![]() |
Đoàn Nguyên Đức - Giám đốc Công ty Hoàng Anh Pleiku. |
- Vì sao ông chọn bóng đá để đầu tư?
Ông Nguyễn Đức Kiên (Ngân hàng Á Châu - ACB): Vì đây là môn thể thao vua. Nhưng quan trọng hơn cả là từ năm 1995 đến nay, bóng đá Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng và xuất hiện một số điều kiện ban đầu để có thể nghĩ đến việc đầu tư vào bóng đá một cách nghiêm túc.
Ông Trần Phương Bình (Ngân hàng Đông Á, đơn vị vừa tiếp quản đội bóng đá CATPHCM): Nếu doanh nghiệp quyết định đầu tư vào thể thao để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh sau này thì không gì bằng đầu tư vào bóng đá. Tôi cho rằng khi đội bóng thắng (thậm chí thua) trong một trận đấu hay, được nhiều người bàn tán thì trong tiềm thức người dân chắc chắn sẽ có tên Ngân hàng Đông Á. Uy tín thương hiệu sẽ tăng lên rõ rệt.
Ông Võ Quốc Thắng (Công ty Gạch Đồng Tâm): Những năm 1998-1999, việc đội tuyển U21 Gạch Đồng Tâm tham gia giải U21 báo Thanh Niên đã trở thành một "hiện tượng", tạo tiếng vang lớn cho thương hiệu của chúng tôi. Từ đó, chúng tôi bắt đầu nghĩ đến việc thành lập mô hình Câu lạc bộ Bóng đá.
Ông Đoàn Nguyên Đức (Công ty gỗ Hoàng Anh Pleiku): Lòng đam mê bóng đá là lý do đầu tiên, nhưng ở khía cạnh kinh doanh, tôi thấy đây là môn thể thao có lượng người hâm mộ theo dõi nhiều nhất và đã trở thành một hiện tượng xã hội. Do đó, bóng đá là một trong những con đường ngắn nhất và hiệu quả nhất để quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, còn một lý do hoàn toàn mang tính "cục bộ địa phương": Cả cuộc đời tôi từ khi sinh ra đến lúc tạo dựng được sự nghiệp đều gắn bó sâu nặng với vùng đất này và tôi quyết định đáp lại phần nào ơn nghĩa sâu nặng mà vùng đất này đã dành cho tôi bằng bóng đá.
- Ông nghĩ bao lâu nữa bóng đá mới trở thành một lĩnh vực kinh doanh có lãi?
Nguyễn Đức Kiên: Chúng tôi vạch ra lộ trình để sinh lãi của Công ty Thể thao ACB là khoảng 5 năm, và dù mới được thành lập 1 năm, mọi công việc đang tiến triển một cách suôn sẻ, dù chỉ mới ở mức xuất phát. Kinh doanh bóng đá không thể đơn thuần dựa trên tiền bán vé, dù đây là một nguồn thu quan trọng. Công ty Thể thao ACB kinh doanh thể thao ở một quy mô tổng hợp chứ không chỉ hoạt động xoay quanh một đội bóng. Chúng tôi đã liên hệ với một số địa phương để xây dựng cụm sân bãi dành cho tập luyện, thi đấu bóng đá. Kế đó là nguồn thu từ việc kinh doanh các mặt hàng thể thao (quần áo, dụng cụ thể thao...). Nhưng lãi lớn nhất sẽ là lợi nhuận có được từ quảng cáo cho các sản phẩm của mình.
Trần Phương Bình: Hiện nay, chưa có CLB nào dám khẳng định sẽ sớm có lãi. Vì nền bóng đá của chúng ta phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (trọng tài, sân bãi...), nên chúng tôi chưa dám hy vọng thu lãi trong vài năm tới. Việc đầu tiên là đội bóng phải có sân riêng đủ tiêu chuẩn để hy vọng hòa vốn sau 3 năm và phát triển hơn nữa. Tuy hiệu quả thu được qua quảng cáo còn hạn chế, nhưng đầu tư vào bóng đá không phải là quá mạo hiểm. Số tiền 3-3,5 tỷ chúng tôi bỏ ra nằm trong phí quảng cáo của ngân hàng. Và hiệu quả từ quảng cáo phải có thời gian chứ không thể chỉ trong vài ngày.
Võ Quốc Thắng: Chưa thể nghĩ ngay đến việc có lãi, nhưng bóng đá có sức hút mạnh mẽ nên nếu đội bóng thi đấu thành công, sẽ góp phần nâng cao thương hiệu cho công ty, bên cạnh chất lượng đã được người tiêu dùng tin tưởng của sản phẩm gạch Đồng Tâm. Vào lúc này, chúng tôi tạm hài lòng với "khoản lãi" ấy.
Đoàn Nguyên Đức: Trong kinh doanh, có lợi nhuận vô hình và hữu hình. Đối với chúng tôi, lợi nhuận vô hình từ khi đầu tư vào bóng đá là điều có thể "sờ thấy" được, đó là hiệu quả quảng cáo. Còn đối với đội bóng, lợi nhuận hữu hình cũng đã được cải thiện rất rõ so với mùa trước nếu tính đến khoản tiền bán vé. Càng lúc càng có nhiều doanh nghiệp lớn chịu bỏ tiền đầu tư vào bóng đá cho thấy đây sẽ là lĩnh vực "làm ăn được". Vấn đề chỉ là thời gian và cách làm của từng doanh nghiệp. Khi những "bóng ma" ám ảnh bóng đá Việt Nam nhiều năm qua bị xóa tan, khán giả sẽ lại đến đầy các sân vận động. Bóng đá sẽ tự thân sinh lãi từ thời điểm ấy.
- Theo ông, những điều kiện quảng bá thương hiệu như hiện nay có quá hạn chế, khiến doanh nghiệp còn e ngại trong việc đầu tư vào các đội bóng?
Nguyễn Đức Kiên: ACB còn ở hạng Nhất nên chưa bị hạn chế trong việc quảng cáo thương hiệu. Tuy nhiên, nếu lên chơi ở hạng chuyên nghiệp thì có lẽ cũng phải suy nghĩ và bàn bạc với Liên đoàn bóng đá Việt Nam, sao cho hài hòa giữa quảng cáo của đơn vị và yêu cầu của Liên đoàn.
Trần Phương Bình: Theo tôi, ràng buộc về quảng cáo như hiện nay không phải là yếu tố lớn nhất ảnh hưởng đến việc các doanh nghiệp đầu tư vào bóng đá. Các doanh nghiệp chưa cảm thấy ham thích với bóng đá Việt Nam chủ yếu vì mỗi lượt trận đều có "vấn đề".
Võ Quốc Thắng: Tôi xác định bóng đá cũng là một ngành kinh doanh nên đầu tư tài chính, chất xám và tâm huyết của mình vào đó chứ không chỉ tham gia tài trợ quảng cáo hời hợt. Là một doanh nghiệp, khi bỏ ra một đồng vốn, tôi luôn muốn nó sinh lời. Vì vậy, tôi xây dựng mô hình quản lý đội bóng như một đơn vị kinh tế và mỗi thành viên có thu nhập xứng đáng với năng lực và sự đóng góp của mình.
Đoàn Nguyên Đức: Những điều kiện quảng bá hạn chế như hiện nay quả đã "cột" doanh nghiệp lại khi họ có ý muốn đầu tư. Có lần nói chuyện vui với một quan chức Liên đoàn bóng đá Việt Nam trước đây, tôi có đặt vấn đề: Khi một doanh nghiệp không muốn nhận 1,4 tỷ từ Liên đoàn để tự quảng cáo cho thương hiệu của mình thì sẽ giải quyết như thế nào? Câu trả lời của quan chức ấy, theo tôi, là không thỏa đáng. Dù thông cảm rằng những khó khăn hiện nay là do "lịch sử để lại", nhưng cần nhanh chóng có những biện pháp khắc phục để giúp các doanh nghiệp nâng cao nữa hiệu quả quảng cáo để thu hút thêm sự đầu tư của thành phần này vào hoạt động bóng đá.
(Theo Thể Thao TP HCM)