Ông Nguyễn Văn Cương, Phó cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN&PTNT) kiêm Phó ban Điều hành Dự án di dời voi quốc gia, cho biết, trước khi bắt voi các chuyên gia đã lường đến khả năng có thể tử vong của voi như đợt bắt voi năm 1993. Thường sau khi trúng đạn gây mê voi sẽ chạy và lao xuống vực, đây cũng là điều bất khả kháng. Hơn nữa có những con bị bệnh gan, khả năng hoá giải thuốc mê rất khó, dễ dẫn đến tử vong. Thứ nữa voi bị bắn trong điều kiện mưa dữ dội, có thể ngã ở vũng nước, không kịp thời giải cứu cũng sẽ chết… Voi là loài vật có trọng lượng lớn, nên khi ngã sấp, chân hay vòi có thể đè lên phổi làm nghẹt thở, vì thế mới phải có phương án voi nhà tham gia hỗ trợ bằng cách lật nghiêng giúp dễ thở…
Ông Cương khẳng định: “Hai con voi này chết hoàn toàn không phải do thuốc mê. Hơn nữa, chúng tôi có đội bắt voi kỳ cựu của Malaysia, có cả chuyên gia thú y tham gia. Khi bắt voi, họ phải nghiên cứu ước lượng chiều cao, trọng lượng voi và tương ứng là liều thuốc để bắn… Thực tế, sau khi bắn thuốc mê, voi đã được giải mê và vẫn sống khoẻ mạnh, còn ăn uống bình thường”.
Ông Cương cho biết thêm, tối hôm kia (13/11), có một số nhà báo không thuộc đối tượng được trực tiếp vào khu vực bắt voi, nhưng do nóng lòng muốn có tin tức sớm, nên đã thuê những người dân đưa vào rừng để chụp ảnh, làm voi hoảng hốt vùng chạy, bị ngã, và đập vào một gốc cây khiến lưỡi rụt vào, nghẹt thở mà chết…
Theo ý kiến của ông Cương, chương trình này vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, đoàn săn bắt voi rút kinh nghiệm, yêu cầu tỉnh Bình Thuận phải bảo vệ nghiêm ngặt vùng rừng có voi dữ, không cho dân, thậm chí cả phóng viên, nếu không nằm trong đối tượng được phép vào rừng.
Tính khả thi của dự án
3 tỷ đồng là số tiền đầu tư cho dự án, 150 USD/một ngày công cho mỗi chuyên gia nước ngoài và nhiều tuyên bố hùng hồn khác… càng làm cho người dân Tánh Linh yên tâm và tin tưởng. Nhưng rồi việc hai con voi bị bắn thuốc mê lần lượt chết cho thấy bước đầu của dự án đã thất bại. Mặc dù chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết của hai con voi, nhưng xung quanh vấn đề này cũng có nhiều cách lý giải khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, con voi đầu tiên chết là do sau khi bị bắn thuốc mê đã tỉnh dậy, vùng chạy rồi lao vào vách núi. Tuy nhiên, quan sát tư thế nằm của voi cho thấy con voi này chết là do kiệt sức không giải được thuốc, voi không thể vượt qua được một gờ đá thấp, phía trước đầu voi không có vách đá, vòi voi cũng không bị đè, tư thế ngã quỵ xuống, không có dấu lăn trượt. Xác voi nhanh chóng trương to và có mùi hôi thối. Mặt khác, vì khoảng cách voi nằm chết không cách xa nơi bị bắn nên có khả năng con voi đã chết sau khi bắn khoảng 1 giờ. Việc phát hiện ra xác voi hoàn toàn do dân trong vùng và lực lượng phóng viên mà không hề có thông tin từ cơ quan chức năng.
Về cái chết của con voi bị xích gần như cũng được giấu kín. Các đánh giá sơ bộ ban đầu cho biết có thể nó đã chết vào buổi sáng 14/11, trong khi thức ăn vẫn chưa sử dụng hết và lực lượng bảo vệ vẫn canh gác bên ngoài mà không biết. Có ý kiến cho rằng voi chết là do phóng viên và những người hiếu kỳ đến xem và “quấy rầy” quá nhiều. Thực tế, lực lượng bảo vệ được huy động rất hùng hậu, gồm cảnh sát cơ động tỉnh, kiểm lâm, dân quân các xã. Vả lại, điều này mâu thuẫn với cách lập luận ban đầu của các chuyên gia. Ông Phạm Mộng Giao, chuyên viên săn voi của Cục Kiểm lâm từng phát biểu với báo chí rằng, liều thuốc bắn mê sẽ giúp cho voi không bị stress với người, cũng như không nhận ra sự khác lạ của môi trường sống trong suốt thời gian phục hồi di chuyển.
Cũng có thông tin cho rằng voi chết là do khi cho ăn các chuyên gia đều phải bắn thuốc mê để tiếp cận sau đó lại dùng thuốc giải. Việc nhiều lần dùng thuốc mê đã khiến voi kiệt sức. Các chuyên gia khi cho voi ăn cũng không dám tiếp cận mà chỉ ném thức ăn cho voi rồi bỏ chạy, voi thiếu nước uống.
Một lo ngại khác là trong những ngày gần đây, hai con voi con sau khi mất mẹ đã có biểu hiện khát sữa và quanh quẩn ở khu vực voi mẹ bị chết. Không ai có thể dám chắc cho sự sống còn của hai voi con này khi không còn sữa mẹ.
(Theo TTXVN)