Có năm, chị đã phải dời lịch khánh thành một ngôi trường chỉ vì giấy phép tham dự của nhà tài trợ và chuyên gia là người nước ngoài đã không kịp được địa phương phê duyệt trước ngày diễn ra, mặc dù đồng nghiệp của chị đã chuẩn bị và nộp từ trước Tết khá lâu.
Hồi tháng 10/2016, khi dự thảo lịch nghỉ Tết 2017 được đưa ra, khảo sát trên VnExpress cho thấy, gần 80% độc giả chọn phương án nghỉ 10 ngày. Tôi thì nghĩ dù lịch nghỉ Tết chính thức dài hay ngắn, đối với nhiều người, tâm lý nghỉ Tết năm nào cũng thường kéo dài khoảng hai tháng, bắt đầu vào tháng Chạp, và chỉ thật sự kết thúc khi hết hẳn tháng Giêng.
“Để qua Tết” - như câu trả lời chúng ta thường nhận được - là một thói quen làm việc khá phổ biến trong các cơ quan công sở ở Việt Nam. Thay vì hoàn thiện nốt các công việc còn tồn đọng, không ít nơi dành sự ưu tiên cho những hoạt động khác như hội nghị tổng kết công tác năm, thi đua khen thưởng, liên hoan tất niên, thăm hỏi, chúc Tết… Hàng xóm của tôi, một chuyên gia về giấy tờ, thủ tục chia sẻ, dường như ai cũng sợ điệp khúc "để qua Tết" nên hiếm người mua bán, sang nhượng nhà đất hay xin giấy phép xây dựng dịp này. Nếu ai bất đắc dĩ buộc phải làm, họ sẽ tế nhị và khôn khéo quà cáp cho những cán bộ trực tiếp nhận giấy tờ để công việc được trôi nhanh.
Cũng những ngày sát Tết cách đây 2 năm, một sinh viên trong dự án của tôi gặp trục với máy ATM khi đang cần tiền để mua vé quê. Em liên hệ với nhân viên trực tổng đài thì được hẹn “Chờ qua Tết đến phòng giao dịch để giải quyết”.
Nhưng “để qua Tết” cũng không đồng nghĩa với việc hết ngày nghỉ Tết cuối cùng, công việc thường nhật sẽ trở lại để người dân đã có thể liên hệ công tác ngay sau những ngày chờ đợi. Những mùng đầu tiên đi làm lại sau Tết, nhiều cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước lại tiếp tục bận rộn với thủ tục chúc Tết, lì xì, hội họp du xuân, gặp mặt đầu năm, tiệc mừng tân niên, sau đó lại đến những bữa nhậu lai rai cho đến "hết mùng".
Nước ta có chừng xấp xỉ 8.000 lễ hội lớn nhỏ mỗi năm, rơi chủ yếu vào tháng Giêng do nền văn hóa nông nghiệp của ông bà xưa kia được rảnh rỗi, nhàn hạ vào mùa Xuân. Văn hóa làm việc “phải qua rằm” được cho là xuất phát từ lịch trình thăm viếng chùa chiền, tham gia trẩy hội dày đặc của người dân chứ không riêng gì quan chức. Càng đi những chùa lớn, càng phải chen chúc, nhang khói nhiều thì mới được gọi là “thành tâm” vẫn đang là quan điểm của khá nhiều người dân. Tôi còn nhớ sau kỳ nghỉ Tết năm 2016, Đồng Nai là tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi tâm lý dư âm nghỉ Tết, tâm lý lễ hội, tâm lý tháng Giêng của người lao động sau khi về quê ăn Tết. Hàng trăm doanh nghiệp ở các khu công nghiệp Amata, Biên Hòa 2, Loteco bị thiếu hụt lao động trầm trọng. Một số doanh nghiệp phải cử cả nhân viên nhân sự ra các tuyến đường trong khu công nghiệp với mong muốn tiếp xúc trực tiếp, và hy vọng tuyển dụng đủ số lượng công nhân cho kịp kế hoạch sản xuất các đơn hàng.
Tôi cho rằng, việc quan trọng nhất chúng ta nên tranh luận không phải là lịch nghỉ Tết bao nhiêu ngày, mà chính là giai đoạn trước và sau những ngày nghỉ chính thức đó, chúng ta có còn đang tập trung làm tốt công việc của mình hay không. Tư tưởng “để qua Tết” chính là tâm lý trì trệ và cách làm việc thiếu trách nhiệm gây ra hàng loạt ngưng trệ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và gây ra những hệ lụy xã hội khác.
Nguyễn Hoàng Khánh Tiên