Lao động tập trung tại Ban Quản lý lao động VN tại Kuala Lumpur để mong được giải quyết việc làm. |
Công văn nêu rõ, đối với hợp đồng đã được cấp phiếu thẩm định, đã đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước, đến ngày nhận được công văn mà doanh nghiệp chưa đưa lao động đi hoặc chưa đưa hết thì phải kiểm tra lại thật kỹ tình hình hoạt động của chủ sử dụng. Nếu xét thấy chủ khó có khả năng trả lương, đảm bảo việc làm hoặc điều kiện ăn, ở cho lao động trong thời gian hợp đồng thì doanh nghiệp phải kiên quyết không đưa lao động đi.
Cục cũng yêu cầu doanh nghiệp phải có đủ cán bộ đại diện, thường xuyên đi kiểm tra nắm bắt tình hình lao động tại từng công trường, nhà máy, xí nghiệp, chủ động có phương án giải quyết, không để phát sinh vụ việc phức tạp. Trong trường hợp phải đưa lao động về nước, doanh nghiệp phải căn cứ vào hợp đồng đã ký với các bên liên quan, cùng đối tác giải quyết trên tinh thần bảo vệ quyền lợi lao động.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc tạm dừng đưa công nhân xây dựng sang Malaysia gây cho họ không ít khó khăn bởi đây là ngành thu hút nhiều lao động Việt Nam. Tuy nhiên, một số đơn vị đã lường trước khó khăn này và có những đối sách phù hợp. Giám đốc Công ty Hợp tác lao động với nước ngoài (LOD) Vũ Công Bình khẳng định, từ nhiều tháng nay đã không đưa công nhân xây dựng sang Malaysia vì lương không cao, công việc không ổn định, dễ phát sinh nhiều vấn đề.
Ông Trần Minh Thụ, Giám đốc Trung tâm đào tạo lao động xuất khẩu (thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Bình Định) cho biết, từ sau Tết đến nay, đơn vị không tuyển công nhân xây dựng, chỉ tuyển công nhân làm việc trong nhà máy. Điều lo lắng nhất hiện nay của vị giám đốc này là việc tuyển dụng lao động đi Malaysia ở tất cả ngành nghề đều rất khó khăn. "Người dân không cần biết đi làm nghề gì, chỉ nói sang Malaysia là họ chối đây đẩy", ông Thụ nói. Doanh nghiệp này đã hoàn tất giấy tờ để khoảng giữa tháng 4 sẽ đưa 30 người sang làm công nhân may trong một nhà máy. Nhưng vì nghe thông tin thị trường Malaysia khó khăn nên có tới 20 người xin rút lui.
Giám đốc Trung tâm hợp tác xuất khẩu lao động (thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - HACC) Phạm Văn Động cho hay, đã từ chối một số hợp đồng đưa lao động xây dựng sang Malaysia. Ông tiết lộ: "Có hai đơn đặt hàng cần 220 lao động Việt Nam sang làm nghề may và cơ khí, tuy nhiên chúng tôi còn đang nghe ngóng tình hình ở Malaysia. Nếu đưa công nhân sang mà công việc không ổn định thì chẳng nên đưa". Hướng của đơn vị này là cố gắng mở rộng thị trường ở Đài Loan, xúc tiến để được cấp phép đưa lao động sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
Như Trang