Theo Tâm Bùi, travel blogger luôn phải tự hỏi về điểm đến tiếp theo, dấu ấn của mình là gì để không nhạt nhòa giữa những người khác.
Tâm Bùi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng những hình ảnh anh thấy ở Nhật Bản. Những thanh niên đang mặc suit đi đầy đường ở Tokyo và các thành phố lớn. Họ lao vào các văn phòng rồi làm quần quật từ sáng đến khuya. Sau đó, đàn ông theo phe đàn ông, phụ nữ theo phe phụ nữ kéo nhau vào quán rượu uống say rồi về ngủ. Họ cũng không có nhu cầu hẹn hò ai. Họ dùng hết tuổi trẻ để làm việc rồi mới tận hưởng khi về già.
"Khi còn trẻ, cơ thể và các giác quan còn hoạt động tốt, ta sẽ tận hưởng được hết những gì cuộc sống ban tặng. Nên trẻ mà không biết tận hưởng, thiệt thòi ráng chịu!", Tâm nói.
Tuổi 30, nhiều người chênh vênh với những lựa chọn của cuộc đời nhưng không phải ai cũng dám bước ra khỏi vùng an toàn và tìm cho mình một con đường mới. Điều gì khiến anh quyết định trở thành một nhiếp ảnh gia, travel blogger như bây giờ?
Tôi đã sống cuộc đời như bao người khác, học đại học xong đi làm trong ngành truyền thông. Nhưng sau 6 năm làm việc, tôi không thấy có thành tựu gì nổi bật. Tôi không còn thấy vui. Lúc đó, tôi tự hỏi đây có thật sự là công việc mình yêu thích? Không còn thấy những mục tiêu, những đỉnh cao mới để chinh phục, tôi quyết định nghỉ việc.
Tôi tự hỏi: "Mình có gì để mất không?" Nhìn quanh thì câu trả lời là "không" nên tôi mạnh dạn chuyển hướng. Công việc mới là điều tôi ao ước từ lâu, nhưng lúc đó mình đang không chắc chắn về việc trang trải cho cuộc sống nên lưỡng lự nhiều lắm. Thế là tôi quyết định làm một kế hoạch dài hơi hơn một chút.
29 tuổi, tôi bắt đầu đánh cược với cuộc đời. Tôi để dành tiền mua những thiết bị cần thiết, rồi chuẩn bị sẵn một số tiền để nếu không làm gì trong một năm thì vẫn có thể sống được. Phải mất ba năm để chuẩn bị cho kế hoạch đó. May mắn là sau này mọi thứ đều ổn cả.
Như vậy, travel blogger không phải lựa chọn từ đầu để anh theo đuổi?
Đúng là lúc đầu tôi nghỉ việc để theo đuổi đam mê được chụp ảnh chứ không biết trước sẽ thành một travel blogger như bây giờ. Nhiều khi đó là một lựa chọn ngẫu nhiên của số phận thôi chứ không nằm trong kế hoạch của cuộc đời.
Tôi nhớ năm 2014 tôi quyết định nghỉ việc, bạn bè rủ đi Ấn Độ. Lúc ấy, tôi có nhiều thời gian, lại được đi một nơi xa nên thích quá và đi luôn. Sau chuyến đi ấy, tôi mới nhận ra việc đi du lịch chụp hình thích hơn nhiều.
Chuyến đi kéo dài 24 ngày, từ Bắc xuống Nam qua nhiều nơi của Ấn Độ. Mỗi điểm tôi lại chụp được rất nhiều hình đẹp mà khi ở một chỗ không bao giờ chụp được. Chuyến đi này nối tiếp chuyến đi kia, mỗi lần về tôi lại chia sẻ những bộ ảnh lên trang cá nhân, mọi người xem thấy thích rồi lâu dần các hành trình trở thành một phần trong cuộc sống của mình.
Thực ra lúc đầu tôi đi chơi thôi, không suy nghĩ, tính toán gì hết. Cách đây 4-5 năm, khái niệm ảnh du lịch chưa phổ biến như bây giờ, những dịch vụ để phục vụ du lịch cũng chưa nhiều nên chỉ là đi chơi cho vui thôi.
Nhưng sau cùng, chuyến đi Ấn Độ lại mang lại nhiều cơ hội mới, điều đó đã thay đổi cuộc đời anh như thế nào?
Tôi nhớ như in đó là buổi chiều tại một tu viện ở Leh (Ấn Độ), tôi chứng kiến cảnh các thầy tu Mật Tông chăm chú vẽ một bức tranh cát khổng lồ tên Mạn đà la (Mandala). Họ cẩn thận làm từng chút. Phải rất tỉ mỉ và mất nhiều thời gian để hoàn thành bức tranh ấy. Nhưng khi đã làm xong, họ lại vứt bỏ.
Lúc đó, tôi đã rất sốc và hỏi một người bạn Ấn Độ tại sao họ lại làm như vậy thì được giải thích: Đó là một cách thiền của các nhà sư. Nó giống như việc mình cố gắng để đạt được một thành tựu nào đó nhưng lại sẵn sàng buông bỏ mà không hối tiếc. Họ cứ làm đi làm lại nhiều lần như vậy cho đến khi không còn thấy đau lòng khi buông bỏ điều họ đã cố gắng rất nhiều mới đạt được.
Lúc đó, tôi nhận ra nhiều điều và nghĩ ngay đến người mình yêu thương. Nếu không may mất đi một mối quan hệ, người mình yêu thương không còn bên mình nữa, tôi cũng đỡ đau khổ, dằn vặt hơn. Mọi thứ trong đời đến và đi đều có lý do của nó, không có gì là vô lý hay bất công. Đó là những thay đổi về nhận thức.
Còn về công việc, sau khi đi về, tôi bắt đầu chia sẻ những bộ ảnh trong chuyến đi rồi được nhiều người biết đến. Công việc từ đó cũng tốt hơn, có thêm nhiều việc hợp đồng mới hơn.
Hiện tại vai trò travel blogger có ý nghĩa thế nào trong công việc và cuộc sống của anh?
Travel blogger chỉ chiếm khoảng 40% cuộc sống, công việc của tôi. Song song với việc đi du lịch, tôi vẫn chụp ảnh, viết sách. Tôi chỉ coi đó là một nghề kèm theo chứ nó không chiếm 100% thời gian. Nếu bạn có một công việc khác và du lịch chỉ là việc phụ thêm sẽ rất hay. Bởi vì bản chất của việc du lịch là để nghỉ ngơi, trải nghiệm. Khi coi việc đi là một nghề sẽ rất nặng nề, bạn phải đạt được mục đích nào đó, sẽ làm mất đi ý nghĩa của du lịch.
Bây giờ, các chuyến đi của tôi cũng khác ngày xưa nhiều. Trước tôi thường lên kế hoạch, đi xin tài trợ để trang trải cho chuyến đi. Cùng với việc có thêm thu nhập, tôi phải trả quyền lợi cho nhà tài trợ. Không phải lúc nào mọi thứ cũng phù hợp với ý tưởng hoặc mục đích chuyến đi, nó cũng làm tôi không thật sự vui. Nên sau này tôi làm việc nhiều hơn, tích góp đủ tiền để tự trang trải, không phải xin ai nữa, lúc đó tôi đi trong tâm thế thoải mái hơn.
Nhưng đổi lại tôi cũng phải tính toán nhiều hơn để đảm bảo những thu nhập khác. Từ đó, những hành trình cũng khác. Tôi không đi nhiều nơi nhưng mỗi nơi đều ở rất lâu.
Anh có nghĩ travel blogger là một nghề?
Tôi mới chỉ có 4-5 năm gắn bó với nó, ở Việt Nam, travel blogger vẫn còn quá mới mẻ để khẳng định nó có phải là một nghề hay một lựa chọn tốt không. Tôi không chắc chắn đây là một nghề kiếm ra tiền lâu dài nhưng đảm bảo sẽ vui.
Với bản thân tôi, travel blogger chưa bao giờ chiếm hết 100% thời gian của tôi. Có nghĩa là bạn phải có một công việc gì đó và đi du lịch chỉ là thêm vào, giúp cho công việc của bạn được tốt hơn. Sẽ rất nguy hiểm nếu xem travel blogger là một nghề.
Năm nay, bạn có thể đi rất nhiều, có nhiều bộ ảnh đẹp, được nhiều người biết đến, nhưng vấn đề là làm sao bạn có thể duy trì được độ phủ của mình đều đặn. Nếu bạn giải quyết được kế hoạch dài hơi này, hãy dành trọn 100% thời gian của mình cho nó.
Kinh nghiệm của tôi là chỉ sau một năm nếu không có những kế hoạch mới, bạn sẽ bị rơi vào quên lãng ngay. Sẽ rất nguy hiểm. Khi kết thúc một chuyến đi, bạn đã phải chuẩn bị cho những chuyến sau để mọi người nhớ đến mình. Suy cho cùng, bạn không thể cứ đi mãi được.
Nhiều người trẻ đang ví mình như đã chết ở tuổi 25 và chờ chôn ở tuổi 60 vì sống một cuộc đời tẻ nhạt, an toàn mà không dám theo đuổi đam mê của mình. Anh có lời khuyên gì ?
Tôi từng như thế và đã dũng cảm bước ra khỏi vùng an toàn của mình. Nhưng tôi không khuyên mọi người đều bỏ việc để theo đuổi đam mê. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.
Trước tiên bạn phải tự hỏi mình thật sự muốn gì. Bạn có sẵn sàng để theo đuổi không. Nếu nghỉ việc, bạn phải chuẩn bị cho mình những kế hoạch dài hạn như: Cần bao nhiêu tiền để bạn có thể sống với đam mê trong thời gian bạn làm lại từ đầu; Cần bao nhiêu thời gian để đạt được những mục tiêu cụ thể. Từng bước bạn phải đi là gì, khó khăn, rủi ro thế nào. Thậm chí bạn cũng phải chọn cho mình một kế hoạch dự phòng để quay về nếu cần.
Khi đã trả lời được những câu hỏi ấy và đã sẵn sàng, bạn hãy nghỉ việc.
Nhưng nếu bạn cảm thấy không có đủ sức khỏe, thời gian hoặc những điều kiện cần để thay đổi, lựa chọn an toàn là ổn định với công việc hiện tại và tìm những niềm vui khác. Bởi người ta không chỉ sống với đam mê mà phải thực tế nữa.
Như để trở thành travel blogger, bạn cũng phải có nhiều kỹ năng khác nữa chứ không phải cứ đam mê là được. Có người chụp hình đẹp, có người kể chuyện hay, có người quay phim đẹp, hoặc có người chỉ cần đẹp thôi (tôi cho rằng đẹp cũng là một tài năng)... Có nghĩa mỗi người phải có một bản sắc riêng, nếu chưa xuất sắc, bạn phải cố để nó xuất sắc. Nếu nhạt nhòa hay giống mọi người quá, bạn sẽ không tạo được dấu ấn riêng. Lúc đó nghề travel blogger sẽ như một chiếc bẫy của tuổi trẻ, rất nguy hiểm.
Vậy đâu là dấu ấn mà Tâm Bùi muốn theo đuổi trên con đường của mình?
Điều này để mọi người nhận xét có thể đúng hơn. Nhưng tôi nghĩ dấu ấn của mình là những bộ ảnh đẹp, những câu chuyện đằng sau bức ảnh và việc chọn nơi đặt chân đến. Phần lớn đó đều là những vùng đất yên bình, ít người biết đến hoặc những nơi có nguy cơ biến mất.
Như lần tôi đi Trung Quốc tìm gặp ông lão đánh cá bằng chim trên sông Ly (Quế Lâm, Trung Quốc). Nghề đánh cá bằng chim cốc đã có từ lâu nhưng bây giờ còn rất ít người duy trì, đa phần lại là những người lớn tuổi.
Tôi cũng gặp rất nhiều điều bất ngờ dù đã chuẩn bị kỹ. Đầu tiên là tôi phải mất ba ngày mới tìm được ông lão, tìm được lại bất đồng ngôn ngữ không giao tiếp được. Nhưng sau đó ông lão bất ngờ mời tôi về nhà ăn cơm, rồi những bộ ảnh chụp trước ngôi nhà nhỏ của ông cũng rất đặc biệt.
Đó là những điều bất ngờ, thú vị mà chỉ có đi tôi mới gặp được. Tôi chỉ tới khoảng 20 nước, nhưng lại đi lâu và quay lại nhiều. Ví dụ như Ấn Độ, tôi đã đi 5 lần và vẫn muốn đi tiếp. Mỗi lần đi đều tìm được những trải nghiệm rất thú vị.
Theo anh: "Đi nhiều để làm gì? "
Đầu tiên đi để học hỏi. Bạn cứ đi ra ngoài là bạn sẽ gặp gỡ, biết được nhiều điều mới. Đơn giản nhất là học được cách chăm sóc bản thân. Khi tiếp xúc với mọi người nhiều, bạn sẽ biết "nhìn người", cảm nhận được ai là người tốt người xấu, ai có thể làm quen, bắt chuyện được. Những cái đó phải đi nhiều mình mới tích lũy được.
Tiếp đến là những kiến thức trước giờ tôi nghĩ nó là như thế nhưng sự thật lại khác hoàn toàn. Trước khi đi Ấn Độ tôi nghĩ ở cái nôi của Phật Giáo, nơi Đức Phật sinh ra, hẳn có nhiều người theo đạo Phật. Nhưng đi đến nơi tôi mới thấy không phải vậy. Chỉ một số ít dân số Ấn Độ theo Phật giáo, những gì còn lại chỉ là những di tích như nơi Phật ra đời, nơi Phật mất đi, nơi ông giảng bài giảng đầu tiên... Và nó là nơi để các tín đồ khắp nơi tìm về chứ không phải là nơi có nhiều người theo đạo Phật.
Mỗi nơi, mỗi chuyến đi đều mang một sắc thái riêng mà phải đi mới thấy hết. Rồi những kiến thức ấy cứ mở rộng dần ra và đó là niềm cảm hứng vô tận trong việc đi tìm ý nghĩa cuộc đời, hiểu được bản thân nhiều hơn.
Liên quan đến bốn cuộc hành hương tôn giáo lớn mà anh dự định hoàn thành trong năm nay, có một câu nói của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư : "Lúc rạp mình trước Đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất". Phải chăng anh cũng đang đi tìm an yên của đời mình khi phần lớn các chuyến đi đều liên quan đến tôn giáo?
Tôi đồng ý với với chị Nguyễn Ngọc Tư. Nó giống như việc khi nào bị bệnh, bạn mới tìm đến bác sĩ. Khi người ta mang một căn bệnh trong tâm hồn, người ta phải tìm đến liều thuốc tôn giáo.
Nhưng ở chiều ngược lại, nhiều người khỏe mạnh vẫn tìm đến bác sĩ để có những liệu pháp sống tốt hơn, sống khỏe mạnh để tránh bệnh tật. Tôi nghĩ tôn giáo cũng như thế.
Ngoài việc tìm đến tôn giáo để cầu mong những điều an yên, người ta cũng tìm đến tôn giáo để được soi đường dẫn lối, sống tốt hơn trong cuộc đời.
Tôi hay tự hỏi: Con cá hồi có trí não không, điều gì đã thôi thúc nó trở về nơi nó ra đời. Nó có thể lớn lên ở biển cả mênh mông nhưng tại sao đến một thời điểm trong đời nó lại tìm về nguồn cội của mình. Phải chăng có một "tiếng gọi vô thanh" nào đó thúc giục chúng về nguồn?
Dù là con cá hồi hay con người, khi sinh ra có thể trôi dạt bất kỳ nơi đâu nhưng một khi tiếng gọi ấy cất lên thì người ta lại cùng nhau quay về những điểm tụ. Với cá hồi, đó là vùng thượng nguồn nơi chúng được sinh ra. Với con người, đó là nơi điểm tụ của các tôn giáo (holy places).
Ví dụ, người theo đạo Phật sẽ tìm về Bồ Đề Đạo Tràng, và các di tích linh thiêng của Đức Phật ở Ấn Độ; người theo đạo Hindu lại hành hương về dòng sông Hằng linh thiêng; những người theo đạo Hồi hành hương về thánh địa Mecca; hay những người theo đạo Kito sẽ tìm về thánh đường ở Israel.
Tôi tìm đến những vùng đất ấy, cuộc hành hương ấy để hiểu nhiều hơn về mọi thứ xung quanh. Đi để tự giải đáp các thắc mắc của bản thân và chia sẻ những điều mình thấy, chiêm nghiệm được với mọi người.
Trong một năm qua, mọi người ít thấy anh chia sẻ thêm về những chuyến đi mới. Phải chăng anh đã đi đủ để dừng lại hay đang có một dự định gì khác?
Kế hoạch trong năm nay của tôi là hoàn thành cuốn sách về bốn cuộc hành hương tôn giáo lớn của thế giới. Tôi nghĩ đến một lúc nào đó, mình không đi mãi được thì vẫn có cách để chia sẻ những trải nghiệm và cảm hứng xê dịch đến cho mọi người.
Khi việc chụp một bộ ảnh về thiên nhiên, con người ở đâu đó trở nên dễ dàng, những câu chuyện đằng sau bức ảnh, văn hóa, phong tục đang dần mất đi có thể sẽ là xu hướng tiếp theo. Tôi nghĩ đó cũng là hướng đi của mình trong thời gian tới.
Nội dung: Khương Nha
Video: Trung Kiên - Quang Phạm
Đồ hoạ: Gia Thuận
Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi là một trong tám travel blogger có mặt tại Travel Fest - Lễ hội Khuyến mãi Du lịch đầu tiên và lớn nhất Việt Nam. Tại buổi talkshow vào 14h45 ngày 17/3, Tâm Bùi chia sẻ về du lịch văn minh và bật mí tip chụp ảnh thiên nhiên đẹp.
Ngoài việc gặp gỡ, giao lưu với những người nổi tiếng, các travel blogger hàng đầu Việt Nam, bạn sẽ có cơ hội tham quan, mua sắm và săn vé máy bay, tour du lịch hấp dẫn đến từ hơn 300 gian hàng du lịch cùng trên 3.000 quà tặng hấp dẫn.
Travel Fest 2019 được tổ chức tại Quảng trường Aeon Mall, quận Long Biên, Hà Nội từ ngày 15 tới 17/3. Sự kiện do Travellive phối hợp cùng Aeon Mall tổ chức.
Nhà tài trợ kim cương: TPBank
Nhà tài trợ vận chuyển: Vietnam Airlines
Liên hệ: 024 3936 8349
Website: https://travelfest.vn/
Fanpage: https://www.facebook.com/travelfest.vn/