10 ngày sau tai nạn tàu hỏa tại xã Tiên Tân (Duy Tiên, Hà Nam), lái tàu Trương Xuân Thức đang bắt đầu hồi phục. Vợ ông, bà Lê Thị Kim Thoa cho biết, cách đây mấy hôm, anh em và các cháu vào thăm ông Thức không nhận ra, không nhớ nổi tên, nhưng giờ thì ông đã đã nói chuyện và chịu ăn cơm.
Ông cho biết, vết thương ở mắt cá và gót chân đang dần khỏi, vết khoét ở đùi đã đầy. Tuy nhiên ngực vẫn còn đau khi cử động mạnh. Cánh tay trái, nơi bị cắt, vẫn chảy nước vàng và nhói lên như có hàng nghìn con kiến đốt.
*Clip khắc phục sự cố lật tàu sáng 6/8 |
Giọng nghẹn ngào, nước mắt như chực trào ra, ông Thức khó nhọc kể lại vụ tai nạn. Khi tàu đang qua xã Tiên Tân, bỗng phát hiện phía trước có chiếc xe ben đang tiến lại gần đường ray, ngay lập tức ông kéo còi inh ỏi và khóa máy để tàu dừng lại từ từ. Thấy chiếc xe ben lùi dần về phía xa đường ray, ông tưởng lái xe đã nghe thấy còi tàu.
“Khi chỉ còn vài chục mét, chiếc xe đột nhiên rồ ga rồi lao qua đường sắt. Tôi lập tức kéo cần hãm phanh thần tốc bên trái, đẩy hết cỡ và giữ chặt để các quạt đồng loạt xả gió, giảm tốc độ đoàn tàu. Sau đó thì mắt tôi tối sầm và không biết gì nữa”, ông Thức kể lại.
Ông Thức cho biết, nhớ đến vụ tai nạn, ông vẫn thấy bồn chồn, giấc ngủ không trọn vẹn. Đôi lúc trong mơ ông vẫn còn hoảng hốt. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Khi tỉnh lại, ông Thức thấy toàn thân đau nhói, tay bị kẹt và không thể nào nhúc nhích. Đầu tàu bẹp dúm và ép chặt vào người ông. Ngay bên cạnh, anh phụ lái cũng bị va chạm, gương mặt thất thần. “Một lúc sau có người đập cửa kính gọi nhưng phụ lái vẫn còn hoảng sợ không dám ra. Còn tôi thì chỉ biết kêu cứu”, ông Thức nhớ lại.
Suốt quá trình được giải cứu, ông Thức vẫn tỉnh táo để theo dõi. Khi người ta định cưa chân để cứu người, ông còn van xin: “Đừng cưa chân tôi, nó chỉ bị đau chứ không hỏng đâu. Xin hãy giữ lại chân cho tôi”.
Ông tâm sự, trong hơn 20 năm lái tàu, ông đã nhiều lần phải dùng phanh hãm phi thường. Có xe còn lao qua trước đầu máy tàu hỏa khiến ông không kịp phản ứng, thế nhưng chưa có vụ tai nạn nào xảy ra. Đây là vụ tai nạn đầu tiên và cũng là cuối cùng trong đời cầm lái của ông.
Theo ông Thức, nấc hãm độc và nấc ngừng xả gió ở rất gần nhau, ông phải đẩy thật mạnh để quạt đồng loạt xả gió làm giảm tốc độ đoàn tàu. Cần gạt lại có lò xo, nếu đẩy về cuối mà không giữ thì nó có thể bật lại và đóng các quạt xả gió. Khi ấy tốc độ sẽ giảm chậm và tai nạn sẽ thảm khốc hơn.
Ông Thức tâm sự: "Lúc xử lý tình huống như vậy, tôi không nghĩ to tát rằng cứu 300 hành khách ở phía sau, chỉ nghĩ phải hãm tốc độ đoàn tàu nhanh nhất. Đó là trách nhiệm, là nghĩa vụ của mình".
Sau khi đọc bài về người lái tàu xả thân cứu đoàn tàu Thống Nhất trên VnExpress, bà Trần Hồng Dung ở Trần Phú, Hà Nội đã đến tận bệnh viện thăm, tặng quà ông Thức. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Tự nhận là rất thương người và sợ tai nạn nên ban ngày chạy tàu ông Thức vẫn bật cả đèn pha và cốt, kết hợp với kéo còi. "Còi ôtô ngang với còi tàu nên đôi lúc họ không nghe, tôi đành vận dụng tất cả những gì có thể để báo động cho tài xế cũng như người sắp vượt qua đường tàu. Lúc không nghe thì họ có thể nhìn thấy ánh sáng mà tránh đường", ông nói.
Với cánh tay bị mất, không thể trở lại buồng lái, giờ đây ông Thức chỉ mong cơ quan tạo điều kiện sắp xếp một công việc phù hợp để có thu nhập nuôi con gái. "Nếu cơ quan không sắp xếp được thì tôi cũng không oán trách, rồi cũng phải “bới đất tìm giun” mà sống chứ biết làm sao", ông nói, giọng trầm buồn.
Bà Thoa vợ ông cho biết, đã có rất nhiều độc giả đến tận bệnh viện hỏi thăm và tặng quà gia đình. Đặc biệt, sau khi VnExpress.net đăng số điện thoại và số tài khoản của bà trên báo, bà cũng đã nhận được những lời động viên và giúp đỡ vật chất. Nhiều độc giả đã trực tiếp đến bệnh viện Việt Đức để thăm người lái tàu.
“Tôi cảm ơn báo điện tử VnExpress, cảm ơn cơ quan đồng nghiệp, cảm ơn độc giả đã đến thăm và giúp đỡ gia đình. Đó chính là động lực để tôi tiếp tục sống có ích”, ông Thức nói, đôi mắt mọng đỏ.
Hoàng Thùy