1. Thế giới nội tâm phong phú
Những đứa trẻ hướng nội sống trong thế giới riêng được hình thành từ suy nghĩ, trí tưởng tượng sinh động mà người ngoài khó có thể thâm nhập. Trong thế giới của riêng mình, các em tập trung suy nghĩ, giải đáp những câu hỏi hoặc băn khoăn của bản thân.
Nghiên cứu cho thấy trẻ hướng nội thích chơi trò tưởng tượng và chơi một mình hoặc với 1-2 đứa trẻ khác. Các em thích dành thời gian riêng tư để đọc sách, vẽ tranh, chơi trò chơi điện tử.
Thế giới nội tâm phong phú có thể là con dao hai lưỡi bởi nó khiến trẻ tự cô lập bản thân, xa lánh mọi người xung quanh. Cha mẹ của những đứa trẻ hướng nội không nên ép buộc con rời xa thế giới nội tâm vì đây là nguồn kích thích trí tưởng tượng. Thay vào đó, bạn có thể đưa các con ra ngoài chơi, tương tác với bạn bè đồng trang lứa hoặc mọi người xung quanh.
2. Mối quan tâm sâu sắc với cuộc sống
Những đứa trẻ hướng nội không e dè đặt câu hỏi lớn hoặc hỏi khó về thế giới xung quanh. Các em muốn nắm rõ sự vận hành, quy luật của thế giới theo cách chi tiết nhất chứ không muốn thu về thông tin bề nổi hoặc hời hợt. Một số em gây ấn tượng bởi có thể tự suy ngẫm về tính đúng, sai trong hành vi và nhận thức của bản thân. Điều này được lý giải bởi trẻ hướng nội muốn tìm hiểu sâu về bản thân và thế giới xung quanh, muốn xây dựng giá trị quan vững chắc.
3. Quan sát trước, hành động sau
Khi vui chơi, trẻ hướng nội thích xem mọi người thực hiện trước khi tự mình tham gia. Khi được bố mẹ khuyến khích vui chơi, các em tỏ ra thận trọng, do dự hoặc hành động chậm chạp. Khi đã quen dần với các trò chơi, trẻ sẽ nhiệt tình, năng nổ hơn. Ngoài ra, khi ở môi trường quen thuộc như trong nhà, các em cũng nói nhiều và hoạt bát hơn khi ra ngoài.
4. Đưa ra quyết định theo quan điểm riêng
Suy nghĩ và nhận thức cá nhân tồn tại rất mạnh mẽ trong tâm trí của trẻ hướng nội nên các em thường đưa ra quyết định dựa trên quan điểm riêng, không đi theo đám đông. Các chuyên gia đánh giá đây là khía cạnh tích cực ở trẻ hướng nội vì giúp các em loại bỏ áp lực so sánh bản thân với mọi người xung quanh hoặc tâm lý số đông. Các em biết bản thân muốn gì hoặc phù hợp với điều gì để đưa ra quyết định tốt nhất cho mình.
5. Cần nhiều thời gian để bộc lộ tính cách
Khi gặp người lạ mặt lần đầu, trẻ hướng nội thường tỏ ra rụt rè, xa cách nhưng các em sẽ thoải mái, cởi mở hơn với những người đã thân quen. Thông thường, trẻ hướng nội trò chuyện với mọi người xung quanh để hiểu rõ hơn về thế giới nội tâm của chúng hoặc của người khác.
Ngoài ra, trẻ hướng nội giỏi lắng nghe, quan tâm đến các vấn đề của người nói. Các em có thể nói chuyện nhẹ nhàng, thỉnh thoảng dừng lại để tìm kiếm ngôn ngữ thích hợp và ngừng nói nếu bị gián đoạn. Các em có thể nhìn đi chỗ khác để sắp xếp suy nghĩ trong đầu khi nói nhưng thường nhìn thẳng vào mắt đối phương khi lắng nghe. Khi không thể diễn đạt suy nghĩ trong đầu, các em sẽ tỏ ra thất vọng hoặc khó chịu.
Khi mới chập chững biết đi, trẻ hướng nội có thể bị cuốn hút bởi những cuốn sách vì sách cung cấp lượng ngôn ngữ dồi dào để hiểu và diễn tả những gì trẻ đang nghĩ và cảm nhận.
6. Gặp khó khăn khi làm việc nhóm
Trong những năm qua, tinh thần hướng ngoại đã trở thành lý tưởng cho các hoạt động xã hội. Mọi người ca ngợi sự quyết đoán, khuyến khích làm việc nhóm và thể hiện bản thân thay vì trầm tư suy nghĩ, làm việc một mình hay ra quyết định chậm rãi.
Các tiêu chuẩn về tinh thần hướng ngoại đối lập với đặc điểm của trẻ hướng nội. Bắt đầu từ khi đi học, các em đã phải làm quen, thích nghi với những hoạt động đòi hỏi sự năng nổ, hoạt bát. Đây có thể là thách thức với trẻ hướng nội nên bố mẹ cần quan tâm đến các hoạt động tập thể của con để khuyến khích hoặc đưa ra lời khuyên kịp thời giúp các em vượt qua.
7. Cách thức tương tác xã hội
Trẻ hướng nội thường chỉ có 1-2 người bạn thân, số còn lại đều coi như bạn bè bình thường bởi các em tìm kiếm chất lượng trong các mối quan hệ thay vì số lượng. Các em có thể giành nhiều thời gian tương tác xã hội như những đứa trẻ hướng ngoại nhưng sau đấy cần nghỉ ngơi để nạp năng lượng. Khi con bạn dành nhiều thời gian chơi với bạn bè, hãy để ý đến hành động, cảm xúc của chúng vào cuối ngày. Có thể các em sẽ tỏ ra khó chịu, cáu kỉnh, thậm chí khóc nếu có một ngày bận rộn.
8. Nhạy cảm với môi trường xung quanh
Năm 2004, hai nhà tâm lý học Harvard Jerome Kagan và Nancy Snidman đã thử nghiệm và phát hiện ra những đứa trẻ nhạy cảm với kích thích từ môi trường xung quanh khi lớn lên thường là người hướng nội, nhút nhát.
Trẻ có thể thích chơi một mình, phụ thuộc vào người khiến chúng cảm thấy an toàn hoặc khó chịu, bối rối khi xuất hiện trước đám đông hoặc môi trường mới. So với người hướng ngoại, người hướng nội không thích sự thay đổi hoặc tác động bất thường của ngoại cảnh.
Tú Anh (Theo Psychology Today, Introvert Dear)