Sau bài viết Dứa ngoại giá gấp chục lần dứa nội, VnExpress nhận được hàng trăm bình luận của độc giả.
Trước tình trạng dứa ngoại đắt đỏ nhưng vẫn hút khách, trong khi dứa nội rẻ nhưng có nơi để thối không ai mua, một số độc giả đã lý giải nguyên nhân trên từ góc độ niềm tin của người tiêu dùng đối với nông sản Việt:
"Nguyên nhân một phần cũng là do người dân mất lòng tin với thực phẩm vì lo bị lạm dụng hóa chất"- độc giả Phap An nêu.
Độc giả maitungdy chia sẻ: "Tôi rất thích ăn trái cây, rau củ Việt Nam mình nhưng thú thật là rất không tự tin khi đưa vào cổ họng. Sợ thuốc và hoá chất".
(Xem thêm: Những đàn ông gọt trái cây điệu nghệ khiến phụ nữ kinh ngạc)
"Người tiêu dùng không tin thì rẻ đến mấy họ cũng không mua. Giá trị của thương hiệu cũng một phần là do sản phẩm được tin tưởng, ưa chuộng. Chỉ số niềm tin thấp thì giá trị thấp. Mất niềm tin thì mất tất cả"- bạn đọc có nick Dobriten nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhiều bạn đọc vẫn có cái nhìn lạc quan về nông sản Việt, khuyên người tiêu dùng nên thông thái, tránh nghe thông tin đồn thổi mà ảnh hưởng đến người nông dân:
"Do bị mất lòng tin và cũng thiếu hiểu biết nữa, chứ dứa trồng hai năm mới cho trái, bán tại thành phố tôi thấy 15 nghìn đồng được hai trái là rẻ lắm rồi, tiền đâu mà hóa chất và cũng đâu cần thiết. Dứa rất ngon đấy mọi người nên ủng hộ, mình chiều nào cũng mua" - độc giả Nguyen Tien chia sẻ.
(Xem thêm: Trái cây miền Nam tràn ngập Hà Nội)
"Quê tôi Tam Điệp (Ninh Bình), nhà tôi trước đây từng trồng dứa, dứa quê tôi toàn xuất khẩu (nhà máy chế biến chỉ làm để xuất khẩu), rất ít tiêu thụ trong nước. Trồng cây dứa có gì mà phải phun thuốc bảo vệ thực vật, mà thấy nhiêu người kêu là bơm hóa chất? Tây rất thích ăn dứa của mình, trong khi đó dân mình sinh ngoại nên mới gặp tình cảnh này. Làm nông nghiệp vất vả lắm, tôi đề nghị ai không nắm chắc thì không phát biểu linh tinh, là bơm thuốc thế này thế khác. Khổ nông dân lắm...", độc giả An lên tiếng.
Ngoài vấn đề an toàn thực phẩm, một số độc giả cho rằng chính sự sính ngoại của không ít người khiến cho trái cây ngoại bị đẩy giá lên cao:
"Đơn giản vì chúng ta sính ngoại, mua hộp bánh biếu dù bánh Việt hiện nhiều loại ngon, nhưng vẫn mua bánh ngoại... Chẳng biết xuất xứ nhưng vẫn mua nho Mỹ thay vì nho Bình Thuận... Tôi tin dứa Việt Nam ngon không kém dứa các nước. Rất buồn là người Việt không có thói quen ăn thực phẩm chế biến sẵn, dứa vào vụ bán ế thì đổ đi, sao không chế biến, đóng hộp" - độc giả Văn Hiệp.
(Xem thêm: Mỹ trừng phạt kẻ sản xuất thực phẩm bẩn như thế nào)
Xã hội ngày càng xuất hiện nhiều người có thu nhập cao, họ sẽ luôn tìm dùng những sản phẩm tương xứng với thu nhập của mình, nên chuyện ăn trái cây nhập dù đắt đỏ khiến họ không quá bận tâm:
Độc giả có nick Comet Small chia sẻ: "Bà xã tôi không bao giờ xài mỹ phẩm giá dưới 500 nghìn đồng, vì nghĩ là rẻ sẽ đểu... Suy nghĩ đó không đúng, nhưng nó cho thấy một nhu cầu thật sự của xã hội, khi họ có tiền họ sẽ thích mua và sắm những vật dụng, đồ dùng, thức ăn tương xứng với thu nhập của họ... người giàu coi trọng sức khỏe hơn giá cả hàng hóa".
Từ đó độc giả này đưa ra nhận định: "Dứa 300 nghìn đồng sẽ chỉ phục vụ một nhóm nhỏ những người có của ăn của để, những người đó định hình một thị trường riêng, nếu nông dân muốn đi vào thị trường đó thì phải có cách thức làm ăn khác... Dứa đắt sẽ vẫn có người mua. Việc này giống với Apple định vị iPhone để phục vụ bộ phận người có thu nhập khá trở lên, và chịu đầu tư cho điện thoại".
(Xem thêm: Thưởng nóng 50 triệu đồng có dẹp được thực phẩm bẩn không?)
"Không có vấn đề gì, vì chỉ tiêu thụ vài trăm quả dứa ảnh hưởng gì đến dứa Việt đâu, còn dứa nhập về đắt vì nó hiếm và nhiều người trong giới nhà giàu muốn thể hiện đẳng cấp mua ăn là để khác biệt với những người Việt bình thường khác. Còn nhớ năm ngoái có bài viết về gạo huyết nhung Canada gần triệu một kg mà giới nhà giàu cũng tranh nhau mua ăn, thực tế họ có để ý gạo mới tại Việt Nam hoặc Thái Lan ăn mới sướng. Còn huyết nhung phải nói đến nhung hươu nuôi ở VN, nếu ai từng mua nhung hươu mới thấy nơi bán nhung có thể cho thêm cả chai huyết nhung đỏ au tươi rói. Còn cắt một cặp nhung theo công nghệ tẩm gạo huyết nhung mà nhà nhập khẩu giới thiệu thì có lẽ huyết đủ tẩm vài chục kg gạo. Mình cắt nhung hươu về huyết ngâm rượu uống không hết mà dân thừa tiền bỏ gần triệu mua một kg gạo về ăn sướng quá tưởng nó sành điệu lắm"- Độc giả Đặng Bằng nêu.
(Xem thêm: Nên phạt tù chủ cơ sở chế biến thực phẩm bằng hóa chất độc hại?)
Trong khi đó, có nhiều độc giả nhìn nhận chung, toàn cảnh về bức tranh thị trường nông sản Việt hiện nay:
"Tâm lý người tiêu dùng: hàng ngoại bao giờ cũng tốt, an toàn.
Tâm lý nông dân: cây gì, con gì đắt là thi nhau nuôi trồng, không quan tâm tới đầu ra" - bạn đọc Chinh ND.
Độc giả có nick RadalPham đưa ý kiến: "Các cơ quan chức năng cần định hướng và quản lý, trồng trọt tập trung chuyên canh, đảm bảo chất lượng, chứ không để tự phát rồi giải cứu. Tôi thấy nước ngoài trái nào ra trái đó, một cây chỉ đúng số lượng trái còn Việt Nam mình thì số lượng đi trước chất lượng. Tại sao cũng là chuối mà HAGL lại xuất khẩu giá cao còn nông dân thì thậm chí bán như cho mà không ai mua? Thấy xót".
Chia sẻ bài viết của bạn tại đây.
Thành Đô tổng hợp
>> Xem thêm: Thịt heo rớt giá thảm: Lỗi của người nông dân