Năm ngoái, khi cuộc chiến Iraq sắp xảy ra, tôi đến Cairo, nơi tôi mong ước sẽ được đến để học tập kể từ khi theo đạo Hồi cách đây một thập kỷ, lúc mới 21 tuổi.
Một ngày tháng 3, tôi bước ra ban công và thấy hàng nghìn người Ai Cập tuần hành và hô khẩu hiệu chống Mỹ. Người phụ nữ đeo mạng ở ngôi nhà đối diện nắm chặt tay đứa con gái. Cô bé cũng đang mang mạng che.
Kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, tôi gần như bị giam chặt trong nhà. Là một công dân Mỹ, thái độ của những người biểu tình khiến tôi kinh hãi. Tôi tưởng tượng khi những người biểu tình dưới đường kia biết rằng một người Mỹ đang theo dõi họ, những con người đang tức giận đó sẽ lao lên cầu thang và treo tôi lên ban công.
Đứng ở góc này, tôi chỉ có thể nhìn thấy một phần đoàn biểu tình. Và trong một giây xuẩn ngốc, tôi quyết định lấy camera và lao xuống cầu thang, qua đám gia súc, mèo hoang để nhìn được rõ hơn. Tôi đã sống ở phố này được 6 tháng. Mỗi ngày tôi mua vài tờ báo tiếng Ảrập tại một sạp báo gần đó và ăn tại nhà hàng trong toà nhà. Giống những người hàng xóm, tôi muốn biết những gì đang diễn ra tại phố tôi.
Chủ một cửa hàng giày gần đó nhận ra tôi và nhìn thấy chiếc camera. Bằng tiếng Ảrập, ông bảo tôi rằng những người biểu tình sẽ phát điên nếu nhìn thấy tôi quay hình họ. Nhét chiếc camera vào túi, tôi đứng bên cạnh ông và nhìn dòng người dường như dài vô tận vừa đi vừa hét. Bỗng nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng còi hụ ở đầu phố và mọi người bắt đầu chạy toán loạn. Tôi phóng về nhà và chạy ra ban công để nhìn những vòi nước đuổi theo những người biểu tình. Tiếng những mảnh kính vỡ. Tiếng hét. Các cậu bé ném đá vào đám cảnh sát. Tiếng còi báo động rú vang.
10 ngày sau tôi quyết định rời Cairo trước thời hạn, không phải vì sợ bạo loạn mà vì đây không còn là thành phố Cairo tôi từng sinh sống. Có làn da hơi đen, tôi trông hoàn toàn giống người Ai Cập, giống đến mức tôi không gặp phiền toái gì ở đây suốt 6 tháng.
Khi bước trên những đường phố đông đúc của Cairo lần đầu tiên, những người đeo bám khách du lịch đã không nhận ra tôi. Họ theo những người Italy và Thụy Điển. Ban đầu tôi tưởng rằng họ cho tôi là khách du lịch da đen và có ít tiền. Nhưng hai lần trong tuần đầu tiên đó, nhiều người Ai Cập hỏi tôi đường.
Trong mấy tháng liền, tôi được hưởng lợi vì có ngoại hình tương đồng với mọi người ở đây. Một gia đình Hồi giáo bán hàng lưu niệm cho khách du lịch đã nhận tôi làm coi nuôi và muốn che chở cho một tín đồ Hồi giáo. Trong tháng Ramadan, tôi cùng họ ăn sáng hàng ngày. Chúng tôi nói về cuộc chiến sắp tới, về đạo Hồi, về nước Mỹ. Nhưng chúng tôi không bao giờ đề cập vấn đề chủng tộc. Tôi thường phân vân liệu họ có biết tôi là người da đen hay không. Họ đã sắp xếp để tôi được nghe những buổi thuyết giáo của giáo chủ trong làng. Tôi tự nhủ họ thân thiết với tôi chỉ vì tôi là người Hồi giáo chứ không phải vì trông giống người Ai Cập.
Một đêm trong tháng Ramadan, một người đàn ông gầy giơ xương mặc quần áo Mỹ gõ cửa nhà tôi xin bữa tối. Đó là một trong số khoảng 20 người thường xuất hiện tại khu buôn bán ở Cairo để lừa khách du lịch. Sau bữa tối, chúng tôi ngồi trước cửa hàng.
“Cậu có biết câu chuyện của Tupac Shakur không?”, anh ta hỏi. Tôi gật đầu và cười. Tôi lấy làm ngạc nhiên rằng anh ấy biết mọi thứ về nhạc rap và có vẻ như anh rất tự hào về điều đó. “Họ giết anh ấy ở khu người da đen”, anh ta nói tiếp. “Tôi yêu nhạc rap và yêu nigger" (từ để chỉ những người da đen).
Mặt tôi nóng bừng. Tôi bảo anh ấy đừng dùng từ đó. “Tại sao không? Tất cả những người da đen đều dùng từ đó. Họ bán ma tuý như Tupac và Jay-Z”. Chưa bao giờ một cuộc đối thoại làm tôi buồn đến thế. Tôi hét lên: “Nhìn tôi đây. Tôi không phải da đen. Tôi không bán ma tuý”.
“Đừng cáu”, người đàn ông nói và đưa tay bắt tay tôi. “Tôi là người da đen. Tôi cũng giống như Tupac”.
Tôi đã không kể với bố mẹ nuôi tôi sự kiện đó. Tiếng Anh của họ cũng chỉ bập bõm như vốn tiếng Ảrập của tôi. Làm sao tôi có thể giải thích cho họ hiểu? Và tôi bắt đầu lo sợ rằng thái độ của người đàn ông kia đại diện cho tư tưởng của người Hồi giáo, những người bị những bộ phim Mỹ nhồi nhét tư tưởng định kiến với người da đen. Bố mẹ nuôi tôi cũng xem những bộ phim như thế nhưng tại sao họ lại cảm nhận khác. Bởi vì họ cầu nguyện 5 lần một ngày hay vì họ không uống rượu?
Tôi không muốn thừa nhận rằng họ có lẽ đã đối xử với tôi khác nếu da của tôi sẫm hơn. Có lẽ tôi đã biết sự thật nếu tôi trông không giống người Ai Cập. Tôi hiểu tại sao tôi lại sợ hãi khi nhìn thấy những người tuần hành. Ngay lúc đó tôi biết rằng mình phải trở về nhà. Tôi không thể đợi để được trở lại chính con người thật của mình.
Ngọc Sơn (theo NYT)