Theo Buzzfeed, bức "tâm thư" xuất phát từ một chia sẻ trên các nhóm WhatsApp vào ngày 22/3, trong đó đề cập nhiều nội dung liên quan đến Covid-19 và "mục đích tâm linh" phía sau.
Chẳng hạn, bức thư nói rằng "tất cả mọi người đều bình đẳng, bất kể văn hóa, tôn giáo, nghề nghiệp, tài chính, sự nổi tiếng và Covid-19 đối xử với mọi người như nhau", đồng thời lấy Tom Hanks - người đã dương tính với virus nCoV hôm 11/3 - làm ví dụ.
Bên cạnh đó, bức thư cũng đề cập đến "dịch bệnh là không biên giới", "sức khỏe quý giá đến mức nào", "công việc thực sự là chăm sóc bản thân và chăm sóc lẫn nhau", cảnh báo tác động tiêu cực của con người đến môi trường, xem dịch bệnh là "sự sửa chữa tuyệt vời". Ngoài ra, bức thư cho rằng "Trái đất đang ốm" và kêu gọi mọi người không hoảng loạn vì "sau cơn mưa trời lại sáng".
Sau khi xuất hiện trên WhatsApp, bức thư tiếp tục lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các phương tiện truyền thông khác. Sử dụng công cụ giám sát phương tiện truyền thông xã hội CrowdTangle, Buzzfeed phát hiện nội dung của nó được chia sẻ nhiều trên Facebook, trong đó có các tài khoản đã được xác thực (có dấu tích xanh) và người nổi tiếng, như người mẫu kiêm diễn viên Naomi Campbell hay ca sĩ Julian Lennon, con trai danh ca John Lennon.
Tài khoản Facebook của Julian Lennon hiện có 1,4 triệu người theo dõi, riêng bài viết chia sẻ về bức thư nhận hàng chục nghìn lượt thích chỉ trong chưa đầy 24 giờ. Tuy nhiên, để từ chối trách nhiệm, ca sĩ này đã mở đầu status bằng câu "tôi chưa xác minh nội dung bức thư này, nhưng quan điểm của nó đáng để được chia sẻ và thực hiện".
Bên cạnh đó, "tâm thư của Bill Gates" còn được đăng trên tài khoản Facebook (đã có dấu tích xanh) của Doc Willie Ong, một bác sĩ người Philippines với 12 triệu người theo dõi, hay một trang tin tức Việt Nam với 1,1 triệu lượt thích. Ngoài Facebook, bức thư cũng được tài khoản Instagram của UniLad, một trang tin tức dành cho giới trẻ của Anh, có 3,8 triệu người theo dõi, chia sẻ. Thậm chí, các tờ báo hàng đầu nước Anh như The Sun hay Metro cũng trích nội dung thư.
Cũng theo Buzzfeed, ngoài các nền tảng thuộc Facebook như WhatsApp, Facebook, Instagram, "tâm thư" có thể đã lan truyền qua email, Twitter và các mạng xã hội khác.
Người phát ngôn của Quỹ Bill & Melinda Gates Foundation xác nhận Bill Gates không nói những lời này và khẳng định bức thư là giả mạo.
Independent ghi nhận, một số tài khoản đã âm thầm xóa nội dung bài viết, trong khi số khác đưa ra lời xin lỗi hoặc đính chính. Tuy nhiên, tác giả của bức thư vẫn là ẩn số.
Tin giả là một trong những vấn nạn trên mạng xã hội thời gian qua. Trong bối cảnh Covid-19 hoành hành, các thông tin gây sai lệch đang xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trên Internet, nhất là các nền tảng truyền thông xã hội. Trước tình trạng này, tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết đang cùng các mạng xã hội lớn đối phó với tình trạng tin thất thiệt tràn lan, trong khi Facebook, Google, Twitter... khẳng định sẽ sàng lọc và xóa bất kỳ nội dung nào trên nền tảng nếu cảm thấy nghi ngờ tính chính xác.
Theo khuyến cáo của Facebook, người dùng trước khi chia sẻ một tin tức nào đó nên xem xét kỹ tiêu đề, tìm hiểu nguồn tin, cảnh giác với định dạng hay lỗi chính tả bất thường, xem kỹ hình ảnh, rà soát bằng chứng, cũng như đối chiếu nội dung đó với các nguồn uy tín.
Bảo Lâm