Khi cha mẹ không nhất quán với những giới hạn, họ vô tình buộc trẻ phải đòi hỏi mạnh mẽ hơn bằng cách rên rỉ, van xin, khóc lóc, la hét và phản đối để có được mọi thứ.
Nghiên cứu do nhóm các nhà khoa học Hogarth & Villeval, Pháp, thực hiện năm 2020 cho thấy, sự thiếu nhất quán của cha mẹ có thể dẫn đến sự kiên trì hơn và nỗ lực tổng thể cao hơn để nhận được phần thưởng trẻ muốn.
Theo tiến sĩ tâm lý Erin Leyba, tác giả cuốn sách Joy Fixes for Weary Parents, sự nhất quán của cha mẹ rất quan trọng vì nó giúp trẻ hạnh phúc hơn, khỏe mạnh hơn và hợp tác hơn.
Nghiên cứu cho thấy, cha mẹ có sự nhất quán khiến trẻ tương tác tích cực và có ít triệu chứng trầm cảm hay sức khỏe thể chất hơn. Mặt khác, hành vi tiêu cực, không nhất quán của cha mẹ có liên quan đến sự xuất hiện các vấn đề về hành vi trong thời thơ ấu, đến tuổi đi học. Kỷ luật không nhất quán cũng được cho là có thể dự đoán sự gia tăng thái độ phạm pháp và hành vi chống đối xã hội ở thanh thiếu niên.
Trong khi đó, sự nhất quán gắn liền với sự ấm áp của cha mẹ, bao gồm việc yêu thương, trìu mến, tích cực, đáp ứng và không trừng phạt. Điều này có mối tương quan đáng kể với sự điều chỉnh tâm lý tích cực và tính cách, bao gồm tính độc lập, lòng tự trọng tích cực, sự tự tin tích cực, ổn định cảm xúc và thế giới quan tích cực.
Làm thế nào để nhất quán trong cách dạy con?
Tạo thói quen nhất quán: không cho trẻ ăn đồ ngọt vào buổi tối muộn, đọc số lượng sách nhất định trước khi cho trẻ đi ngủ, xem tivi 60 phút mỗi ngày, chỉ xem tivi sau khi hoàn thành bài tập, chỉ sang hàng xóm chơi 30 phút mỗi ngày...
Giao công việc nhất quán mỗi ngày: Dọn nhà, gấp quần áo, rửa chén...
Thưởng nhất quán: Đưa ra mức thưởng phù hợp, có cấp độ khi trẻ hoàn thành các công việc được đề ra.
Bất kỳ nỗ lực nào hướng tới sự nhất quán cao độ sẽ cải thiện nghiêm túc hành vi và sự hợp tác của trẻ. Cũng giống như người lớn, trẻ em tuân thủ khi biết ranh giới của mình.
Thùy Linh (Theo Psychology Today)