Người gửi: Đinh Trọng Tuệ
Gửi tới: Ban Thể thao
Tiêu đề: Tâm sự về tuổi 21 của tôi và của Văn Quyến
Chuyện Văn Quyến, Quốc Vượng và vài anh chàng khác bán độ ở SEA Games vừa rồi đình đám suốt thời gian vừa qua. Báo nào cũng viết, ai cũng nói chuyện, thậm chí, FIFA cũng biết tới và ra quyết định phạt các anh chàng ở độ tuổi đôi mươi đó.
Vài chục năm trước, cái thời của bố mẹ tôi, các chú các bác tôi đang tràn đầy sức sống và tuổi trẻ. Họ vẫy chào gia đình vác súng lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Họ mang sách vở lên vùng cao dạy cho đồng bào, cho lớp đàn em kế cận.... họ cũng đang ở cái độ tuổi đôi mươi thôi. Hãy nhìn lại những thế hệ trước đây, xem họ đã làm được gì khi ở cái độ tuổi đấy. Họ đã cống hiến được những gì cho xã hội, gia đình và cho chính bản thân họ. Những khát vọng sống, những tư tưởng đẹp đến mức đến giờ thế hệ con cháu nhìn lại cũng thèm có được cái nhiệt huyết đấy.
Đến bây giờ, nhìn những khuôn mặt trên giảng đường, sau bàn máy của các công ty lớn, hay chẳng đi đâu xa là các cuộc thi trí tuệ, có biết bao nhiêu những người trẻ tuổi đang làm rạng danh cái cụm danh từ " Thanh niên Việt", có biết bao nhiêu người cũng đã làm cho những người bạn nước ngoài thán phục khi nói về Việt Nam. Nhiều lắm những con người như thế. Tuổi đôi mươi không còn là quá trẻ !
Nếu chúng ta chịu nhìn ra thế giới, chúng ta sẽ thấy các bạn trẻ trên thế giới họ bắt đầu sống xa gia đình khi họ 18 tuổi. Cho dù gia đình họ giàu hay nghèo, nhưng phần lớn họ sẽ chuyển ra ở riêng. Họ có thể không học đại học mà đi làm kiếm tiền trang trải bản thân, hoặc theo học để từ đó Chính phủ hỗ trợ họ một phần chi phí. Nhưng dù giàu hay nghèo, dù có học cao hay không, họ cũng đã tự lo cho bản thân họ từ cái ngày mà họ còn là "teenage" (tuổi dưới 18). Họ trải qua nhiều kinh nghiệm và khi họ 21, họ phần lớn tự tin bước vào cuộc sống. Tôi không có ý khen ngợi hay so sánh với các bạn nước ngoài, nhưng... hãy thẳng thắn một lần, chúng ta không thể bằng họ sao?
Tuổi 21 của Văn Quyến, nhiều người nói rằng anh quá trẻ để tránh được các va vấp... Vậy xin hỏi, khi nào và ở tuổi nào thì anh ta mới là đủ chín chắn để bước vào đời, 25 hay 30? Thưa rằng, 21 là độ tuổi đã đủ trưởng thành, nhất là trong nghiệp cầu thủ, đặc biệt là bóng đá vì rằng cái nghiệp này có tuổi thọ ngắn lắm... Mấy ai chơi bóng đá đỉnh cao được quá cái tuổi tam thập đâu. Ngẫm lại, anh chàng Văn Quyến này cũng nổi tiếng từ cái thời U16 châu Á kia mà. Từ đó tới nay, anh ta công có mà tội cũng nhiều không kém, biết bao nhiêu va vấp, vậy mà anh ta đến năm nay rồi vẫn chưa tỉnh ngộ ra. Vậy xin hỏi những người vẫn lên tiếng nói điều tha thứ cho anh ta, mọi người định để anh ta sống trong những cái vỏ bọc che chắn của "người lớn" đến bao giờ?
16 tuổi, anh nổi tiếng. Khi đó tôi chỉ là một thằng nhóc mới bước vào đầu cấp 3, ghen tị với sự nổi tiếng và thành công của anh. Nhưng mà tôi không ghét. Ghen tị thôi chứ không ghen ghét. Lớn dần lên và đôi khi lại nghe thông tin về anh, có gì đâu, con người của công chúng mà. Tôi cũng chẳng ấn tượng nhiều lắm ngoài việc thấy anh nổi tiếng quá (cả ăn chơi lẫn thi đấu). Tôi nhớ những lần cái thủa mà nhà tôi kinh tế trông chờ đồng lương công chức của ba mẹ, không nghèo nhưng cũng không dư giả thoải mái, cứ mỗi lần tivi chiếu bóng đá trực tiếp có đội Việt Nam tham gia thi đấu, mẹ tôi lại làm cái gì đó rất ngon để chiêu đãi hai bố con mà bố hay gọi là "ăn cải thiện". Thêm được một cái chai Lavie to to đầy bia hơi mua ở đầu phố, vừa ăn uống vừa xem đá bóng, đầm ấm lắm. Bữa ăn như thế, không phải là ảnh hưởng đến chi tiêu hằng tháng, nhưng tôi biết mẹ tôi cũng đã suy nghĩ nhiều lắm mới quyết định làm. Vậy nghĩa là, bóng đá cũng đóng góp một phần vào cuộc sống của cả gia đình tôi.
Lại đọc báo, thấy sao nhiều cảnh đời éo le đến vậy. Những người không tên sống ngoài vỉa hè hay những người lao động cực khổ vất vả về đêm. Tất cả chỉ để kiếm miếng ăn qua ngày hay thêm chút bạc nhàu nát phòng lúc "trái gió trở trời". Có người mà một ngày đạp hàng chục cây số bán hủ tiếu dạo hay bánh bột dạo cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn bạc. Họ còn là những người đã quá quen với mùi rác hôi thối, ngày ngày vẫn lật tung cả cái ổ rác với biết bao thứ bệnh tật và dơ bẩn chỉ để kiếm chút tiền còm, hay những em bé ôm lấy cột điện đứng ngủ chờ mẹ bán xong gánh hàng rong lúc nửa đêm. Nhiều lắm những cảnh đời éo le...
Với mức lương hơn chục triệu một tháng chưa kể thưởng, với những hợp đồng quảng cáo đắt giá, các anh chàng cầu thủ kia có bao giờ nghĩ là những con người khốn khổ đó họ vui như thế nào khi Việt Nam có một trận chiến thắng? Hay các anh có biết, ba mẹ tôi vẫn dành dụm chút tiền hàng tháng để mỗi khi các anh đá lại có dịp quây quần cùng gia đình. Còn biết bao nhiêu người khác nữa... các anh có biết không? Vậy mà các anh nỡ đem bán cái niềm vui của biết bao nhiêu người để đổi lấy chút tiền tiêu xài. Vậy mà các anh lại sẵng giọng hỏi các chú các bác lãnh đạo chuyện tiền thưởng ngay khi giải vẫn còn đang diễn ra.
Giá mà các anh biết số tiền thưởng các anh có thể có (nếu vô địch) đã có thể giúp biết bao nhiêu người, bao nhiêu cảnh đời éo le. Giá mà các anh biết có biết bao nhiêu người thất vọng và cảm thấy bị xúc phạm khi đem lòng cổ vũ hết mình cho những kẻ vừa đá bóng vừa đóng kịch trên màn hình tivi kia. Giá mà các anh biết những du học sinh quanh năm chỉ biết đọc tin trên báo về quê nhà vui như thế nào khi các anh thắng, vui đến phát điên lên và kể lể với các bạn bè quốc tế khác chiến thắng ấy. Nhưng, họ đã... cảm thấy tủi nhục thế nào khi biết tin các anh bán cả danh dự quốc gia lấy tiền tiêu.
Những trò chơi ngông ở cái thành phố Vinh nhỏ bé ấy, người ta không nhắc các anh, không phạt các anh. Các anh lại cứ tưởng là mình quan trọng và không thể động tới được ư. Mọi người nói, anh có hoàn cảnh khó khăn. Vâng, nhưng khi nhìn vào cách anh đổi xe ga đời mới, chơi điện thoại di động hay cái cách mà anh chơi với các bạn gái... tôi lại chẳng nghĩ thế. Có thể, dấn thân vào thể thao, các anh thiếu đi tính giáo dục từ nhà trường, nhưng lẽ nào chút văn hóa thường ngày cũng không có, thể hiện ở cái cách anh mở loa điện thoại oang oang ngay giữa quán café, cái cách mấy anh gác chân lên bàn hỏi giọng khệnh khạng hỗn láo với các chú các bác chuyện tiền nong? Ngoan ngoãn lắm khi mà anh để mặc mẹ già như vậy, để đến nỗi vừa rồi có ông luật sư ở Hà Nội còn đề nghị giúp đỡ má anh chuyện đi lại và chỗ ăn chỗ ở ngoài Hà Nội khi má anh thăm nuôi anh. Bao nhiêu tiền anh đá bóng và quảng cáo đâu hết rồi vậy anh, văn hóa và đạo đức là như thế?
Các anh nổi tiếng quá rồi, người của công chúng rồi, lẽ ra càng phải biết giữ mình chứ, sao lại nhiễm cái tính thích thể hiện mình thế. Các anh nghĩ các anh đã là ai vậy. Ronaldo tỏa sáng ở World Cup tuổi 17, hay Messy của Barca? 21 không phải là cái tuổi quá trẻ. Các anh hoàn toàn tự nhận thức được việc mình làm... Xin đừng để cho các anh mãi mãi là con nít như vậy nữa.