Giải pháp đồng bộ, chống ngập úng cho TP Tam Kỳ là một trong bốn nội dung được HĐND tỉnh Quảng Nam chọn để chất vấn trong kỳ họp HĐND. Không phải vùng rốn lũ, song từ năm 2018 đến nay TP Tam Kỳ thường xuyên ngập lụt. Mỗi năm, hơn 145.000 người dân hứng chịu 2-3 đợt ngập nhiều ngày.
Ông Phú cho biết Sở Xây dựng Quảng Nam đã phối hợp với Đại học Bách khoa Đà Nẵng nghiên cứu đề tài "Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu". Bước đầu, hai bên đã chỉ ra nguyên nhân ngập lụt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mưa lớn cực đoan, bất thường xảy ra thường xuyên và chế độ bán nhật triều tác động đến các sông Bàn Thạch, Kỳ Phú, Tam Kỳ, Trường Giang.
Một nguyên nhân khác, mỗi khi mưa lũ nước từ huyện Thăng Bình và Phú Ninh đổ về sông Bàn Thạch lớn làm mực nước sông dâng cao hơn cao trình các cửa xả từ nội thị Tam Kỳ thoát ra sông. Cộng thêm nước từ phía tây thành phố đổ vào nội thị. Trong khi đó, khả năng thoát lũ tự nhiên của sông Bàn Thạch kém, các tuyến đường giao thông đã phần nào ngăn cản thoát lũ.
Ông Trần Nam Hưng, Bí thư TP Tam Kỳ, đánh giá ngập úng nội thị có nhiều nguyên nhân, trong đó do quy hoạch và đầu tư hạ tầng không đồng bộ, cả khu dân cư cũ và mới đều bị ngập. Nội thị Tam Kỳ qua nhiều thời kỳ đầu tư xây dựng, nhưng năng lực thoát nước "rất kém".
Từng xem bộ phim Những người khốn khổ ở Pháp thế kỷ 19, ông Hưng thấy nội thị của họ đã có những cống thoát nước to rộng, người dân sinh sống được, còn ở Tam Kỳ chỉ là những cống bi, cống hộp nhỏ, đang xuống cấp. Việc khớp nối hạ tầng cũ kỹ để nước lũ thoát ra sông không được. "Để khắc phục cần có nguồn lực lớn. Thành phố mong muốn UBND tỉnh và các ban ngành sớm đầu tư", ông nói.
Ông Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành, cho rằng các nguyên nhân Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam đưa ra về cơ bản đúng, nhưng chưa đủ. Tình trạng ngập lụt do quá trình phát triển đô thị đã phá vỡ cảnh quan, địa hình và công tác quy hoạch còn hạn chế. Dự án khu dân cư trong đô thị được san lấp mặt bằng, nhưng dành rất ít diện tích cho ao hồ, kênh mương thoát nước.
"Các đồ án quy hoạch khu dân cư, đô thị không tôn trọng tự nhiên. Chúng ta cứ lấy đất nơi khác về rồi lấp cao hơn, không lấy đất tại chỗ, tạo thành sông, ao hồ dành cho nước thoát", ông Ấn nói và kiến nghị để thoát lũ nhanh cần nạo vét sông ngòi, chỉnh trang đô thị.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Phú cho hay từ năm 2019 đã phối hợp với Đại học Bách khoa Đà Nẵng đi khảo sát sau mỗi trận mưa lũ. Thực tế ghi nhận lượng nước từ vùng ngoại lai đổ về Tam Kỳ rất lớn.
Tuy vậy, ông Phú thừa nhận thời gian qua công tác dự báo, tầm nhìn trong quy hoạch còn yếu, chưa đầy đủ. "UBND tỉnh đã chỉ đạo nâng cao quy hoạch, chọn đơn vị tư vấn có năng lực để thực hiện. Quá trình triển khai quy hoạch, Sở sẽ mời các tổ chức xã hội, người dân, chuyên gia đóng góp ý kiến", ông nói.
Sở và cơ quan nghiên cứu đưa ra giải pháp hạ thấp mực nước lũ trên sông Bàn Thạch bằng việc đào kênh trên địa bàn huyện Thăng Binh và TP Tam Kỳ để nước lũ chảy qua sông Trường Giang. Riêng khu vực phía tây TP Tam Kỳ, phương án là chuyển dòng chảy ra sông Tam Kỳ. "Việc mở thêm một kênh cần đánh giá kỹ tác động. Sau khi có báo cáo, chúng tôi sẽ mời các chuyên gia tham gia cụ thể vào đề tài này", ông Phú nói.
Cùng trả lời chất vấn, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam, nói đô thị Tam Kỳ có đặc thù các con sông chảy theo hướng bắc nam, rất gần biển, nhưng cửa thoát xa, phụ thuộc vào chế độ thủy triều. Mỗi đợt mưa lũ, thủy triều dâng khiến nước lũ thoát chậm, giải pháp cắt bớt lũ đổ về Tam Kỳ qua sông Trường Giang đang được nghiêu cứu.
Giải thích vì sao cống thoát nước bé, ông Quang nói hệ thống kết cấu hạ tầng nội thị Tam Kỳ trước đây do cân đối ngân sách nên một số công trình đầu tư quy mô vừa phải, phù hợp với giai đoạn đó, nhưng đến nay thì bất cập. Một số khu vực dân cư đầu tư sau thì cốt nền cao hơn khu dân cư hiện hữu dẫn đến bất cập.
"Từ những lý do này, UBND tỉnh sẽ có những đề tài nghiên cứu chuyên sâu, sau khi có kết quả sẽ triển khai", ông nói và cho biết Tỉnh ủy ban hành nghị quyết xây dựng phát triển TP Tam Kỳ đến năm 2030 thành đô thị loại một. Nghị quyết đặt ra yêu cầu đầu tư kết nối hạ tầng đô thị đồng bộ, trong đó ưu tiên vốn cho các công trình thoát nước.
Tam Kỳ vốn là thị xã của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1997, Quảng Nam và Đà Nẵng chia tách, thị xã Tam Kỳ là tỉnh lỵ Quảng Nam. Cuối năm 2005, thị xã được công nhận đô thị loại ba và năm 2006 lên thành phố, là một trong hai thành phố của tỉnh, cùng với Hội An. Đầu năm 2016, Tam Kỳ trở thành đô thị loại hai.