1. Đặt giới hạn
Giới hạn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con giúp hai bên bình tĩnh, tôn trọng nhu cầu của nhau. Thời điểm tốt nhất để thiết lập ranh giới là khi bạn cảm thấy bực tức, thiếu kiên nhẫn trước hành động của con.
Ví dụ, khi con đòi ngồi lên đùi bạn trong bữa ăn, hãy đặt nội quy rằng mọi người cần ngồi trên ghế của mình trong bữa ăn và bạn có thể đáp ứng đòi hỏi của con sau khi ăn.
2. Xây dựng mối liên hệ với con
Trẻ em có xu hướng nghe lời hơn nếu được xây dựng mối liên kết gần gũi, thân thiết với người lớn. Việc bố mẹ xử phạt hoặc giận dữ nhiều lần sẽ khiến con sợ hãi và làm giảm kết nối giữa hai bên. Xây dựng mối liên hệ giữa phụ huynh với con không khó nhưng cần thường xuyên và tập trung bằng cách dành 15 phút mỗi ngày để nói chuyện, tâm sự.
3. Tránh làm con xấu hổ
"Con 6 tuổi rồi, đừng hành động như còn bé bỏng lắm!".
"Phòng của con thật kinh khủng, dọn dẹp nó đi!".
"Sao con không chịu nghe lời? Việc này có khó khăn gì chứ?".
Những câu nói như trên khiến con xấu hổ, cảm thấy bản thân tồi tệ, tác động không tốt đến lòng tự trọng. Nếu bị nhận xét tiêu cực quá nhiều, con có xu hướng lặp lại việc này một cách ngang bướng. Bố mẹ cần góp ý về những hành vi không phù hợp mà không gây ra cảm giác xấu hổ, bị coi thường cho con.
4. Để con trải nghiệm hậu quả
Việc xử phạt quá nhiều đôi khi khiến người lớn trở thành "kẻ ác" trong mắt con. Nếu hình phạt không liên quan đến hành động mắc lỗi, con có thể cảm thấy không phục và không hiểu tại sao mình bị phạt. Thay vì vậy, phụ huynh có thể cho con trải nghiệm hậu quả từ việc làm của mình.
Ví dụ, bạn yêu cầu con mang ủng vì trời sắp mưa hoặc đi ra vị trí đất ẩm nhưng con không đồng ý, nằng nặc đòi mang giày vải. Trường hợp này, phụ huynh có thể đồng thuận, để con trải qua việc chân bị ướt hoặc về tự giặt giày vải bị bẩn.
5. "Sử dụng" các hậu quả hợp lý
Trong nhiều trường hợp, hậu quả gây ra có thể nguy hiểm nên người lớn không thể để con trải nghiệm. Thay vào đó, bạn hãy nghĩ đến những hậu quả tương đương và cho con lựa chọn, hoặc tiếp tục làm và chịu, hoặc dừng lại.
6. Khích lệ hành vi tích cực
Khi con biết bỏ giày lên kệ trước khi vào nhà hoặc giúp em gái học tập, bố mẹ hãy cho con biết mình đều nhìn thấy những việc đó và rất vui.
Khích lệ hành vi tích cực cũng quan trọng như nhận xét về hành vi xấu, do đó bố mẹ cần dành lời khen khi con nghe lời. Việc khen ngợi không nhất thiết phải dùng những phần thưởng vật chất, đôi khi chỉ cần nói "Mẹ đã thấy con xếp giày lên kệ, đó là một hành động có trách nhiệm", hay "Mẹ biết tối qua con giúp em gái học, con đã biết quan tâm đến người khác rồi"...
7. Làm gương
Trẻ em học theo những gì người lớn làm nên bố mẹ cần tôn trọng con trước khi muốn con làm điểu đó với mình. Duy trì và tuân thủ việc làm gương cho con tương đối khó khăn cho bố mẹ, nhất là khi đối mặt với cuộc sống bận rộn. Nhưng để con tuân thủ quy tắc, bố mẹ cũng cần làm điều tương tự.
8. Đồng cảm
Luôn có lý do cho những hành vi không tuân theo quy tắc, kỷ luật của con. Trước khi cáu gắt hoặc xử phạt, phụ huynh hãy để con giải thích hành động đó. Nếu bố mẹ có thể hiểu lý do, con sẽ thấy được đồng cảm. Tuy nhiên, dù chia sẻ và thấu hiểu, phụ huynh vẫn cần nhắc nhở con không tái phạm.
Thanh Hằng (Theo Motherly)