Người phụ nữ trưởng thành ngày nay đều tìm kiếm việc làm và chia sẻ kinh tế với chồng. Trường hợp chồng làm ra nhiều tiền, người vợ dù không đi làm cũng không "đầu tắt mặt tối" để lo cơm nước nữa, vì việc nhà đã có người giúp việc làm. Việc nhà không còn là riêng của phụ nữ nhưng không có nghĩa nó trở thành việc của đàn ông.
Xã hội dần bình đẳng nam nữ hơn nhưng không phải cái gì cũng chia đôi. Cưới xin thì nhà trai phải đến ăn hỏi, xin cưới. Nhà cửa cho đôi trẻ đa phần là nhà trai lo. Gia đình nghèo khó thì ông chồng thường bị trách bất tài, không lo được cho vợ con. Còn việc nhà thì sao? Việc nhà là chợ búa, cơm nước, rửa bát quét nhà, giặt giũ, chăm sóc vật nuôi, cây cối, sửa chữa hỏng hóc nho nhỏ như mộc nề điện nước... Trước kia thường quy ước đàn ông lo việc mộc, nề điện nước là những việc thuộc kỹ thuật mới (khi phụ nữ ít được dạy các việc đó), nữ công gia chánh là việc chị em. Việc nhà quả thật không ít. Nếu phụ nữ ở nhà, việc nhà chắc cũng gần 8 tiếng, tương đương đàn ông 8 tiếng đi làm, cho nên ngày xưa mới phân công như vậy.
Ngày nay, chị em cũng đi làm, việc nhà dồn hết cho họ là không được, vì vậy đàn ông được yêu cầu chia sẻ. Khoa học kỹ thuật cũng giúp giảm bớt nhiều việc nhà. Vợ chồng chia sẻ việc nhà, thêm con cái trợ giúp thì mọi việc vẫn ổn. Như vậy không có nghĩa là phụ nữ không cần học nữ công gia chánh, không học sẽ không làm được, không làm được thì nói gì đến chuyện chia sẻ, dù chia sẻ cũng có chính phụ để dễ phân công, dễ học tập. Cả Tây lẫn ta, chúng ta đều thấy các ông lên mạng chia sẻ nhau cách sử dụng máy công cụ để DIY (Do it yourself), sửa chữa, đóng đồ. Các chị chia sẻ nhau cách chế biến món ngon, cách trang điểm, chọn quần áo... Như vậy, dù là chia sẻ việc nhà nhưng xu thế chính vẫn là chị em lo nấu nướng, các anh lo kỹ thuật. Do việc nhà nhiều hơn, các anh cần phụ thêm như chuẩn bị thực phẩm, phơi đồ, quét nhà... Đó là cơ sở để gia đình hạnh phúc.
Các độc giả trên đây lại xúm vào bênh vực một cô gái không biết, không tự giác, không cố gắng học để làm việc nhà. Phê phán mệnh đề "Việc nhà là của phụ nữ", họ quay sang ủng hộ mệnh đề "Việc nhà không phải là việc của phụ nữ" và "Yêu cầu phụ nữ học nữ công gia chánh là cổ hủ, lạc hậu". Vậy theo các bạn, xã hội, gia đình nên phân công thế nào? Về tổng thể, việc cơm nước nên để ai chính, ai phụ (về từng gia đình, sẽ căn cứ thời gian, trình độ, sức khỏe của vợ và chồng)? Giải phóng phụ nữ, các bạn muốn giải phóng đến mức nào? Vứt hết việc nhà cho đàn ông?
Về cách ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội, nhiệt tình giúp đỡ người khác luôn là đức tính được biểu dương, khuyến khích. Chẳng lẽ là cổ hủ nếu khuyên người người trẻ nhường chỗ cho người già trên xe, nam giới giúp phụ nữ khuân đồ, sửa chữa đồ đạc, nữ giới giúp nam giới dọn dẹp nhà cửa, đi chợ mua đồ... Mọi người có quyền giúp hoặc không giúp nhưng thế giới sẽ đẹp hơn nếu giúp lẫn nhau. Về tác phong, mọi người học kỹ năng mềm sẽ biết các quy tắc bắt tay như thế nào, giới thiệu với nhau ra sao, vậy việc yêu cầu thực hiện các quy tắc ăn mặc, đứng ngồi khi giao tiếp với nhau dù là người trong nhà hay ngoài xã hội cũng nên biểu dương chứ sao lại ném đá? Thoải mái sẽ thích thật nhưng phép lịch sự vẫn cần giữ. Đó không phải là gượng ép, sống không thật hay làm cho người khác xem mà là giáo dục.
Ở một nhà hàng tại Singapore, thực khách bàn bên cạnh đứng dậy bỏ đi khi có một vị khách bỏ dép, co chân lên ghế. Họ cổ hủ lạc hậu hay vị khách co chân lên ghế kia kém văn minh? Một cô gái biết giữ ý, vào phòng ngủ nằm nghỉ khi mỏi đáng yêu hay cô gái thoải mái nằm ngả ngớn trên ghế giữa mấy người đàn ông đang nói chuyện dễ thương hơn? Ở sân bay, dù còn nhiều ghế trống nhưng hành vi nằm trên ghế cũng không hay chứ chưa nói đến một cô gái nằm giữa đám đàn ông trong phòng khách. Vậy mà các bạn ủng hộ việc "sống thực với con người mình", "hồn nhiên, vô tư" của cô gái. Có một anh gặp khó khăn trong cuộc sống, khi được cộng đồng mạng biết và giúp đỡ, anh chia sẻ một phần lớn tiền nhận được cho người khác khó khăn hơn mà anh biết. Anh ấy có đáng khen hơn là giữ lại dùng hết "để tôn trọng người cho"? Vậy mà khi được mẹ chồng gắp cho miếng thịt ngon nhất đĩa, cô gái nên chuyển miếng thịt đó cho cháu nhỏ ngồi cùng mâm thì các bạn ném đá họ. Các bạn có biết mình đang làm gì không?
Bây giờ không còn là thời khó khăn để việc ông chồng tiếp khách ở nhà trên, vợ con ăn đầu thừa đuôi thẹo dưới bếp như xưa nữa, không còn nam mâm trên nhà, nữ mâm dưới bếp, có điều còn rất nhiều phép xã giao cần học tập. Người Hàn, người Nhật cúi chào cấp trên, người già. Nam giới châu Âu nhường phụ nữ đi trước. Cụng ly với người lớn tuổi, cấp trên thì để ly thấp một chút, không nói leo, cắt lời người khác, xếp hàng trật tự, không chen ngang..., những cái đó không phải là cổ hủ, phong kiến mà là thể hiện văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi con người. Đáng tiếc, với mỹ từ "công bằng, bình đẳng, sống thật với mình" rất nhiều bạn ủng hộ cách sống lai căng, Tây chẳng ra Tây, ta chẳng ra ta. Hơn 1800 comments với đa phần là ném đá bạn Tuấn trong bài "Em dâu chỉ đạt hai điểm nữ công gia chánh", không biết các bạn đó có đọc kỹ bài viết không hay họ thực sự suy nghĩ rằng hành động của cô em dâu là bình thường, còn ông anh chồng là tư tưởng lạc hậu, trọng nam khinh nữ?
Mạnh Cường
Độc giả gọi vào số 09 6658 1270 để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc.