra từ sự hớn hở tự mãn hoặc từ những hứng khởi dễ dãi, nó chỉ có thể được sinh ra từ máu và những nỗi thống khổ của kiếp người. Tấm ván phóng dao chính là một thể nghiệm đau đớn như thế.
Cũng lại thấy có hai mạch trần thuật song song: Mạch tự sự hướng tới các sự kiện, biến cố, tuy ít thôi nhưng lắm khi cũng khá dữ dội; và mạch biểu hiện trôi theo những xúc cảm tâm hồn thật u buồn và hư ảo của nhân vật. Hai mạch này đan trộn, hoà huyết trong nhau. Mạch thứ nhất phần nhiều trở thành nguyên cớ cho mạch thứ hai xuất lộ. Mạch thứ hai thăng hoa, trôi dạt, miên man. Đó là chất thơ của tiểu thuyết Tấm ván phóng dao. Những tưởng tượng, liên tưởng, những mộng mơ, xúc cảm của nhân vật trước mây trời sông nước phương Nam có mùa mưa sùng sũng, có những đêm trăng sao ẩm ướt con đường, có những miệt vườn, kênh rạch, tiếng xe thổ mộ nhẫn nại trong khuya... Những phận người muôn mặt với thổ âm, từ vị riêng, những tập tục sinh hoạt riêng. Tất cả đã làm nên một diễn ngôn mang đầy phong vị phương Nam, hồn riêng Nam Bộ. Âm vọng văn hoá truyền đời của thuỷ thổ mạch nguồn Nam Bộ bàng bạc, quyến luyến tấm lòng người đọc. "Những chuyến xe khởi hành trong đêm cô quạnh và lãng mạn, thường Phương ngồi trên mui xe, với chú Bê và tôi, xe lướt qua những cánh đồng, gió bật tung mái tóc của chị, chị có gáy thon và trắng ngần, sau đó gió dịu dàng trìu mến buông thả mái tóc Phương dài xuống lưng (...). Chúng tôi tới núi Ba Thê đứng nơi cửa sông, nhìn qua một cánh đồng ngút ngàn, tới vùng Năm Căn mà trước kia thời khai hoang chỉ có năm căn nhà, rồi ngược về Cái Nước, một chợ nhỏ hoang vu, lộng gió" (tr. 105-106). Những mẩu văn đằm thắm chất thơ như thế điểm xuyết suốt các trang hồi ức. Nhờ vậy, sự miêu tả về hiện thực của cuộc mưu sinh, của chiến tranh, của bạo lực... được làm dịu lại, đỡ bị chói gắt, nhường chỗ cho tâm trạng hiển hiện, giữ vai trò điều hoà. Toàn bộ tiểu thuyết dịu dàng một chất thơ u buồn hướng về số kiếp tàn lụi của dăm bảy phận người. Nên nó phả vào lòng ta một niềm thương cảm rưng rưng. Đọc tiểu thuyết của Mạc Can thấy thương vô kể!...
Sự trở lại của các giá trị nhân văn cổ điển
Tác phẩm kết thúc rất thê thảm. Hầu hết các nhân vật đi vào tàn lụi, hoặc tâm thần, cô độc, hoặc biệt vô tăm tích, hoặc tù tội, hoặc chết sớm. Tất cả đều bị những thế lực hữu hình vô hình nào đó tàn phá không thương tiếc. Lắm khi con người bị xoáy vào cơn lốc của sự Huỷ Diệt tàn bạo, tức đồng nghĩa với sự hoành hành của Thần Chết. Và khi đó, mỗi lúc lâm vào tâm trạng tuyệt vọng, những tưởng chết là một giải pháp tối ưu. Thế nhưng, hoá ra không phải như vậy, cho dù sống một đời sống bi thảm nhất thì vẫn "không có gì sung sướng cho bằng khi được sống trên trần gian, dù cho có người đang sống từ bỏ nó, chết là một nỗi buồn nặng ký lắm" (tr. 197). Nhân vật bà Tư về già (gọi là già nhưng cũng chỉ sấp tuổi quãng 40) sống ở một nơi gần bãi tha ma, toàn trò chuyện với người âm, một mình lủi thủi, không còn một ai thân thích, chỉ trừ ông Ba - ông anh thỉnh thoảng ghé thăm, với một chút xíu săn sóc vụng về. Cuộc sống tưởng như cận kề với cõi chết. Thế nhưng hai con người này vẫn không chấp nhận cái giá lạnh của tử thần, vẫn nương tựa vào nhau để sống, cả hai vẫn cố nhoi lên, vực mình lên về phía vầng sáng hoài niệm để sống. Trong những tia hồi quang quá khứ, đáng kể nhất vẫn là Phương, chị Phương, mối tình đầu tuyệt vọng và câm lặng của "tôi" thời trẻ. Phương là một vầng sáng thánh thiện nhất, thần tiên nhất giữa một đời sống ô hợp, đầy tính vụ lợi và bạo lực. Phương là một người duy nhất, ngược hẳn với đám đông, không thích màn phóng dao, lần nào cũng "không cầm nổi xúc động" mỗi khi chứng kiến. Bởi cô nhìn ba con người ấy không phải như những diễn viên, mà như những phận người. Nên cố mới thấy "chạnh lòng" trước "vẻ hốc hác đến tội nghiệp" của người phóng dao, mới cảm thấy "cô nhỏ" đứng trước tấm ván chắc là "hằng đêm cô khóc thầm" (tr. 103 - 104)... Phương chính là hiện thân của đức từ tâm, lòng thương xót con người. Vâng, được sống khác hẳn với không được sống, tức đồng nghĩa với sự chết. Nhưng nó cũng khác với phải sống, hiểu như một thái độ chấp nhận, hoặc cao hơn, đương đầu với cuộc đời để khẳng định sự tồn tại của mình. Được sống hàm nghĩa một ân huệ. Phải là người đã trải qua những giây phút mong manh nhất của mạng sống, đã từng bị đem tính mạng của mình ra đùa cợt, thách đố Thần Chết hằng đêm, phải nghĩ ngợi nhiều lắm về cái chết như bà Tư mới có đủ thẩm quyền nói điều này. Được sống đã là hạnh phúc. Đây là một cấp độ tư tưởng của tác phẩm. Nhưng không dừng ở đó. Vẫn biết hướng về sự sống, khẳng định sự sống là một động lực lớn của nhân loại cắt nghĩa vì sao loài người vẫn bám chặt vào mặt đất này. Nhưng điều gì để cho con người muốn được sống? Có phải do sợ chết không, hay là lý do nào khác? Câu trả lời của tác phẩm chính là lòng biết thương người, là cái phẩm tính biết mủi lòng trước những khổ đau, rủi ro của con người, là cái cảm giác không nỡ không muốn nhìn người khác rơi vào nguy cơ lâm nạn. Như vậy, cho dù ngay trong những hoàn cảnh bi thảm nhất, con người vẫn tha thiết được sống trên cõi thế này chính là nhờ vào một niềm tin thiêng liêng và bất tử rằng tình thương nơi con người không bao giờ bị mất. Đây mới là chỗ đến cao nhất của tư tưởng tác phẩm, là cốt lõi của tư tưởng tác phẩm. Và là một thông điệp nhân văn sâu sắc mà tác phẩm muốn gửi đến người đọc hôm nay.
Tôi vẫn cứ nghĩ rằng cuộc sống càng tiến về phía hiện đại, mức sống ngày càng cao thì đáng buồn thay, chất lượng nhân văn của cuộc sống ngày càng suy giảm. Con người hôm nay trở nên thực dụng hơn, sòng phẳng hơn, thô bạo và lãnh lẽo hơn. Tình trạng vô cảm trước nỗi đau, nỗi thiệt thòi, mất mát của con người là có thật, và đã đến lúc trầm trọng. Cuốn sách này, bằng một cách tự nhiên nhất đã đánh thức trái tim người đọc lòng xót thương đối với những kiếp người bất hạnh. Đó là những ông Ba, bà Tư, ông Hai, những kép diễn như ông Trần, những Phương, Tùng, Điệp... Đặc biệt nhất là ông Ba (nhân vật chính) và bà Tư - những con người bị chính nghề nghiệp tàn phá (gánh nặng mưu sinh và thói vô tình của người đời). Hai con người ấy cả đời cố thu nhỏ mình lại đến mức không thể nhỏ hơn được nữa (hiểu theo nghĩa thân hình và cả với nghĩa tâm lý thúc thủ, sợ hãi), ấy thế mà vẫn bị thôn tính, tàn huỷ. Thế nhưng ở họ, tấm lòng biết quý giá sự sống, thương xót con người thì không gì có thể huỷ diệt được. Nó trường cửu. Nó cần có mặt trên mặt đất này. Nhờ có nó, cuộc đời sẽ bớt giá lạnh hơn, sẽ trở nên ấm áp hơn, đỡ cô độc hơn, con người tha thiết với sự sống hơn.
Tôi nghĩ rằng có những nhà tiểu thuyết cùng với sự đột phá liên tục của kỹ thuật tự sự, đã viết bằng sự phẫn nộ của một quả tim thông minh như Tạ Duy Anh, hoặc bằng một sự mơ mộng trí tuệ như Nguyễn Bình Phương... Nhưng cũng lại có cách viết với một sự giản dị thông suốt, trực diện, chân cảm như bút pháp Mạc Can, và cũng đã đạt được hiệu quả nghệ thuật không ngờ. Dường như anh không quan tâm lắm về kỹ thuật, ấy thế mà lại có kỹ thuật - thứ kỹ thuật do nội dung chín mà nó tự nứt, tự thúc ra, góp thành mầm sống nghệ thuật. Do vậy, tác phẩm này đã tụ được một vài hình ảnh có ý nghĩa biểu tượng, gây ám ảnh và mang tính khái quát cao như cơn mưa, tấm ván, bàn tay vô thức luôn viết chữ, lưỡi câu, trò phóng dao... Và nhất là con cá (máu và mắt cá) trở đi trở lại với nhiều biểu hiện rất biến ảo thuộc về hình dáng và tính nết của nó. Hình ảnh sau cùng này cộng hưởng với trường liên tưởng văn hoá nơi tiếp nhận (Lạnh tanh máu cá, Khác máu tanh lòng, Như mắt cá ươn...) gợi lên cả một miền suy tưởng sâu xa về cõi người. Một tác phẩm hay phải đạt được một vài biểu tượng nghệ thuật có khả năng phát sáng như thế.
Mạc Can đã tiếp nối thật tự nhiên và đầy trách nhiệm chủ nghĩa nhân đạo truyền thống của nền văn học Việt Nam: Trực tiếp hướng về số kiếp con người theo cách biểu hiện lòng xót thương đau đớn đối với con người và cũng đặt ra yêu cầu hoàn thiện nhân cách con người - những giá trị nhân văn cổ điển vĩnh hằng. Đó là mạch nguồn chảy mạnh mẽ trong lòng văn chương dân tộc đã có từ xa xưa, qua Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, qua Thạch Lam, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nam Cao và rất nhiều nhà nghệ sĩ tên tuổi khác. Trong một bối cảnh xã hội có nhiều rạn nứt và đổ vỡ như xã hội hiện đại hôm nay, chỉ có các giá trị nhân văn cổ điển mới có khả năng cứu vãn thế giới. Các giá trị nhân văn cổ điển lành tính sẽ xoa dịu, sẽ hàn rịt lại những tổn thương tinh thần to lớn của con người hiện đại. Tôi tin tưởng điều đó. Thành công của Tấm ván phóng dao chẳng phải là một minh chứng đầy sức thuyết phục đó sao! Tác phẩm làm ấm lòng những người kỳ vọng vào nền tiểu thuyết Việt Nam hôm nay.
Cần Thơ, 8/2004 - Hà Nội 9/2004
(Bản rút gọn đã đăng trên Văn nghệ Trẻ)
------------------------------
Chú thích:
(1) Tiểu thuyết của Mạc Can do Nxb Hội nhà văn ấn hành quý I năm 2004, 203 trang. Đây là tác phẩm nằm trong chương trình Dự thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam.
(2) Trong bài viết Về những tiểu thuyết ngắn, tác giả Kristjana Gunnars cho rằng bên cạnh truyền thống tiểu thuyết dài thì trên thế giới đã xuất hiện một khuynh hướng tiểu thuyết ngắn (không chỉ căn cứ vào dấu hiệu hình thức bên ngoài, mà chủ yếu là những đặc điểm thuộc cấu trúc thể loại). Bà nói rằng: "Theo nhận định của nhiều nhà văn thì những tác phẩm ngắn, mặc dù thể loại có tính chất mở, đều có xu hướng bị phân mảnh, mang tính thơ và tính lý luận" (Dẫn theo eVăn, bản dịch của Hải Ngọc). Trong nền tiểu thuyết đương đại Việt Nam, cũng có một số tác phẩm đi theo khuynh hướng này như Trí nhớ suy tàn (2000), Thoạt kỳ thuỷ (2004) của Nguyễn Bình Phương; Thiên thần sám hối (2004) của Tạ Duy Anh, Thời của những tiên tri giả (2004) của Nguyễn Viện...