Một ngày sau khi quân đội kiểm soát Bangladesh và thủ tướng Sheikh Hasina từ chức, lên trực thăng rời khỏi đất nước, tòa nhà quốc hội ở thủ đô Dhaka tràn ngập người tới ăn mừng.
Phong trào biểu tình phản đối chính quyền của bà Hasina nổ ra hơn một tháng qua, với nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát khiến ít nhất 422 người chết.
"Tự do đã đến với thế hệ trẻ", Parvez Hossain, 30 tuổi, sinh viên, nói giữa đám đông ngày 6/8 trước quảng trường tòa nhà quốc hội, nơi không còn nghị sĩ nào ở lại sau khi quốc hội bị giải tán.
Hossain bày tỏ hy vọng về khởi đầu mới đầy tươi sáng cho tương lai tốt đẹp hơn. "Bây giờ chúng tôi đã giành lại tự do cho Bangladesh", anh nói. "Chúng tôi muốn xây dựng lại đất nước theo cách mới".
Bất ổn bắt đầu từ tháng trước với các cuộc tuần hành của sinh viên phản đối chính sách phân bổ chỉ tiêu viên chức và leo thang thành biểu tình quy mô lớn kêu gọi bà Hasina, người nắm quyền từ năm 2009, từ chức.
Đường phố Dhaka vẫn đông đúc nhộn nhịp, các cơ sở kinh doanh vẫn hoạt động, dấu hiệu cho thấy thủ đô Bangladesh đã quay lại nhịp sống thường nhật. Tuy nhiên, người ta vẫn lo ngại về vấn đề an ninh, khi ít nhất 10 người thiệt mạng ngày 6/8.
Các trụ sở của đảng cầm quyền Liên đoàn Awami bị thiêu rụi, nhà cửa của những người thân tín với bà Hasina bị cướp bóc, cho thấy mức độ bạo lực trong tình trạng hỗn loạn đánh dấu phút cuối cho 15 năm cầm quyền của nữ thủ tướng. Có người nhân cơ hội trả thù cảnh sát vì cho rằng họ đã đàn áp phe biểu tình bằng vũ lực chết người.
Công đoàn cảnh sát cho hay các thành viên ngày 6/8 đã đình công "cho tới khi an ninh của mọi thành viên được đảm bảo". Công đoàn cũng xin lỗi vì những hành động của các sĩ quan đối với người biểu tình.
Do cảnh sát đình công, người dân tự điều tiết giao thông. Sinh viên đứng ở các ngã tư phân luồng dòng xe cộ.
Nazrul Islam, 60 tuổi, làm việc trong ngành dược, cho rằng phong trào biểu tình của sinh viên đã châm ngòi làn sóng phản đối chính quyền "không thể ngăn cản" trong người dân. "Nỗi tức giận vốn tích tụ từ lâu", ông nói.
Một số cơ sở kinh doanh và nhà cửa do người Hindu, nhóm được coi là thân cận với bà Hasina tại quốc gia mà người theo Hồi giáo chiếm đa số, cũng bị tấn công. Các nhóm bảo vệ nhân quyền Bangladesh, cũng như các nhà ngoại giao Mỹ và Liên minh châu Âu, ngày 6/8 bày tỏ quan ngại về thông tin các nhóm tôn giáo, dân tộc và thiểu số bị tấn công.
Đội ngũ lãnh đạo mới của Bangladesh đang dựa vào quân đội, lực lượng kiểm soát đất nước và ủng hộ thành lập chính phủ lâm thời. Nhưng tương lai có ra sao, Nurul Islam, 60 tuổi, làm nghề đạp xích lô, vẫn vui vì bà Hasina đã ra đi.
"Người dân không được hưởng chút yên bình nào trong 15 năm qua", ông nói khi dừng lại nghỉ ngơi trên con phố đông đúc.
Hồng Hạnh (Theo AFP)