![]() |
Zidane lặng lẽ rời sân sau trận thua Hy Lạp ở tứ kết. |
Đúng vào mùa hè 20 năm trước, tại những góc phố bụi bặm của thành phố biển Marseille, cậu bé Zizou khi ấy hãy còn ở tuổi đóng quần cộc, say mê đuổi bắt trái bóng cùng chúng bạn. Cũng năm đó, Michel Platini vươn tới đỉnh cao sự nghiệp khi ghi bàn mở tỷ số ở trận chung kết Euro 1984, giúp Pháp đoạt danh hiệu đầu tiên trong lịch sử.
Platini là một trong những huyền thoại lớn nhất của bóng đá thế giới, Zidane cũng thế. Giữa hai cầu thủ này có nhiều điểm tương đồng đáng ngạc nhiên. Cả hai đều sinh ra trong những gia đình nhập cư. Cha Platini là người Italy, còn Zidane có nguồn gốc Algerie.
Cùng nổi lên từ những CLB tại giải vô địch trong nước, Zidane tiếp bước Platini trở thành trụ cột của đội bóng giàu thành tích nhất Italy là Juventus. Được coi là mẫu tiền vệ dẫn dắt hay nhất thế giới trong thời đại của mình, Platini và Zidane đều biến Juventus thành bệ phóng đưa tên tuổi mình lên hàng ngũ những ngôi sao chói sáng nhất. Platini 3 lần nhận Quả bóng vàng châu Âu khi khoác áo Lão phu nhân thành Turin, còn Zidane đã có một Quả bóng vàng và hai danh hiệu Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA khi chơi bóng tại đây.
Cùng khoác chiếc áo số 10, với kỹ thuật cá nhân siêu đẳng và nhãn quan chiến thuật tuyệt vời, dễ hiểu vì sao hai cầu thủ trên đương nhiên trở thành đầu tàu, dẫn dắt đội tuyển Pháp hướng tới các vinh quang ở các thời kỳ khác nhau. Nếu như thế hệ của Platini chấm dứt cơn khát danh hiệu của bóng đá Pháp suốt hàng chục năm tìm kiếm, bằng chiến thắng tại Euro 1984, thì Zidane và đồng đội lại mang về Cup vô địch thế giới đầu tiên năm 1998. Một điểm đặc biệt, cả hai chiến tích này Pháp đều có được khi tận dụng thành công lợi thế sân nhà.
Còn có một điều kỳ lạ nữa, khi Pháp dưới thời Roger Lemerre vô địch châu Âu năm 2000, lập tức người ta nhớ ngay tới Pháp năm 1984, thời Michel Hidalgo. Không nhớ sao được khi mà để tiến vào chung kết, cả hai lần Pháp đều gặp phải cùng một chướng ngại: Bồ Đào Nha. Không nhớ sao được khi mà cả hai trận bán kết, Pháp chỉ giải quyết được đối thủ nhờ bàn thắng quyết định ghi bởi ngôi sao sáng nhất, trong những phút cuối hiệp phụ thứ hai. Năm 1984, Platini ấn định kết quả 3-2, và 16 năm sau, đích thân Zidane thực hiện quả penalty mang lại chiến thắng 2-1 cho Những chú gà trống Gaulois.
Nhưng trong cuộc sống, mọi sự vật đều diễn ra theo một chu kỳ nhất định, có thăng, có trầm. Qua thời điểm cực thịnh của bộ tứ huyền thoại (gồm Michel Platini, Alain Giresse, Jean Tigana và Luis Fernandez) năm 1984, đến giữa thập kỷ 90, Pháp lại sản sinh ra một loạt những danh thủ được tôi rèn ở khắp các đấu trường châu lục: Marcel Desailly, Emmanuel Petit, Didier Deschamp, Fabien Barthez, Lilian Thuram và bản thân Zidane. Sau 10 năm, giờ là lúc thế hệ này nên nhường sân khấu lại cho lớp đàn em trẻ trung hơn, khao khát chiến thắng hơn.
![]() |
Michel Platini biết chọn điểm dừng đúng lúc. |
Đôi khi bánh xe số mệnh có những vòng quay thật lạ kỳ. Năm 1992, Pháp của Platini, lúc này trên cương vị HLV, được đánh giá là ứng cử viên lớn nhất cho danh hiệu vô địch Euro tổ chức tại Thụy Điển, nhờ chiến tích toàn thắng ở vòng loại. Thế nhưng, đội bóng áo lam đã trở thành nỗi thất vọng lớn nhất do phải khăn gói lên đường về nước ngay sau vòng đấu bảng. Hai năm sau, Pháp chịu thêm một đòn choáng váng hơn nữa khi để thua Bulgaria trên sân Công viên các Hoàng tử. Chỉ cần hòa, đội chủ nhà sẽ giành quyền tham dự World Cup 94. Thế nhưng, bàn thắng oan nghiệt của Kostadinov buộc Pháp phải làm khán giả ở giải đấu diễn ra trên đất Mỹ.
Năm 2002, tức là 10 năm sau Euro tại Thụy Điển, với tư cách đương kim vô địch châu Âu và thế giới, người Pháp một lần nữa phải hổ thẹn vì Zidane cùng đồng đội không thể vượt qua vòng bảng World Cup 2002. Bóng ma thất bại năm 1992 xuất hiện, nhưng chẳng mấy ai chú ý. Người ta đổ lỗi cho sự quá tải của các cầu thủ, cho việc Zidane chấn thương, cho việc không có mặt Robert Pires. Sau hai năm, đội bóng áo lam lại được coi là ứng cử viên hàng đầu cho danh hiệu vô địch châu Âu. Lần này, Pháp có tất cả những gì họ thiếu khi tới dự giải đấu ở Hàn Quốc và Nhật Quốc năm 2002. Vậy mà Pháp cũng chỉ lần mò vào được tới tứ kết là hết khả năng.
Zizou ơi, đã đến lúc nói lên câu giã từ! Đã đến lúc đội tuyển Pháp cần chấm dứt lối đá phụ thuộc quá nhiều vào anh. Hãy làm như Platini, ra đi khi còn ở trong ánh hào quang.
Platini quyết định treo giầy năm 1987, ở tuổi 32, thời điểm vẫn đang còn trên đỉnh cao sự nghiệp. Năm nay, Zidane cũng đã 32 tuổi, và giống như bậc tiền bối, cầu thủ hiện đang khoác áo Real Madrid cũng đã nếm trải đủ những thời khắc vinh quang, gặt hái không thiếu một danh hiệu nào. Zidane vẫn được đánh giá là tiền vệ hay nhất thế giới dù mùa giải vừa qua không thành công tại Real. Euro 2004, Zidane cũng chơi không hề tồi. Anh là nhân tố chủ lực của Pháp, ghi tới một nửa trong số 6 bàn thắng của đội và tham dự mọi tình huống tấn công. Khoảnh khắc loé sáng, Zidane mang lại cho Pháp cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước tuyển Anh trận ra quân.
Nhưng chính vì thế, Zidane càng có lý do để nên sớm giã biệt sự nghiệp quốc tế. Anh nên ra đi để Pháp có thể bắt đầu một giai đoạn mới, bắt đầu xây dựng một đội tuyển "không Zidane". Còn Zidane, còn Thuram, Desailly, Barthez,... sẽ không có chỗ cho những Rothen, Saha, Govou, Coupet, những cầu thủ chỉ được ngồi dự bị ở giải này. Và Squillaci, Mexes, Evra,... sẽ còn tiếp tục bị bỏ rơi.
![]() |
Đến lúc Pháp phải tự đứng lên mà không cần sự giúp đỡ từ Zidane. |
Có thể trong giai đoạn đầu của thời kỳ hậu Zidane, Pháp sẽ không tránh được những thất bại nặng nề, nhưng cuộc chia tay này là tất yếu, vì tương lai lâu dài của đội bóng áo lam. Zidane còn có thể chơi bóng đỉnh cao thêm hai năm nữa, nhưng nếu vậy, thời điểm anh bắt đầu tuột dốc chính là lúc Pháp bước vào cuộc tranh tài tại World Cup 2006. Hai năm níu kéo nữa sẽ chỉ càng khoét sâu thêm nỗi đau ngày hôm nay. Hãy để bàn thắng của Charisteas trong trận đấu với Hy Lạp thực hiện sứ mệnh kết thúc của nó, như bàn thắng của Kostadinov đã làm 10 năm trước.
Sau năm 1994, tân HLV Aime Jacquet, người về sau được mệnh danh là "Thánh Jacquet", đã thẳng tay gạt bỏ khỏi đội tuyển Eric Cantona và David Ginola vì lợi ích chung của đội bóng. Dù sau đó, Cantona trở thành huyền thoại tại sân Old Trafford, Ginola chinh phục người hâm mộ Anh bằng những pha làm xiếc với trái bóng, dù Pháp luôn gặp trục trặc với hàng tấn công (thậm chí ngay cả khi trở thành đội vô địch World Cup 1998), Aime Jacquet vẫn kiên quyết không gọi lại hai cầu thủ này. 4 năm làm việc thầm lặng, 4 năm chịu đựng áp lực kinh khủng, cuối cùng Jacquet đã chứng tỏ được sự đúng đắn trong quyết định đặt lòng tin vào một thế hệ cầu thủ mới nổi lên, tiêu biểu là Zinedine Zidane.
Vậy thì, câu hỏi giờ đây cần quan tâm là những cái tên như Jean Tigana, Alain Giresse,... các ứng viên thay thế Jacques Santini, ai hứa hẹn sẽ là một Aime Jacquet mới? Ông Santini trước đây luôn tuyên bố "đã sẵn sàng các phương án thi đấu không có Zidane", nhưng qua những màn trình diễn của Pháp tại Euro 2004, người ta thấy rằng đó chỉ là lời nói suông. Liệu người thay thế Santini có đủ dũng khí và tài năng để đương đầu với thách thức về một cuộc thay máu tại đội tuyển Pháp? Và nếu tìm được một con người như vậy, thời gian cho cuộc "đại phẫu" sẽ là bao lâu, 5 năm hay 10 năm đây?
Thời gian sẽ trả lời tất cả. Với những người yêu đội tuyển Pháp, dù thế nào cũng sẽ đến lúc Gà trống Gaulois lại vươn cổ, dõng dạc cất cao tiếng gáy.
Nguyên Thành