Người gửi: Phạm Trung Kiên
Ở đây, tôi chỉ muốn phân tích một số vấn đề của người làm dự báo nói chung và dự báo khí tượng thủy văn nói riêng.
Để dự báo được tương lai thì người làm dự báo cần phải có các sản phẩm của quá khứ và hiện tại, dựa trên các cơ sở khoa học và bằng cả những kinh nghiệm của người làm dự báo mới có thể đưa ra được các sản phẩm dự báo. Để có được một bản tin dự báo thì có cả một guồng máy đang ngày đêm hoạt động trên mọi miền của tổ quốc.
Lại nói thêm có khi chỗ này có mưa, chỗ kia không mưa nên mới sinh ra thuật ngữ "có mưa vài nơi", hay bây giờ cứ thấy đài báo có mưa to là bảo vợ con mua nhiều mỳ tôm... nhưng đến khi không thấy bị ngập như biển nước thì lại khổ mấy ông dự báo.
Hơn 20 năm nay đều có mưa to, nhưng để ngập được thì nó lại là "lịch sử". Công tác đến gần 20 năm nay trong ngành khí tượng thủy văn, mỗi khi có dịp gặp nhau tay bắt mặt mừng hỏi thăm nhau đều không thiếu câu "Dạo này có làm ăn được gì thêm không?" hay câu "Thằng ấy nó ra khỏi ngành rồi bây giờ khá lắm" hoặc là "Bên chỗ thằng A, con B làm thêm tốt lắm, mỗi tháng cũng thêm được 100.000 - 200.000 đồng".
Đơn cử, như người công tác trong ngành với số năm như tôi thì được hưởng số lương khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài việc tâm huyết với ngành ra tôi cũng phải dành chút thời gian kiếm thêm chút đỉnh cho 2 đứa con đang tuổi ăn học.
Vào ngành cũng có những người giỏi có trình độ, nhưng cống hiến được vài năm thì lại có đơn xin thôi việc hoặc là xin chuyển công tác. Nguồn nhân lực còn lại là những người như tôi, không làm gì được ngoài dự báo thời tiết.
Công nghệ mới đem vào muốn đi học thêm, lãnh đạo bảo kinh phí có hạn phải tự thu xếp. Họp hành cuối năm, báo cáo của lãnh đạo toàn thấy số tiền xây dựng cơ bản và mua thiết bị hàng chục tỷ đồng. Báo cáo hoàn thành công tác thu chi cuối năm, liên hoan Tết chia nhau mỗi người 100.000 đồng về tha hồ mua sắm...