Người gửi: Nhà giáo Trần Lê Văn
Tôi là giáo viên lâu năm chuyên về tiếng Anh cho thiếu nhi ở Quy Nhơn. Tôi có 5 vấn đề cần chia sẻ về việc dạy học tiếng Anh hiện nay tại các trường và các Trung tâm ngoại ngữ.
Vấn đề thứ nhất, thật quá tốn kém khi đưa giáo trình Let’s go vào giảng dạy đại trà thay cho Let’s learn tại các trường tiểu học. Trung bình khoảng 3 tháng, tôi dạy hết cuốn Let’s go 1A, sau đó học sinh phải mua Let’s go 1B, sau 3 tháng lại mua một cuốn gần 40,000... Nếu cả nước có 1 triệu học sinh tiểu học thì cứ sau 3 tháng, chúng ta phải bỏ ra gần 40 tỷ đồng để mua giáo trình Let’s go cho con em học. Thật là quá tốn kém.
Giáo viên không nghĩ rằng dạy tiếng Anh quan trọng nhất là phương pháp, sau đó mới đến giáo trình. Let’s go hay có hình ảnh nhưng có cần thiết không khi ta phải bỏ ra số tiền quá lớn? Trong khi tôi đang dạy Let’s learn rất thành công (học sinh học qua là có thể thuộc hết những gì đã học bằng phương pháp mới của tôi).
Cái sai của Let’s go 3 là dạy những từ không thực tế như: skateboard, sled, snowboard, ice skating... (ván trượt tuyết, giày trượt tuyết, xe trượt tuyết...) rất khó nhớ và để làm gì? Hãy lấy phương pháp làm cái quyết định, đừng lấy giáo trình làm cái quyết định. (Nếu giá mỗi quyển Let’s go khoảng 20.000 đồng thì có thể chấp nhận được).
Vấn đề thứ hai, phương pháp dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học dành cho các em lớp 3, 4, 5 hoàn toàn lạc hậu và cổ hủ. Bằng chứng là khi tôi kiểm tra 20 em lớp 4, 5, dù đã qua lớp 3 nhưng không em nào đọc lại được từ vựng lớp 3.
Vấn đề thứ ba, tôi kiểm tra sách vở của các em lớp 6, 7 học tiếng Anh của trường thì thấy, 20 năm trước tôi học sao, giờ các em vẫn học như vậy. Ví dụ, từ mới, ngữ pháp... học sinh ghi chép vào vở quá nhiều trong khi những cái đó giáo viên có thể soạn ra giáo trình, photo đóng thành tập (như tôi đã làm) và học sinh không cần phải viết, hãy dành thời gian cho các em đọc và giao tiếp thì sẽ hay hơn.
Vấn đề thứ tư, rất nhiều em đi học tiếng Anh nhưng khi tôi hỏi "Con đi học tiếng Anh là học cái gì?" thì không em nào trả lời được câu hỏi này (ngay cả nhiều gia sư cũng vậy).
Nói ra điều này vì tôi thấy nhiều giáo viên không biết định hướng cho các em, mà mấu chốt là do người dạy không nắm được các nền tảng căn bản trong tiếng Anh: phát âm chuẩn, từ vựng thuộc nhiều, nắm ngữ pháp căn bản và nghe nói nhiều. Từ đó, các em không có định hướng trong việc học tiếng Anh, mà giáo viên lại dạy không hiệu quả.
Vấn đề thứ năm, tôi ước gì mình là hiệu trưởng (hoặc ít nhất là cộng tác viên) của trường Lương Thế Vinh hay Lê Hồng Phong, Lý Thường Kiệt ở Quy Nhơn... Trong thời đại công nghệ ngày nay mà các em học tiếng Anh lại không có phòng Lab, không có hệ thống âm thanh, máy móc hoặc các phương tiện tối thiểu cho việc học ngoại ngữ... trong khi đó tôi có thể làm việc này với chi phí nhỏ nhất và tất cả các em có cơ hội học tiếng Anh với máy móc phương tiện nghe nhìn.
Thử tính: trường có 1.000 học sinh, mỗi em (phụ huynh) đóng 50.000 đồng được tổng cộng 50 triệu đồng. Trong đó, 25 triệu mua màn hình LCD, 15 triệu đồng mua laptop, 10 triệu đồng mua micro, âm li, băng đĩa và tủ lưu trữ. Còn phòng ốc, bàn ghế do trường đầu tư...
Việc phụ huynh đóng 50.000 là quá nhỏ nếu chúng ta dùng đúng mục đích cho việc học tập tiếng Anh của các em. Người học sẽ hài lòng và chấp nhận. Xin chia sẻ những tâm huyết của nhà giáo, rất mong được lắng nghe và đóng góp ý kiến.
Người gửi: Nguyễn Huy Hoàng,
Tôi rất hoan nghênh và cảm động khi đọc những dòng suy nghĩ tâm huyết của nhà giáo Trần Lê Văn. Là một phụ huynh có con đang theo học các bậc tiểu học và THCS, tôi cũng nhận thấy giáo trình và phương pháp dạy học không chỉ môn Tiếng Anh mà nhiều môn khác có rất nhiều vấn đề, không chỉ khó khăn đối với học sinh mà cũng là vấn đề trăn trở đối với nhiều giáo viên.
Đối với môn Tiếng Anh, những vấn đề mà thầy giáo nêu là rất chính xác. Nếu như không đi học thêm thì các con học ở trường về hầu không nghe nói và không viết bài được, mà căn bản của ngôn ngữ ứng dụng là phải nghe nói đọc viết tốt. Thử hỏi bài tiếng Anh chỉ kiểm tra đánh dấu xem cách phát âm của từ này từ kia có âm gì, hay đi vào các bài tập ngữ pháp không thôi thì có thể nghe hiểu và viết bài tiếng Anh được hay không? Các con đâu phải là các nhà nghiên cứu ngôn ngữ mà phải học ngữ pháp kỹ ; và khó như thế? Tiếng Việt các con cũng không nắm được ngữ pháp kỹ đến thế đâu. Và như thế để rèn luyện kỹ năng nghe, nói đọc, viết các phụ huynh phải cho con đi học thêm và sự tốn kém lại tiếp tục nhân lên, không những về tiền bạc mà cả công sức và thời gian.
Đối với một số môn khác như lịch sử chẳng hạn thì lại quá vụn vặt với nhiều số liệu như trận đánh này bao nhiêu quân địch bị tiêu diệt, thu bao nhiêu súng... nhưng vấn đề quan trọng là các con phải hiểu nguyên nhân chủ quan, khách quan và ý nghĩa của nó đối với từng mốc lịch sử hào hùng của đất nước thì không nêu được. Hoặc ở môn Sinh vật, phần kiến thức SGK cung cấp rất ít ỏi, chủ yếu nêu câu hỏi và hiện tượng và có sách bài tập yêu cầu học sinh phải giải thích; tôi không hiểu cứ phải soạn trước bài Sinh vật như vậy thì ở lớp các cô giảng gì mà học sinh thì quá tải bài vì môn nào cũng bắt soạn bài (Lịch sử, địa lý, sinh vật, soạn văn, giáo dục công dân). Tôi cảm thấy bộ SGK trước cải cách mà chúng tôi được học hay hơn bây giờ rất nhiều. Chúng tôi được cung cấp các kiến thức cơ bản cần thiết và giáo viên cho nâng cao bằng cách 1 năm có thể cho chúng tôi tự tìm hiểu, sưu tầm và viết về một đề tài nào đó liên quan đến chưng trình học (VD: học giải phẫu sinh lý người có thể làm tiểu luận về quá trình phát triển của loài người...). Như vậy, học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, không bị quá tải, biết cách tự nghiên cứu, hiểu sâu, có sự sáng tạo, thấy vui và say mê trong học tập.
Nói chung chương trình giáo dục của chúng ta còn rất nhiều vấn đề cần có sự thay đổi để đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng và kiến thức của con người cho sự phát triển của đất nước, nhưng vẫn giữ được bản sắc riêng và văn hoá đạo đức truyền thống của dân tộc. Tiến trình đó rất cần sự tham gia tích cực của những nhà giáo có tâm huyết như nhà giáo Trần Lê Văn.
Người gửi: Nguyễn Minh Lan,
Tôi thấy Nhà giáo Trần Lê Văn nói rất đúng việc học tiếng Anh không chỉ là ghi chép nhiều mới tốt, mà quan trọng là các em học sinh phải được nghe, nói, đọc nhiều trên lớp hay chính là phải có phương pháp đặc thù riêng như Nhà giáo Văn đã nói. Điều quan trọng nhất để học được tiếng Anh tốt thì phải có phòng Lab. Nếu như các thầy cô giáo dạy tiếng Anh đều có những suy nghĩ như Nhà giáo Văn thì tôi tin rằng học sinh Việt Nam sẽ có một vốn tiếng Anh rất vững chắc.