Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân và học sinh Hà Nội. Ảnh: T.D. |
"Tôi không bao giờ quên được hình ảnh cháu bé lớp 4 mếu máo với mẹ: Mẹ ơi, con làm kiểm tra toán chỉ được 6 điểm, vì cô ra bài mà chỉ các bạn đi học thêm mới biết trước và đã giải rồi". Đó là trăn trở của Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân trong bức thư gửi giáo viên, phụ huynh và học sinh sinh viên nhân ngày 20/11.
Hà Nội ngày 16/11/2006
Các thầy giáo, cô giáo thân mến,
Thưa các bậc cha mẹ,
Các em học sinh, sinh viên thân mến,
Đất nước chúng ta đang đón chào ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay trong một bối cảnh thật đặc biệt: vào tháng 4, diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 10, ngày 7 tháng 11, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ngày 17 tháng 11 khai mạc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình dương (APEC) lần thứ 14 tại Hà Nội. Việt Nam đã tự tin, đĩnh đạc bước vào một kỷ nguyên mới của lịch sử 4000 năm: Kỷ nguyên hội nhập quốc tế, hợp tác và cạnh tranh toàn cầu.
Trong vòng chưa đầy 100 năm từ ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, dân tộc Việt Nam đã tạo nên bước nhảy vọt lớn nhất trong lịch sử ngàn năm của mình: từ một đất nước không có tên trên bản đồ thế giới của phương Tây, một thuộc địa của Pháp, với hơn 95% dân số không biết chữ và đa số người dân đi chân đất, dân tộc Việt Nam đã đánh thắng những ngoại xâm lớn, giành lại độc lập, tìm ra và thực hiện đường lối phát triển quốc gia đúng đắn, 20 năm liên tục từ năm 1986 đạt mức tăng trưởng kinh tế với tốc độ vào loại cao nhất thế giới, có một vị trí vững chắc trong tâm trí của nhân loại đầu thế kỷ 21.
Trong 100 năm phát triển vượt bậc ấy, không ai cho chúng ta tiền để phát triển kinh tế. Suy cho cùng, nguyên nhân sâu xa của bước nhảy vọt này là khả năng và sức mạnh của con người Việt Nam: Một dân tộc có truyền thống văn hóa, dũng cảm, cần cù, sáng tạo, đã liên tục nâng cao dân trí ngày càng rộng, càng sâu, suốt một thế kỷ. Vì thế mà tầm nhìn của mỗi người Việt Nam ngày càng được nâng cao, năng lực trí tuệ ngày càng được phát triển, hiệu quả hành động và năng suất lao động ngày càng được gia tăng.
Thưa các thầy giáo và cô giáo,
Hệ thống giáo dục Việt Nam từ sau năm 1945 đã đóng góp hết sức to lớn vào sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, làm cho kháng chiến thành công và nước nhà ngày càng phát triển. Trong sự nghiệp cao cả ấy, đội ngũ thầy cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục có vai trò quyết định. Trước đòi hỏi của đất nước hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo sẽ:
- Thành lập Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo để thiết thực chăm lo cho sự nghiệp và cuộc sống của hơn một triệu thầy cô giáo và nhân viên của ngành;
- Xây dựng chương trình và hệ thống tài liệu, đĩa hình để mỗi thầy cô và các tổ bộ môn, tập thể sư phạm ở các trường phổ thông tự học tập, đổi mới phương pháp dạy và học, không ngừng nâng cao tri thức và kỹ năng nghề nghiệp;
- Triển khai một chương trình đồng bộ để từ nay đến năm 2015 đào tạo 20.000 tiến sĩ, bổ sung làm giảng viên nòng cốt cho 400 trường đại học và cao đẳng cả nước;
- Tổ chức một cuộc vận động toàn xã hội góp phần chăm lo đời sống, làm nhà công vụ cho các thầy, cô giáo ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
- Xây dựng đề án lương và phụ cấp cho giáo viên theo lộ trình từ năm 2007 đến năm 2010 để trình Chính phủ, sao cho từ năm 2010 trở đi, các thầy cô giáo sống được bằng lương của nhà giáo.
Thưa các bậc cha mẹ học sinh và sinh viên,
Năm học 2006-2007 toàn ngành giáo dục và đào tạo cùng cấp ủy Đảng và chính quyền các địa phương triển khai cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Đó chính là vì tương lai của các em học sinh, sinh viên, vì tương lai của cả dân tộc.
Nếu các em học hết tiểu học mà không đọc thông viết thạo, hết trung học mà chưa đủ năng lực vào đời, không hiểu rằng muốn có ăn thật thì phải học thật, làm thật, thì cho dù các em có một học bạ đẹp đến đâu, trong tay có một bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, các em cũng không thể học lấy một nghề, để nuôi mình, có ích cho đất nước, chăm lo cha mẹ lúc tuổi già. Như thế các em và gia đình làm sao hạnh phúc. Vì vậy, xin các bậc làm cha mẹ hãy tạo điều kiện tốt nhất, hãy là tấm gương tốt nhất cho con em mình học nghiêm túc, học tốt, chứ đừng làm cho các em có được tấm bằng mà không phải nỗ lực thực sự, mà không có năng lực làm người đúng nghĩa.
Nếu các bậc cha mẹ học sinh đang là cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng và chính quyền xin đừng yêu cầu các thầy cô phải sửa điểm, thêm điểm vào học bạ, bắt các em phải lên lớp vì “thành tích” của huyện, của tỉnh. Được lên lớp như vậy sẽ làm các em khổ vì không hiểu khi học ở lớp trên, điểm số cao như vậy sẽ làm thầy cô không vui vì trở thành người thường xuyên nói dối, nhiều thành tích như vậy sẽ góp phần làm đất nước suy vong. Xin hãy làm tất cả để thầy cô được dạy đúng với lương tâm của mình, để các em được đánh giá công bằng.
Trật tự, kỷ cương, công bằng và trung thực là nền móng phải có để trên đó các thầy cô, các em học sinh, sinh viên và các bậc cha mẹ xây nên tòa nhà vững chắc của nền giáo dục và đào tạo nước nhà.
Các em học sinh, sinh viên thân yêu,
Các em sinh ra khi bom đã ngưng rơi, đạn đã ngừng nổ. Các em cắp sách đến trường mà không lo khi trở về người thân còn hay mất. Đất nước có được như ngày hôm nay là nhờ sự hy sinh xương máu, mồ hôi của những người đi trước, của ông bà, cha mẹ các em và của các thầy cô giáo. Một dân tộc đi chân đất ngày nào đang hối hả bước vào dòng chảy của nhân loại hiện đại. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Hãy nuôi ước mơ của các em về tương lai của mình, của quê hương bằng nỗ lực học thật, học say mê, sáng tạo từ mỗi ngày hôm nay.
Thưa các thầy giáo và cô giáo,
Duyên phận làm người đã đưa các thầy cô đến với nghề giáo cao quý. Chúng ta được xã hội, được chính quyền chấp nhận là người có quyền nuôi dưỡng và phát triển văn hóa, lịch sử ngàn năm của dân tộc, là người khai trí, luyện đức và rèn tâm cho hơn 20 triệu học sinh và sinh viên nước nhà, là những người ký tên đầu tiên vào nhật ký cuộc đời các em. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh cháu bé lớp 4 mếu máo với mẹ: Mẹ ơi, con làm kiểm tra toán chỉ được 6 điểm, vì cô ra bài mà chỉ các bạn đi học thêm mới biết trước và đã giải rồi. Chúng ta biết giải thích cho trẻ thế nào về sự “hợp lý” của học thêm kiểu này. Chúng ta phải đóng cửa bảo nhau thật thẳng thắn, khi một bộ phận rất nhỏ trong đội ngũ nhà giáo chưa tận tâm với nghề, chưa tận nghĩa với đời.
Bước vào kỷ nguyên hợp tác và cạnh tranh toàn cầu, chính các thầy cô giáo có sứ mạng vô cùng vẻ vang là đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài để đất nước phát triển nhanh và bền vững bằng trí tuệ Việt Nam.
Ngày 3 tháng 9 năm 1945, Bác Hồ đã nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Dân tộc Việt Nam ta qua gần 100 năm đánh đuổi ngoại xâm và xây dựng đất nước đã trở thành một dân tộc mạnh vào cuối thế kỷ 20. Đội ngũ nhà giáo chúng ta hãy ngẩng cao đầu, nhận lấy sứ mạng vẻ vang, làm cho dân tộc Việt Nam mạnh hơn, vẻ vang hơn, hạnh phúc hơn trong 100 năm tới của thế kỷ 21. Mỗi thầy cô giáo hãy là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo.
Xin cảm ơn một triệu thầy giáo, cô giáo khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là những thầy cô đã cống hiến cả tuổi thanh xuân và đời người cho sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp trồng người ở vùng núi, nơi biên cương, hải đảo xa xôi. Xin mỗi thầy cô chúng ta hãy thổi bùng lên và truyền cho nhau ngọn lửa nhiệt tình và lương tâm của nhà giáo, đem mùa Xuân rực rỡ về cho Tổ quốc Việt Nam.
GS. TS. Nguyễn Thiện Nhân
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo