Hè năm ấy, khi các bạn của tôi nô nức nộp hồ sơ đại học, ríu rít gọi nhau đi ôn thi, hẹn nhau lên thư viện cùng nhau học bài, còn tôi bất hạnh phải ở nhà. Cha tôi nhất quyết không cho đi học, tôi rất buồn và khóc cũng rất nhiều, mẹ ái ngại nhìn tôi, bà cũng thương nhiều và cũng muốn cho tôi được học tiếp. Bà mong tôi có thêm cái chữ cho cuộc sống sau này bớt khổ, để không phải quanh năm với con trâu, với cái cày, cái cuốc ngoài ruộng vườn. Song bà cũng đành bất lực khi cha đổ bệnh nằm giường, một mình bà không thể lo nổi khi bên dưới tôi còn 2 đứa em đang tuổi ăn học. Sức khỏe của mẹ tôi không được tốt lắm, bà bị bệnh tim gần 3 năm nay. Tôi đành bất lực nhìn cha ốm yếu nằm trên giường bệnh, mẹ gồng lưng cố gắng làm việc suốt ngày đêm để lo đủ cái ăn hàng ngày cho cả gia đình, tôi đành bỏ dang con đường học vấn, đành từ bỏ ước mơ giảng đường. Tôi ở nhà giúp mẹ công việc đồng áng, chăn nuôi thêm con lợn, con gà.
Có một lần, khi đang dong trâu ra đồng tôi gặp một đoàn bộ đội đi qua, tôi cứ đứng tần ngần nhìn họ, hình ảnh những người bộ đội tươi cười, khoác trên mình bộ quân phục người lính trông chững chạc và đẹp biết bao, trong tôi trỗi lên nỗi khát khao được như họ. Khi đó, trong tôi hiện lên hình ảnh mình cũng được mặc bộ quân phục của người lính và đi trong đội hành quân như thế kia, thật đẹp và thiêng liêng biết nhường nào. Tối hôm đó về, tôi cứ trăn trở và suy nghĩ mãi, suốt đêm tôi không ngủ được, trong đầu cứ hiện lên hình ảnh của những người lính trong buổi chiều và nó đã thôi thúc tôi lên đường nhập ngũ. Sáng hôm sau tỉnh dậy sớm, tôi thấy mẹ đang nấu cơm trong bếp, hình ảnh người mẹ gầy yếu đang cặm cụi nấu cơm qua ánh lửa hồng khiến tôi thấy xót xa. Tôi thương mẹ và không muốn mẹ khổ thêm nữa, tôi quyết định lên đường nhập ngũ, trở thành người bộ đội, phục vụ cho tổ quốc.
Bữa cơm sáng hôm ấy, tôi ngồi thưa chuyện với bố mẹ, bố không nghĩ ngợi gì mà đồng ý luôn "Như thế cũng tốt, vào bộ đội người ta dậy bảo có kỷ cương, nề nếp, con sẽ chững chạc và lớn hơn đấy, cứ làm như ý con đi".
Nói xong, bố đứng lên đi vào giường nằm, từng cơn ho lại kéo dài, tôi thấy lòng mình thắt lại. Mẹ ngồi yên không nói gì, bát cơm để dở giữa bữa, tôi thấy đôi mắt mẹ đỏ, hình như mẹ đang khóc.
Đến tối, mẹ gọi tôi vào buồng nói: "Mẹ biết, làm như thế này là chịu thiệt cho con, mẹ muốn cho con đi học đại học mà nhà ta nghèo quá nên con phải chịu khổ, không được như bạn bè, bây giờ con lại muốn vào bộ đội, mẹ chẳng đành lòng đâu, dù nghèo, dù khổ mẹ cũng muốn con được học tiếp. Mẹ lấy trong gầm giường ra một chiếc hộp bé đưa cho tôi. Đây là kỷ vật bà ngoại con để lại cho mẹ khi mất, con cầm lấy, lên thành phố ôn thi đại học, trời thương cho con đỗ được thì mẹ ở quê gắng làm thêm để gửi cho con ăn học trên đó. Mẹ biết con thương bố mẹ nên mới xin đi bộ đội, chứ lòng con nào có muốn như thế".
Không biết tự khi nào, nước mắt tôi đã rơi qua từng lời mẹ nói, mẹ ôm lấy tôi "Mẹ xin lỗi vì đã để các con khổ, gắng lên con, học hành cho tử tế để không phải khổ. Mẹ sẽ giấu bố cho con việc này, con cũng đừng trách bố, bố con cũng khổ quá rồi, bất đắc dĩ ông ấy mới bắt con nghỉ học thôi".
Tôi nấc nghẹn lên, ôm chặt lấy mẹ mà khóc như một đứa trẻ con, một lúc sau, tôi buông mẹ ra, lau khô nước mắt "Mẹ ơi! Đây là kỷ vật của ngoại con, mẹ giữ lại đi, sau này nuôi 2 em ăn học nữa, con không trách gì bố đâu, con hiểu hoàn cảnh gia đình mình, con sẽ vào bộ đội và cố gắng học tập tốt. Nếu con chịu khó học thì họ cho con học lên tiếp mà, mẹ đừng lo cho con, con lớn rồi".
"Mẹ xin lỗi, mẹ xin lỗi các con, là mẹ không tốt, mẹ không lo được cho các con đầy đủ". Tôi khuyên "Mẹ đừng như thế, vào bộ đội cũng tốt mà, đâu cứ gì là phải học đại học đâu, mẹ không thấy nhiều người học xong đại học mà vẫn thất nghiệp à, mẹ đừng nghĩ bộ đội là khổ, không khổ đâu mẹ ạ".
"Cha bố anh, anh đã đi bộ đội chưa mà anh nói chắc thế". Tôi cố gắng tìm mọi lý do để thuyết phục mẹ, cuối cùng mẹ cũng đồng ý cho tôi vào bộ đội. Tôi trở thành người lính từ ngày ấy".
Những ngày đầu vào quân đội tôi đã khóc rất nhiều, có lẽ tôi là thằng con trai đa cảm, tôi khóc còn nhiều hơn so với cái lần không được đi thi đại học. Vào đây, tôi được ăn no, mặc ấm và mỗi lần như thế tôi lại trào nước mắt, tôi nhớ bố mẹ và thương 2 đứa em nhỏ ở nhà đang phải lo chạy từng bữa cơm, gian nhà dột nát mùa đông không đủ ấm. Nhất là trong những ngày hành quân đi xa, qua mỗi xóm làng nhìn thấy khói bếp nhà ai tỏa lên, lòng tôi lại da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương. Tôi nhớ con sông, bờ đê đầu làng, mỗi buổi chiều lộng gió đi chăn trâu rồi cả người cả trâu nhẩy ùm xuống sông tắm, nhớ lũy tre, đình làng và nhớ lắm tiếng nói dịu dàng với mái tóc dài tha thướt của cô gái tôi yêu từ lần đầu.
Bây giờ tôi đã vào lính được hơn một năm, nỗi nhớ nhà trong tôi đã nguôi dần nhờ tình cảm đồng đội và sự quan tâm, yêu mến của những người dân nơi chúng tôi đi qua và nghỉ lại. Tôi mến yêu bao nhiêu đồng đội, những người đã dạn dày gió sương. Tôi yêu dải mũ lính và áo ếm của người chiến sĩ biết bao. Tôi hạnh phúc và tự hào khi được khoác trên mình màu xanh áo lính, được mọi người âu yếm gọi với cái tên “chú bội độ”, được nghe các các cháu nhỏ nghêu ngao hát bài “Chú bộ đội đi xa”. Tôi thấy thiêng liêng biết bao khi đồng đội gọi nhau là “đồng chí”. Tôi tự thấy mình đã lớn lên, thấy mình đang làm và giữ một nhiệm vụ hết sức lớn lao và cao cả.
Tổ quốc mẹ hiền đã nuôi ta khôn lớn, dạy ta biết sống làm người. Ta lớn lên trong vòng tay của mẹ và ta nguyện với người cầm chắc tay súng bảo vệ đất nước, quê hương.
Cuộc thi viết "Sống với đam mê" do Báo điện tử VnExpress phối hợp cùng Công ty TNHH Sapporo Việt Nam tổ chức từ ngày 12/8 đến ngày 23/9. Cuộc thi dành cho mọi công dân aViệt Nam từ 18 tuổi trở lên. Độc giả gửi bài dự thi tại đây. |
Tuyết Loan