Thứ sáu, 22/7/2022, 10:00 (GMT+7)

- Dư luận đang quan tâm đến thương vụ Samsung Engineering rót 41 triệu USD mua lại khoản vay chuyển đổi của IFC, nắm 24% vốn sở hữu của DNP Water, cơ duyên nào dẫn đến thương vụ đầu tư này?

- Từ khi DNP Holding thành lập DNP Water, chúng tôi đã quan tâm đến việc hợp tác quốc tế, như việc hợp tác với IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới), Công ty công nghệ ngành nước Kobelco (Nhật Bản)...

Thời điểm sắp hết thời hạn hợp tác với IFC, chúng tôi có 3 đối tác quan tâm và mong muốn đầu tư, nhưng đã chọn hợp tác với Samsung Engineering, do hai bên có nhiều tương đồng về định hướng phát triển. Chúng tôi cũng muốn dần hướng tới lĩnh vực xử lý nước thải - mảng khá thách thức nhưng có tác động lớn với cộng đồng. Phía Samsung đã tham gia các dự án EPC lớn về nước thải nên sẽ có nhiều kinh nghiệm triển khai mảng này.

- Được biết đến với những dự án cấp nước quy mô lớn, song đâu là lý do khiến DNP Water mở rộng sang mảng xử lý nước thải?

- Hiện vấn đề xử lý nước thải là bài toán nhức nhối. Hệ thống nước cấp sinh hoạt tại đô thị đạt 80% nhưng chỉ khoảng 15% nước thải sinh hoạt được đưa vào hệ thống xử lý tập trung, khiến những con sông, kênh rạch, nước biển ngày càng ô nhiễm. Chi phí đầu tư hạ tầng xử lý nước thải tại Việt Nam, như hiệp hội tính toán, đến gần 10 tỷ USD.

Trong ngành nước, nước cấp và nước thải đi liền với nhau. Ở các nước khác, đơn vị đầu tư đến đâu có hệ thống nước thải đến đấy. Còn ở Việt Nam, nhiều dự án đầu tư xong nhưng tỷ lệ đấu nối thấp do chưa có chính sách quy định chặt chẽ.

- Ngoài cơ hội trong ngành nước thải, DNP Water kỳ vọng gì trong thỏa thuận hợp tác này?

Hệ thống SCADA tân tiến được DNP Water áp dụng.

- Trong quá trình hợp tác, Samsung Engineering sẽ chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ chuyên ngành, quản trị dự án, vận hành, năng lực tổng thầu EPC. Doanh nghiệp Hàn cũng đồng hành với chúng tôi thúc đẩy chính sách cho ngành nước gồm cả nước sạch và nước thải. Chúng tôi hy vọng Samsung Engineering đóng góp vào việc nghiên cứu, áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến để ứng phó với việc ô nhiễm nguồn nước, suy giảm nước ngầm, xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.

Ngoài kinh nghiệm triển khai các dự án trong ngành nước thải từ phía đối tác, Samsung Engineering cũng sẽ giúp công ty huy động các nguồn vốn khác từ Hàn Quốc và các đối tác của họ.

Lĩnh vực nước thải của Việt Nam hiện chủ yếu trông chờ vốn ODA, vẫn hạn chế thu hút đầu tư. Thông qua việc hợp tác với Samsung, chúng tôi hy vọng sẽ tạo được kênh dẫn nguồn vốn ODA và các nguồn vốn khác về để triển khai các dự án nước sạch. Ngoài ra, các dự án lớn chúng tôi đang đề xuất, phía đối tác cũng cam kết tham gia cùng, vừa với vai trò cổ đông một phần cho dự án, vừa cấp vốn, vừa tham gia trực tiếp với vai trò thi công, chuyển giao công nghệ.

- Quay lại về hành trình của DNP Water, DNP Holding nhìn thấy cơ hội gì khi đầu tư vào DNP Water từ 5 năm trước?

- DNP Holding xuất phát từ đơn vị cung cấp vật tư trong ngành nước. Chúng tôi nhận thấy kinh tế phát triển nhanh, trong khi hạ tầng ngành nước còn thiếu, rất nhiều người dân chưa được sử dụng nước sạch. Ngành nước cũng đang hoạt động ổn định.

Đặc biệt hơn, chúng tôi nhận thấy cơ hội khi Việt Nam gia nhập WTO. Lúc đó, nhà nước có chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa công ty cấp thoát nước trên toàn quốc để phát triển hạ tầng ngành nước, đảm bảo nguồn nước phục vụ công nghiệp hóa nhanh trên toàn quốc. Chúng tôi đón đầu cơ hội bằng cách thành lập DNP Water, đẩy mạnh triển khai các dự án trong các vùng.

- Sau 5 năm ra đời, doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu như thế nào?

- Công ty khi thành lập năm 2017 có công suất 100.000m3 một ngày đêm, thông qua nhà máy Bình Hiệp và Đồng Tâm. Đến nay, công ty đạt công suất thiết kế khoảng 1,1 triệu m3 nước một ngày đêm, có 26 công ty trên 13 tỉnh thành.

Một số dự án trọng điểm của DNP Water đã đi vào vận hành khoảng 2-3 năm qua. Đầu tiên là nhà máy nước sạch Bắc Giang cung cấp nước cho TP Bắc Giang, huyện Lạng Giang và một số khu công nghiệp. Tổng công suất xây dựng hai giai đoạn của nhà máy này đạt 60.000 m3, dự phòng 80.000 m3 một ngày đêm, đến nay đang phát khoảng 35.000 m3 một ngày đêm.

Nhà máy nước sạch DNP - Bắc Giang.

Dự án thứ hai là nhà máy phát nước một phần cho TP Tân An (Long An), chủ yếu là khu vực Bến Lức, Cần Đước, Thủ Thừa và Cần Giuộc. Thiết kế hai giai đoạn là 60.000 m3. Hiện nhà máy đạt công suất khoảng 45.000 m3. Dự kiến đến tháng 9, chúng tôi hoàn thành giai đoạn 2 lên đến 60.000 m3, đáp ứng nhu cầu tăng thêm.

Toàn cảnh nhà máy nước Nhị Thành - Long An.

Mới đây, DNP Water khánh thành dự án ở Quảng Châu (Quảng Bình), cung cấp nước cho thị xã Ba Đồn và huyện Quảng Trạch. Dự án mục tiêu thay thế nguồn nước ngầm mà trước nay các đơn vị địa phương đang sử dụng. Công suất nhà máy đạt 15.000 m3.

Chúng tôi đang triển khai một dự án tại Sa Pa để đảm bảo nguồn nước đang thiếu hụt, trong khi tốc độ phát triển của thị xã rất lớn. Chúng tôi dự kiến khánh thành nhà máy này trong tháng 9 tới.

Ngoài ra, DNP Water có hai dự án chuẩn bị khởi công. Đó là nhà máy nước Sơn Thạnh (Nha Trang) với tổng công suất 100.000 m3, sẽ được khởi công trong quý III năm nay. Kế đó là nhà máy nước ở Trảng Bàng (Tây Ninh), cung cấp nước cho toàn bộ khu vực, được cấp phép tổng công suất 180.000 m3.

Chúng tôi đang nghiên cứu hai dự án quy mô lớn, một dự án cung cấp nước thô cho 3 tỉnh Tiền Giang, Long An và Bến Tre, có công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3 một ngày đêm. Chúng tôi kỳ vọng có thể khởi công dự án này trong quý IV/2022, chậm nhất là quý I/2023. Dự án sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước, phòng chống xâm nhập mặn.

Dự án thứ hai chúng tôi đang đề xuất nghiên cứu sẽ cung cấp nước cho 3 tỉnh: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... nhằm mục đích thay thế nguồn nước ngầm.

Trong quá trình phát triển, chúng tôi nhận thấy nhiều thách thức từ suy giảm nguồn nước ngầm, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước... Chúng tôi sẵn sàng vươn ra các tỉnh thành khác để giải quyết thách thức này, đáp ứng nhu cầu của người dân là có một nguồn nước an toàn hơn.

Nhà máy Nước Nhị Thành (DNP Water) xả nước thô cho người dâncứu lúa bị xâm nhập mặn tại Long An.

- Ông có thể chia sẻ thông tin về những dự án trước mắt DNP Water và Samsung sẽ triển khai?

- Hai bên dự kiến sẽ triển khai các dự án liên vùng tại Đồng bằng sông Cửu Long là dự án trạm bơm nước thô Cái Bè và hệ thống tuyến ống truyền tải với công suất đến năm 2025 là 300.000 m3, sau năm 2025 là 600.000 m3, cung cấp nước cho ba địa phương là Tiền Giang, Long An và Bến Tre. Chúng tôi cũng đề xuất triển khai các dự án xử lý nước nước thải tại TP HCM và Long An.

- Ông có thể chia sẻ thêm về những mục tiêu, định hướng chiến lược của DNP Water?

- Mục tiêu của chúng tôi là trở thành công ty hàng đầu và tiên phong trong đầu tư hệ thống nước sạch, môi trường tại Việt Nam và đồng hành cùng Samsung Engineering để mở rộng sang các thị trường lân cận.

Đến năm 2025, DNP Water có thể đạt tổng công suất 2 triệu m3 một ngày đêm, tiếp tục M&A các dự án. Chúng tôi sẽ đầu tư các dự án mới và sẽ thiên nhiều về các dự án lớn liên vùng.

Các nhà máy nước sạch của DNP Water sử dụng công nghệ UBCF và lắng Lamela, đều là những phương pháp xử lý hiện đại, được ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.

DNP
 
 

Nội dung: Hoài Phong - Ảnh: DNP - Thiết kế: Duc Tran