Đó là hôm tôi tới thăm ông. Đám ruộng đang xanh tốt, báo hiệu một vụ bội thu nếu không có những vệt nước đóng váng màu trắng xuất hiện quanh bờ ruộng.
Tuần trước đó, sau khi đầm tôm người hàng xóm vừa trúng đậm, đang giai đoạn phơi ao, ông Sáu bắt đầu nhận ra sự bất thường trên con mương giữa hai mảnh ruộng. Đưa bàn tay vốc nước cho vào miệng, ông cau mày, nhăn mặt. Một người khác dùng máy đo độ mặn. Máy báo mức ba, nghĩa là ba phần nghìn.
Ông già 60 tuổi không rành máy móc và những con số. Nhưng ông biết vị mặn chát khi hớp thứ nước chảy ra từ ao nuôi tôm. Hơn nửa đời gắn bó với mảnh ruộng, từng trắng tay những lần đồng bị phèn, mặn trong quá khứ, ông hiểu sẽ tai hại đến mức nào khi thứ nước này len lỏi vào đất nhà.
Hàng nghìn nông dân Đồng Tháp Mười sau bao đời gắn bó với cây lúa đã cuốc ruộng, lên liếp để trồng mít hay đào ao nuôi tôm, cá tra bột. Cây lúa không còn là lựa chọn kinh tế tối ưu những năm gần đây. Năm ngoái, sau nhiều mùa làm lúa cho thu nhập bấp bênh, mảnh ruộng của người hàng xóm cách đồng nhà ông một con mương nhỏ đã chuyển sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Ông Sáu đem lo ngại của mình nói với người hàng xóm, họ thẳng thừng: "Nuôi tôm vài vụ bằng ông làm lúa cả đời".
Hàng xóm ông không sai. Một hecta tôm thẻ sau ba tháng cho lợi nhuận "bèo" nhất từ một đến hai tỷ đồng, cao gấp 100 lần trồng lúa và mỗi năm có thể làm được ba vụ. Và giả định nếu vụ mùa luôn luôn thuận lợi, mỗi năm hai vụ, một hecta lúa sẽ cần ít nhất 25 năm liên tiếp để có được lợi nhuận bằng với một mùa tôm.
Nhưng cái giá của những vụ tôm thì tất cả mọi người đều gánh. Vùng đất Đồng Tháp Mười được hình thành bởi trầm tích đầm lầy biển, khi biển thụt lùi, cách đây khoảng 8.000 năm. Bên dưới tầng đất nông, các túi nước mặn vẫn còn tích tụ. Những người nuôi tôm vì thế đã nghĩ ra cách: khoan xuống mặt ruộng 30 đến 60 mét để lấy nước cho ao nuôi, với độ mặn trung bình 4 đến 6 phần nghìn. Do một số giếng vẫn chưa đủ độ mặn, người nuôi tôm "sáng tạo" bằng cách rải muối xuống ao với tỷ lệ 100 kg muối ăn cho 1.000 mét khối nước. Chỉ trong thời gian ngắn, 21 giếng nước mặn khoan trái phép đã được nhà chức trách phát hiện tại xã Tân Lập, Mộc Hóa, Long An. Cùng với hệ thống giếng khoan là 15 hecta ao nuôi tôm hoạt động rầm rộ ngày lẫn đêm, nâng tổng số ao nuôi tôm tự phát khu vực Đồng Tháp Mười lên gần 40 hecta.
Việc giải phóng các túi nước ngầm từ thời tiền sử đã tình cờ "tháo xích" cho con "quái vật mặn" ngấm ngầm tàn phá những cánh đồng. Và hơn nữa, việc rút cạn các túi nước với quy mô rộng cũng sẽ phá vỡ kết cấu các tầng đất, khiến tình trạng sụt lún của Đồng Tháp Mười và cả miền Tây nói chung diễn ra nhanh hơn.
"Mặn ba năm thất mùa", người xưa từng đúc kết. Hơn 3.000 hecta lúa trên toàn xã Tân Lập khu nhà ông Sáu có nguy cơ bị chết mòn bởi các ao tôm. Nếu không được kiểm soát kịp thời, tình trạng này sẽ lan rộng khắp vùng Đồng Tháp Mười với 200.000 hecta lúa hai vụ, mỗi năm cho sản lượng trên 2 triệu tấn, chiếm khoảng 10 % tổng sản lượng lúa của vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng chiếm 50% sản lượng lúa cả nước.
Thậm chí, ông Sáu kể với tôi từng bị nhiều doanh nghiệp nuôi tôm gạ bán hoặc cho thuê đất với giá gấp 2,3 lần giá thị trường. Kèm theo món tiền hấp dẫn là lời đe dọa, rằng một khi toàn vùng chuyển sang nuôi tôm, ruộng lúa sẽ bị kẹt chính giữa, không thể canh tác, khi ấy nông dân phải bán ruộng với giá rẻ mạt. Món lợi cùng lời đe dọa đã có tác dụng. Vài nông dân trước đây từng bảo vệ ruộng lúa, nay lại lỉnh kỉnh máy móc để phá lúa đào ao.
Nhưng đến hôm nay, chính những nông dân hăm hở đào ao kia đang kêu ca với nhà báo, cán bộ địa phương vì thương lái không nhận hàng đi Trung Quốc. Tôm, cua, nhiều nông sản tái diễn bài toán cũ: cứ trục trặc ở cửa khẩu Trung Quốc là lao đao.
Hiển nhiên họ có quyền than thở lúc khó khăn, dù lúc trúng mùa, mua xe, mua nhà, họ vẫn ngang nhiên đào ao nuôi tôm và sau đó sẵn sàng đóng vài triệu đến vài chục triệu đồng nộp phạt vì đâu thấm tháp gì so với lợi nhuận "khủng" từ một mùa tôm. Trung Quốc hiện là thị trường nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 1/4 trị giá xuất khẩu 85 tỷ USD. Nhưng câu chuyện của con tôm, con cua, trái cây vài chục năm qua vẫn thế. Người nuôi trồng không nhìn quá xa được vài vụ, được mùa thì bất chấp làm tiếp, không được thì bắt đầu kêu cứu, là vì đâu?
Chẳng phải riêng nông dân quê tôi, bộ trưởng Nông nghiệp trong cuộc họp hôm 3/2 cũng chưa tìm ra cách nào để virus corona bớt gây tổn thương đến nông nghiệp. Ông nói: "Tất cả các nội dung thương thảo giữa hai bên tạm dừng lại. Ví dụ, sản phẩm sầu riêng, khoai lang, yến, chuẩn bị ký nghị định thư để được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc nhưng hiện giờ chưa biết thế nào".
"Chưa biết thế nào" không phải chuyện mới. Tôi từng hỏi nhiều chuyên gia câu hỏi chung, tầm nhìn nào hữu hiệu cho nông sản Việt Nam, trong đó có con tôm, củ hành, trái mít? Tôi tra cứu lại, chiến lược đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp viết: "phấn đấu đứng trong số 5 nước hàng đầu thế giới về chế biến rau củ quả, thủy hải sản, gỗ", "năm 2030, nông nghiệp Việt Nam sẽ đứng trong top 15 nước phát triển trên thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng trong top 10 nước hàng đầu".
Nhưng ta đã và sẽ làm gì để hiện thực hóa mục tiêu cao cả ấy trên một nền tảng mà chính Bộ này cho hay: số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông lâm thủy sản chỉ chiếm 1%. Ngoài ra, tôi dò tìm, các nguyên tắc cơ bản nhất như "không phát triển nuôi thủy sản nước mặn ở vùng nước ngọt" hay "tuân thủ đạo đức nuôi trồng không gây hại"... đáng lẽ phải trở thành nguyên tắc bất di bất dịch của ngành nông nghiệp như nhiều nước đã làm, thì chưa thể hình thành. Việc giáo dục cho nông dân cả về đạo đức lẫn kỹ năng nhiều năm gần như bị bỏ trống. Một chiến lược quốc gia cho con tôm, củ hành, phải bắt đầu từ đâu?
"Phát triển nông nghiệp phải phù hợp với hệ sinh thái", "phải tìm lối ra cho quả x, con y", "phải liên kết các ‘nhà’"... Nông dân có lẽ quá quen với những câu này.
Hoàng Nam