Chương trình thuộc dự án "Vì cuộc sống tươi đẹp cho bệnh nhân tuyến giáp" do Bệnh viện Nội tiết Trung ương phát động. Tiến sĩ Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết cần nâng cao nhận thức của người dân về bệnh lý tuyến giáp. Đây là bệnh có thể chữa trị hiệu quả nếu phát hiện sớm, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em nguy cơ cao.
Việt Nam chưa có thống kê dịch tễ về bệnh lý tuyến giáp, song ước tính có khoảng trên 3 triệu người mắc bệnh bướu giáp các loại. Bướu lành tuyến giáp thường gặp nhất, biểu hiện là tuyến giáp to lên hoặc nổi u cục, bệnh nhân vẫn làm việc bình thường, không có dấu hiệu cường hay suy tuyến giáp.
Bệnh cường tuyến giáp trạng cũng khá thường gặp. Ở phụ nữ có thai, tỷ lệ cường giáp là 1/1.300 trường hợp, có thể gây đẻ non hoặc tiền sản giật. Thai phụ có nguy cơ bị suy tim, nhiễm độc giáp cấp. Cường giáp nếu không được kiểm soát tốt có thể khiến em bé bị bệnh tim bẩm sinh, thai chậm phát triển, thai chết lưu hay dị tật bẩm sinh. Điều trị cường giáp cho phụ nữ có thai là hết sức quan trọng.
Trẻ em cơ thể đang phát triển, khi mắc bệnh cường giáp sẽ bị rối loạn tăng trưởng, giai đoạn đầu lớn nhanh nhưng quá trình cốt hóa các sụn khớp tại đầu các xương dài xảy ra nhanh hơn so với trẻ cùng lứa tuổi. Vì thế trẻ nguy cơ có thể trạng thấp chuẩn ở tuổi trưởng thành. Quá trình cốt hóa xương sọ xảy ra nhanh ảnh hưởng đến sự phát triển của não. Hormone tuyến giáp có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương làm cho trẻ bị rối loạn tâm thần, dễ bị kích thích, hay quên, ảnh hưởng đến việc học tập.
Nếu suy tuyến giáp trạng, thai phụ có thể thiếu máu, đau cơ, yếu cơ, suy tim xung huyết, tiền sản giật, bất thường về nhau thai, ảnh hưởng sự phát triển não bộ của thai nhi. Trẻ sinh ra nhẹ cân và chảy máu sau sinh.