Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Cao Bằng 7/10 thông tin, sau khi tắm lá cây, các vết sần ngứa tiếp tục lan ra toàn thân khiến trẻ ngứa ngáy, đau rát, chảy máu. Người nhà đưa đến bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán bé bị viêm da cơ địa.
Ngứa là triệu chứng điển hình của viêm da cơ địa, da khô, nổi ban, mụn nước, vùng bị viêm có thể bị nứt nẻ. Trẻ nhỏ ngứa sẽ gãi làm trầy xước, chảy máu, dễ bị nhiễm trùng gây lở loét, mưng mủ, da ở vùng này thường bị dày lên. Trên da bình thường có rất nhiều loại vi khuẩn cộng sinh, gặp điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh, làm viêm da nặng hơn.
Nguyên nhân viêm da cơ địa do yếu tố di truyền (người có cơ địa dị ứng), yếu tố môi trường (thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp, các hóa chất...). Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương, da khô, mất nước, tế bào bị biến dạng, tạo điều kiện cho dị nguyên, vi khuẩn xâm nhập gây bệnh.
Viêm da cơ địa không điều trị, chăm sóc da kịp thời khiến trẻ ngứa, quấy khóc, khó ngủ, kém ăn, chậm lớn. Thương tổn da có thể bội nhiễm vi khuẩn (tụ cầu), virus (HSV), nấm...
Các bác sĩ khuyến cáo khi điều trị viêm da cơ địa, chăm sóc da trẻ là rất quan trọng, giúp bệnh ổn định và tránh tái phát. Nên cho trẻ mặc quần áo chất liệu cotton, mềm, dễ thấm hút, hạn chế tiếp xúc đồ len, dạ. Không nên bôi, tắm cho trẻ bằng lá không rõ nguồn gốc vì có thể là làm tình trạng bệnh nặng thêm. Loại bỏ các yếu tố kích ứng như bụi, mạt nhà, phấn hoa, lông súc vật... Không nên cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây dị ứng hoặc thực phẩm lạ.
Trẻ bị viêm da cơ địa nên tắm bằng sữa tắm dịu nhẹ, ít kích ứng và có tính chất dưỡng ẩm, tắm nước không quá nóng và không nên ngâm trẻ quá lâu. Khi trẻ có biểu hiện mẩn đỏ, khô da nhiều, cha mẹ cần đưa đến viện khám.