Tam giác mạch là loại cây lương thực được đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc trồng và thu hoạch hàng năm. Loài hoa này có cánh li ti, khi chưa nở chụm lại thành hình chóp nón.
Đặc trưng của cao nguyên đá
Những năm gần đây, dọc cung đường từ chân dốc Bắc Sum ngược lên Quản Bạ, qua Yên Minh đến Đồng Văn, Mèo Vạc, tam giác mạch được trồng bạt ngàn trên các cánh đồng và cả sườn núi chênh vênh. Những bông hoa li ti ẩn mình bên những kẽ đá tạo ra khung cảnh nên thơ.
Nhờ vậy, cứ đến khoảng giữa tháng 10 sang tháng 11 mỗi năm, cộng đồng yêu du lịch lại lên kế hoạch đi "săn" loài hoa này. Hà Giang luôn là điểm dừng chân được nhiều người lựa chọn. Ngoài ra, Cao Bằng hay Lào Cai cũng là những điểm đến thu hút du khách mỗi mùa hoa tam giác mạch về.
Hạt để ngâm rượu
Diện tích trồng hoa tăng lên từ ngày tam giác mạch trở thành "cơn sốt" với cộng đồng du lịch. Mỗi vụ hoa tam giác mạch chỉ kéo dài khoảng hai tháng nên bà con dân tộc ở Hà Giang đã tận dụng hạt tam giác mạch để chế biến thêm nhiều sản phẩm khác.
Hoa tam giác mạch có nhiều màu khác nhau như trắng, tím, đỏ; cho hạt ba cạnh. Sau khi thu hoạch, hạt được thường dùng để làm ngâm rượu. Rượu tam giác mạch khi uống vào sẽ gắt nhưng ngọt nhẹ và thơm ở cuối.
Chế biến thành món ăn
Hạt tam giác mạch còn được xay nhỏ thành bột mịn rồi nhào cùng nước cho đến khi dẻo. Sau đó, bột này được cho vào khuôn, hấp chín trên bếp lửa thành những chiếc bánh thơm ngon.
Giá mỗi chiếc bánh từ 15.000 đồng. Là món dân dã nhưng bánh tam giác mạch có giá trị dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe. Du khách có thể thưởng thức ngay tại các phiên chợ hay mua về làm quà cho người thân.
Thân cây hoa tam giác mạch khi còn non được tận dụng làm món luộc, ăn như rau trong bữa cơm hàng ngày của người đồng bào. Rau ăn có vị ngai ngái.
Thuốc chữa bệnh
Người đồng bào vùng cao cho rằng, nếu ăn tam giác mạch thường xuyên sẽ làm sáng mắt và thính tai. Người ta cũng dùng lá và thân để chế thành một số loại thuốc dân gian chữa bệnh dạ dày, táo bón, đường máu...