Gia đình tôi có bốn chị em, tôi là con cả, đã đi làm, ba người em vẫn đi học. Bố tôi là con trai trưởng trong nhà, trên có hai chị gái, dưới có một người em trai. Gần đây, bác cả, tức chị gái lớn của bố, là người đưa ra ý tưởng xây lại căn nhà của ông nội vì nhà đã quá cũ. Lúc nghe bác nói, tôi cứ nghĩ mọi người sẽ cùng nhau góp sức, ai cũng có trách nhiệm với việc chung. Tuyệt nhiên, bác tôi không hề nói gì đến việc bản thân sẽ đóng góp bao nhiêu.
Mọi lời bác nói chỉ xoay quanh việc phải làm, phải sửa, như thể phần còn lại bao gồm cả tiền bạc là chuyện của người khác. Bố tôi khi ấy đã nói rõ nếu làm thì các anh chị em nên cùng nhau đóng góp, ông không đủ khả năng gánh vác hết. Gia đình tôi đang trả nợ từ lần sửa nhà năm 2019, trong khi ba em tôi ở tuổi ăn học, thu nhập của bố mẹ không dư giả gì.
Bố tôi gợi ý mỗi nhà góp 100 triệu đồng, riêng nhà tôi sẽ cố gắng 200 triệu đồng vì là con trai trưởng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là đề xuất của bố, chưa hề có sự thống nhất rõ ràng. Đến giờ, ngoài những lời thúc giục bố phải "làm ngay đi", tuyệt nhiên không ai chủ động đứng ra hỗ trợ hay đề nghị chia sẻ gánh nặng tài chính. Điều khiến tôi đau lòng nhất là chú em trai của bố, từ lâu đã không còn là người gia đình có thể dựa vào. Trước đây, bố nhiều lần đứng ra trả nợ cho chú vì ham mê cờ bạc.
Bảy năm trước, khi bà nội mất, tiền phúng viếng được khoảng 80 triệu đồng, vậy mà chú cũng tìm cách vay bằng được rồi mất tăm, đến giờ chưa một lời trả lại. Bố luôn nhịn, im lặng cho qua bởi tình thân và sợ mất hòa khí. Lần này, dù nhà tôi không có nổi 100 triệu đồng trong tay, bác vẫn thúc ép bố phải làm nhà, viện đủ lý lẽ, thậm chí nói: "Người ngoài nhìn vào, con cái ai cũng nhà cao cửa rộng mà để bố sống trong cái nhà cũ nát như vậy còn mặt mũi nào". Những lời nói ấy có lẽ đã chạm vào lòng tự trọng của người làm con, làm anh trong một gia đình.
Điều làm tôi bức xúc hơn cả là bác không hề có một động thái hỗ trợ tài chính nào, cũng không đứng ra bảo lãnh hay vay hộ bố, dù biết rõ hoàn cảnh nhà tôi khó khăn thế nào. Không biết bác đã nói thêm gì với bố mà ông thay đổi quyết định, quyết tâm làm nhà dù chưa đủ tiền. Con gái của bác hai, cháu gọi bố tôi bằng cậu, đã cho 100 triệu đồng và cho vay thêm 50 triệu đồng. Bố tôi vay thêm ngoài, quyết "gồng gánh tất cả" chỉ vì nghĩ "bây giờ không làm thì không biết bao giờ mới làm được nữa".
Tôi và mẹ đã khuyên can hết lời. Tôi nói với bố: "Bố hãy suy nghĩ thật kỹ. Bố đã 50 tuổi rồi, còn phải sống cho chính mình, còn ba đứa con phải lo ăn học. Nếu sau này ốm đau, nằm một chỗ với một đống nợ, khi đó nhìn căn nhà liệu có vui không"? Bố tôi chỉ cười buồn và bảo: "Anh chị đã cho được 150 triệu đồng rồi, không làm thì phụ lòng, giờ không làm cũng không biết bao giờ mới làm được, mà nhà ông cũng không thể để mãi vậy".
Tôi thương bố, thương sự tận tụy của ông với gia đình, nhưng tôi cũng giận cách người thân có thể dễ dàng đặt gánh nặng lên vai ông mà không một lần nhìn lại xem ông còn đủ sức hay không. Bố tôi, người đàn ông đã gồng gánh cả đời, giờ lại một lần nữa bước vào con đường vay mượn, nợ nần, tất cả chỉ để giữ trọn chữ hiếu và chữ tình. Tôi viết ra câu chuyện này, không phải để chỉ trích ai, chỉ là trong lòng nặng trĩu chẳng biết nói cùng ai. Tôi thương bố vì ông luôn sống trách nhiệm và nặng tình với gia đình, nhưng cũng thương mẹ, thương cả những áp lực mà gia đình tôi đang và sẽ phải gánh.
Nếu ai từng rơi vào hoàn cảnh như tôi, xin hãy cho tôi lời khuyên. Làm con, làm vợ trong một gia đình như vậy, tôi nên làm gì để bố hiểu tình thân không nên được gắn liền với hy sinh đến cạn kiệt? Làm tròn chữ hiếu không nhất thiết phải đánh đổi bằng cả sức khỏe và tương lai? Nếu ông cứ cố gánh cả thế giới một mình, liệu chúng tôi có thể cứu ông khỏi chính lòng tốt của mình không?
Hoàng Hiền