Joanne Cheng, một phụ nữ Hong Kong, cảm thấy hạnh phúc nhất khi được đi dạo giữa rừng cây và ngồi bên dòng suối tĩnh lặng. Cô cho rằng hòa mình vào thiên nhiên là cách hiệu quả sau những giờ làm việc căng thẳng.
Cheng là quản lý dự án tại Trung tâm Giáo dục Môi trường Lung Fu Shan, một cơ sở do Cục Bảo vệ Môi trường và Đại học Hong Kong cùng thành lập. Một trong số các các chương trình giáo dục của trung tâm là shinrin-yoku ("tắm rừng" hoặc "tắm trong rừng") - phương pháp chữa lành sức khỏe của người Nhật Bản.
Mục đích của tắm rừng gồm hai phần: cung cấp loại thuốc "giải độc sinh thái" cho tình trạng kiệt quệ thời kỳ bùng nổ công nghệ và truyền cảm hứng cho người dân tái kết nối, bảo vệ rừng. Phương pháp được Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản phát triển tại Nhật Bản như một hình thức ứng phó với karoshi (tình trạng tử vong do làm việc quá sức).
Người Nhật nhanh chóng đón nhận hình thức trị liệu sinh thái này. Xu hướng tắm rừng cũng lan rộng trên toàn cầu, từ Hàn Quốc, Hong Kong, Malaysia đến Phần Lan, Đức và Mỹ. Thực tế, khái niệm tắm rừng không mới. Nhiều nền văn hóa từ lâu đã nhận ra tầm quan trọng của thế giới tự nhiên với sức khỏe con người.
Vào những năm 1990, các nhà nghiên cứu bắt đầu tìm hiểu về lợi ích của việc tắm rừng, cung cấp các bằng chứng khoa học cho quan niệm tồn tại lâu đời: việc hòa mình vào thiên nhiên tốt cho thể chất và tinh thần.
Năm 2018, nghiên cứu xuất bản trên Tạo chí Môi trường của Đại học East Anglia đã theo dõi kết quả sức khỏe của 290 triệu người tham gia tắm rừng ở 20 quốc gia. Kết quả cho thấy người dành nhiều thời gian hơn trong không gian xanh giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, gồm bệnh tim, mạch vành, tiểu đường tuýp 2, giúp giảm huyết áp và cholesterol.
Bên cạnh đó, cây cối thải ra chất có tên gọi phytochemical, một loại hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, có tính kháng khuẩn mà con người có thể hít vào. Hợp chất có tác dụng chống ung thư, kháng viêm và chống oxy hóa.
Việc tắm rừng còn giúp giảm nhịp tim và nồng độ hormone có hại như cortisol - chất được cơ thể sản sinh khi căng thẳng. Tắm rừng đưa mọi người vào trạng thái bình tĩnh và thoải mái hơn.
Các nghiên cứu khác đã phát hiện ra chỉ cần dành 10 đến 20 phút mỗi ngày ngoài trời có thể giúp tăng cường sức khỏe, mức độ hạnh phúc.
Các chuyên gia cho rằng người muốn tắm rừng không cần thiết phải đến những nơi có cây cối rậm rạp. Bạn có thể thực hiện một chuyến đi đến công viên gần nhà, tản bộ trên con đường yêu thích, đến bãi biển hoặc bất kỳ không gian thiên nhiên nào, chỉ cần đảm bảo đã tắt điện thoại hoặc các thiết bị thông minh khác.
Điều cốt yếu là thực hành "chánh niệm", nghĩa là có sự chú tâm, cảm nhận về thế giới và nguồn năng lượng xung quanh tại thời điểm đó. Mỗi người cần hít thở sâu vài lần và định tâm, tập trung vào giác quan, hít mùi không khí hoặc lắng nghe tiếng chim hót.
Bênh cạnh đó, bạn có thể dành vài phút để quan sát môi trường, ngồi dưới một tán cây hoặc đơn giản là tản bộ vòng quanh. Nếu bạn quyết định đi bộ, hãy đi với tốc độ thong thả mà không có điểm đến cụ thể trong đầu, để tâm trí và giác quan khám phá, thưởng thức.
"Bản chất của việc này là đắm mình trong rừng và kết nối với thiên nhiên, nó không phải thử thách về thể chất. Bạn cần kết nối với thiên nhiên bằng cách kích hoạt tất cả giác quan như thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác và xúc giác", Cheng nói.
Các giác quan thường bị mờ nhạt trong thế giới số hóa, khi nhiều người thích ở trong phòng máy lạnh và nhìn chằm chằm vào màn hình điện thoại, cô nói thêm. Tắm rừng như một cách để con người trở về vùng an toàn của bản thân, có lại những trải nghiệm ban sơ nhất.
Thục Linh (Theo SCMP)