Nhiều ngày đã trôi qua nhưng việc anh Nguyễn Tăng Tiên bị nhóm giang hồ Vũ Đức Tuấn (tức Tuấn “Chó”) chém trọng thương để trả thù vì bị ngăn cản hành vi trái pháp luật, vẫn còn rất "nóng". Trong khi các cơ quan chức năng đang tìm hướng hỗ trợ cho các "hiệp sĩ đường phố" thì họ vẫn không hề nao núng trước hiểm nguy từ công việc "vác tù và hàng tổng".
Ngày 2/7, các hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, Trần Hoàng Anh, Nguyễn Thanh Hiếu thuộc CLB Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa, thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) vẫn tổ chức tuần tra đêm, truy tìm kẻ cắt trộm dây điện. Đánh giá đây là hành vi xâm phạm đến an ninh quốc gia, các hiệp sĩ quyết tâm bắt bằng được kẻ phạm tội.
Anh Nguyễn Thanh Hải cùng đồng đội đến thăm hỏi động viên anh Tiên trong bệnh viện. Ảnh: N.T |
Nhóm đã phát hiện Thạch Thế Anh Tuấn (28 tuổi, ngụ quận 9, TP HCM) chở một bao tải cồng kềnh. Các anh phóng theo thì hắn nhấn ga bỏ chạy. Truy đuổi khoảng 2 cây số, anh Hải ép ngã Tuấn và cùng đồng đội bắt giữ rồi bàn giao cùng tang vật cho Công an thị trấn Tân Phước Khánh, huyện Tân Uyên.
Trên đường về trụ sở, Tuấn đã năn nỉ đòi “lót tay” 15 triệu đồng để các hiệp sĩ bỏ qua. Tuy nhiên tình tiết này sau đó đã bị ghi vào biên bản khi bàn giao.
Trao đổi với VnExpress.net, anh Nguyễn Thanh Hải (đội trưởng CLB trên) cho biết, dù đồng đội của mình vừa bị trả thù vì công việc tương tự nhưng anh em trong đội vẫn không hề nao núng. Tuy nhiên, người đội trưởng này cũng không giấu được sự chạnh lòng trước thực tế họ phải đương đầu.
Anh Hải cho biết, trong quá trình theo dõi, bắt tội phạm, những rủi ro về tai nạn hay bị kẻ phạm tội dùng hung khí tấn công xảy ra thường xuyên. Bản thân anh cũng nhiều lần bị kẻ cướp tấn công, ép xe ngã bị thương. Khi đó các anh nhận được sự quan tâm thăm hỏi, động viên và hỗ trợ của cơ quan công an và các đoàn thể. Nhưng chính sách cụ thể dành cho các thành viên đến nay vẫn chưa có khiến đôi khi họ cũng cảm thấy "tủi thân".
Nhắc lại nỗi đau vào ngày 31/8/2010 CLB có sự mất mát lớn khi đồng đội Nguyễn Xuân Chinh tử nạn trên đường truy bắt tội phạm, anh Hải cho hay, sau sự việc một đơn vị đã mua tặng bảo hiểm tai nạn cho anh em trong đội. Đó là nguồn động viên rất lớn cho họ khi được xã hội quan tâm, ủng hộ. "Giá mà Nguyễn Tăng Tiên và tất cả các anh cũng được mua bảo hiểm thì chúng tôi sẽ an tâm hơn khi tham gia truy bắt tội phạm", anh Hải tư lự.
Thượng tá Nguyễn Quốc Tuấn, Phó trưởng Công an thị xã Thủ Dầu Một cho biết, dự định đưa các thành viên này với tư cách ban bảo vệ khu phố để được hưởng các chính sách theo quy định. Tuy nhiên khi nghiên cứu kỹ thì thấy không phù hợp với đặc thù của lực lượng này. Do vậy cho đến nay, các thành viên CLB phòng chống tội phạm phường Phú Hòa vẫn chưa được hưởng bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác khiến các thành viên của Đội phòng chống tội không khỏi bức xúc là việc bị chính những cơ quan bảo vệ pháp luật "làm khó" khi giao nộp tội phạm, hay "phóng thích" nghi can ngay sau khi tiếp nhận trong khi các anh phải bỏ công sức, tâm trí mới "tóm" được chúng.
Một hiệp sĩ kể, có lần, anh em theo dõi bắt một nghi can trộm xe đạp điện. Nhưng khi bàn giao cho công an phường thì bị từ chối tiếp nhận do không có người bị hại nên các anh phải áp giải người này về giao công an thị xã thì vừa lúc người bị hại đến trình báo. "Suýt tí nữa thì đi toi công sức của anh em", anh này nói.
“Chúng tôi rất đồng cảm với việc anh Tiên nêu bức xúc vì nhóm người của Tuấn Chó đã được thả ngay sau khi bị các anh bắt giữ giao công an. Công sức bỏ ra truy bắt tội phạm mà không được cơ quan chức năng tiếp nhận thì dễ làm cho anh em hụt hẫng. Có vụ chúng tôi phải bỏ công sức theo dõi ròng rã nhiều ngày mới bắt được nghi phạm chứ không phải dễ dàng”, đội phó Trần Hoàng Anh bày tỏ.
“Hiệp sĩ đường phố Sài Gòn” Nguyễn Văn Minh Tiến - người từng bắt hàng trăm tên cướp cũng chia sẻ, việc anh Tiên bị tội phạm chém trả thù là một cú sốc, gây chấn động tinh thần của những hiệp sĩ trong đó có anh. Tuy nhiên, anh cũng quan niệm, việc bị những tên tội phạm căm ghét, hăm dọa trả thù là một điều hết sức bình thường đối với một hiệp sĩ.
Hiệp sĩ Minh Tiến bị thương sau một lần bắt cướp. Ảnh: A.N |
"Sự trả thù này có thể làm nhiều người đã, đang và muốn trấn áp tội phạm lo lắng. Bản thân tôi đã bắt hơn 300 tên tội phạm nên cũng có rất nhiều kẻ thù. Nhưng tôi không sợ hãi mà càng rút ra cho mình nhiều bài học", anh Tiến nói.
Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận bản thân phải rất đề phòng những trường hợp rủi ro. Để tránh bị trả thù, anh Tiến vẫn tích cực tập luyện, trau dồi kỹ năng, học hỏi nghiệp vụ và luôn cảnh giác trong mọi hoàn cảnh. Trước là tự bảo vệ mình và gia đình, tiếp đến là tiếp tục truy bắt tội phạm để góp một phần công sức cho xã hội.
"Một hiệp sĩ bảo vệ nhân dân, che chắn cho người yếu chống lại kẻ xấu nên tôi chấp nhận rủi ro. Bản thân tôi không cần đến sự bảo vệ nhưng rất cần sự quan tâm, phối hợp trong việc phòng chống tội phạm. Nếu mỗi lần bị hăm dọa lại nhờ công an bảo vệ thì phải chăng đừng đi bắt cướp nữa", anh Tiến lập luận.
Theo thẩm phán tòa án TP HCM Vương Văn Nghĩa, ông từng ngồi xử băng cướp Đạt "Trắng" quay lại truy sát người dân sau khi bị họ truy đuổi. Hành động trượng nghĩa của các "hiệp sĩ đường phố" rất đáng hoan nghênh và cần nhân rộng trong xã hội. Vai trò của quần chúng rất quan trọng trong công tác bảo vệ giữ gìn an ninh tổ quốc. Tuy nhiên, việc thành lập những Câu lạc bộ phòng chống tội phạm đều phải được dựa trên cơ sở pháp luật, hay những hành động "săn bắt cướp" của người dân cũng nhất thiết phải tuân thủ theo pháp luật.
"Khi chính quyền đã cho phép thành lập Câu lạc bộ phòng chống tội phạm thì nhất thiết phải có những cơ chế bảo vệ cho họ", thẩm phán Nghĩa nhấn mạnh.
Quốc Thắng - Nguyệt Triều