20/11 là ngày của lòng tri ân, thật đáng trân trọng và tự hào của những người làm nghề giáo. Có một người thầy, người bố và người anh cả trong ngôi trường còn rất mới, luôn trăn trở về một thế hệ trẻ Việt Nam: làm sao xây dựng nhân cách sống khi con người đang khủng hoảng niềm tin?, làm sao rèn luyện nghị lực để vượt khó khăn khi cuộc đời vốn dĩ nhiều trắc trở? hay làm sao để hoàn thiện trí tuệ?...
Dưới đây là bức thư của thầy Trần Việt Quân - sáng lập viên CLB Dạy con nên người, Tổng giám đốc hệ thống trường Pathway Tuệ Đức. Bức thư gửi gắm đến các thầy cô về ước mơ và niềm tự hào của người thầy giáo.
Các thầy cô thân mến!
Có bao giờ bạn tự hỏi, ý nghĩa thực sự sâu sắc nhất của nghề giáo là gì? Có bao giờ bạn tự hỏi đã trang bị những gì cho học trò của mình làm hành trang để bước đi trong cuộc sống? Và có bao giờ bạn tự hỏi một thầy giáo đóng góp gì cho việc hình thành nhân cách đạo đức, ước mơ và hoài bão của học sinh?
Chính vì những trăn trở đó, nhân ngày Nhà giáo, tôi xin gửi gắm vài lời đến quý thầy cô - người lái những chuyến đò đưa thế hệ trẻ đi về tương lai, kể về ước mơ chung tay xây dựng một ngôi trường.
Chúng ta cùng mơ về một ngôi trường - nơi mà mọi thầy cô đều có nếp sống gương mẫu, mọi học trò đến lớp để yêu thương chứ không phải được chiều chuộng, được thổi hồn nhân cách qua từng tiết học chứ không phải nhồi nhét kiến thức.
Ở nơi ấy, mọi thầy cô đều đam mê giáo dục, thầy cô đến lớp với niềm vui vì được sống và cống hiến, trưởng thành của thế hệ mai sau - nơi mà bệnh thành tích không có đất để tồn tại.
Nơi đây, mọi thầy cô đều coi đạo đức là điều thiêng liêng nhất, nhân cách của trẻ được ươm mầm và lớn lên từng ngày, vươn lên với bầu trời đầy ánh sáng của sự hiểu biết sâu sắc.
Chúng ta cùng mơ về một ngôi trường - nơi mà mọi thầy cô đều gắn kết với nhau như những người đồng đội, cả tập thể dám sống trung thực đến tận cùng và phục vụ, giúp đỡ, sẻ chia vô điều kiện.
Ở nơi ấy, từng phụ huynh chính là người thầy gương mẫu nhất, mỗi gia đình đều là môi trường của giáo dục. Ở nơi ấy, tủ sách to hơn tủ lạnh, văn hóa đọc được thấm sâu vào từng thành viên trong mỗi gia đình.
Nơi đây, tất cả thầy cô và học trò đều cam kết với 5 lời hứa từ tận đáy lòng của chính mình: không giết hại và luôn vun đắp, không trộm cắp và luôn gìn giữ, không hung hăng và luôn hòa ái, không nói dối và luôn trung thực, không chơi game và chăm đọc sách.
Nơi mà mỗi tiết học là một giờ chơi, mỗi tình huống là một bài học. Ở nơi ấy, các học trò được trui rèn thành chiến sĩ, được băng rừng vượt thác với đầy thách thức.
Chúng ta cùng mơ về một ngôi trường, nơi kết tinh của khoa học và đạo học. Trong đó, đạo học là nền tảng, cốt lõi được thấm sâu trong từng tiết học, từng chuyến dã ngoại, từng bữa ăn cho đến mọi hành vi trong đời sống.
Ở nơi ấy, đạo đức luôn được nuôi dưỡng, trí tuệ luôn được trau dồi, sức mạnh của nghị lực luôn được rèn luyện.
Từ ngôi trường ấy sẽ có một thế hệ trẻ dám nói không với sống ảo, nói không với ăn nhậu, nói không với sự thụ động vô cảm, nói không với điều xấu ác.
Một thế hệ trẻ biết tự học suốt đời, tự trách nhiệm với bản thân và biết cống hiến vì cộng đồng phát triển bền vững.
Một thế hệ trẻ trưởng thành, dám sống cao đẹp dưới bầu trời đầy ước mơ, trộn lẫn với thách thức đầy hoài bão.
Các mơ ước ấy quả là khó, nhất là trong thời kỳ của cơm áo gạo tiền, của sống nhanh, sống vội như hiện nay.
Tuy nhiên nếu không tìm sẽ không bao giờ thấy. Không gõ cửa, cửa sẽ không bao giờ mở. Không cùng nhau xây đắp thì mãi không có điều gì tốt đẹp được tạo nên!
Chúng ta không được chọn hoàn cảnh khi sinh ra, nhưng được quyền tạo dựng một nhân cách sống.
Giữa trăm nghìn nghề, thật tự hào được làm nghề giáo, làm thầy cô của những học trò đầy mạnh mẽ và có chiều sâu của tâm hồn, một tương lai đất nước. Từ đó, chúng ta có thể ngẩng cao đầu nói với khắp năm châu: "Tôi là người Việt Nam".
Nhân ngày Nhà giáo, tôi đại diện cho trường Pathway Tuệ Đức sẵn sàng chào đón các thầy cô cùng xây nên ước mơ cho ngôi trường của thế hệ tương lai. Người sống sâu sắc với nghề giáo chính là sự cống hiến tốt đẹp nhất cho cuộc đời này.
Thầy Trần Việt Quân