Hầu hết hồ sơ đều bắt đầu từ “Đơn xin việc”. Tâm lý "xin việc" không chỉ nằm trên một cái đơn mà nó in dấu vào phong thái của người dự tuyển. Đó là phong thái của người đi xin một chỗ làm chứ không phải là một người đi thể hiện, chứng minh khả năng của mình để nhà tuyển dụng thấy được.
Thời bao cấp, thời mà mọi thứ đều phải xin - cho mới có, trôi qua đã lâu. Bây giờ là thời kinh tế thị trường, chúng ta phải xem sức lao động của mình là hàng hóa, phải thể hiện làm sao để hàng hóa của ta có giá trị và thỏa mãn được người mua đồng thời chúng ta hài lòng khi bán sức lao động của mình. Tôi nhiều lần tự hỏi, tại sao ứng viên không viết "đơn ứng tuyển" hay "đăng ký dự tuyển" mà lại phải dùng từ "xin - cho" ở đây?
Câu chuyện này chỉ là một ví dụ phổ biến cho lối tư duy lạc hậu đã hằn sâu vào tâm lý xã hội Việt Nam. Không chỉ mỗi cái đơn xin việc, hệ thống văn bản hành chính quy phạm của chúng ta vẫn tồn tại rất nhiều loại "đơn xin": xin cấp dịch vụ điện nước, xin cấp số nhà, xin tạm trú, xin chuyển trường… tất cả mọi thứ đều phải xin.
Trong khi, nhà nước là do nhân dân bầu ra để phục vụ cho nhân dân; cơ quan công quyền hoạt động bằng tiền thuế, để đảm bảo cung cấp mọi dịch vụ người dân cần. Vậy nhưng mối quan hệ giữa người dân và khu vực dịch vụ công này dường như vẫn tồn tại sự ban phát, ban cho thay vì một quan hệ kinh tế, dân sự ngang hàng và bình đẳng. Trước khi than phiền cung cách, lề thói phục vụ của công chức, tôi cho rằng người dân cũng đã tự làm khó mình khi vẫn giữ tâm lý bao cấp, bắt đầu từ những lá đơn. Sự nhún nhường, hạ mình, không ý thức đúng đắn về vai trò của người được phục vụ sẽ khiến người dân đánh mất những quyền chính đáng của bản thân.
Tâm thế người dưới, người đi xin sự ban phát cũng sẽ dễ làm nảy sinh những hành vi không đúng chuẩn mực như là chi tiền bôi trơn, lách luật cho xong việc của mình. Đó cũng là một trong những điều kiện, trạng huống nuôi dưỡng cho thói vòi vĩnh nơi cửa công.
Tại sao chúng ta không thay từ “xin” bằng một hình thức khác, nó thể hiện quyền dân chủ của nhân dân hơn như “ đề nghị”, “yêu cầu”. Bởi vì chúng ta hoàn có quyền, quyền được yêu cầu chính quyền làm việc gì đó đúng theo khuôn khổ pháp luật, theo quy định chung. Quyền được cung cấp các dịch vụ của công dân là hiển nhiên, cớ sao phải xin cho. Cơ quan công quyền được lập ra để phục vụ nhân dân chứ không phải để ban phát ân huệ. Người dân phải thể hiện quyền làm chủ theo đúng theo quy định của nhà nước chứ không phải lụy mình. Nếu giữ mãi tư tưởng xin cho sẽ mãi không bao giờ có công bằng để phát triển đi lên.
Ngôn ngữ là công cụ của tư duy. Việc thay đổi một câu từ đơn giản có thể sẽ khởi động cho một sự thay đổi lớn trong tư duy của cả xã hội.
Nguyễn Thanh Liêm