Khi được đưa lên bờ, hai cánh tay của bé xuất hiện vết bầm đen, người nổi mẩn đỏ, choáng váng sau đó ngất xỉu.
Bé được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu, ngày 24/6. Bác sĩ chẩn đoán bé bị dị ứng phản vệ do sứa độc, điều trị bằng thuốc kháng sinh, truyền dịch.
Ngày 25/6, bé hết sốt, tỉnh táo lại, sinh hiệu ổn, ăn uống được, tiếp tục nằm viện để theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Huy, Trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa, cho biết khi trẻ bị sứa đốt, nên đưa trẻ ra khỏi vùng nước đang có sứa và nhanh chóng rửa vết thương bằng nước biển hoặc giấm để làm sạch độc tố. "Không rửa vết thương bằng nước ngọt vì làm tổn thương nặng hơn", bác sĩ Huy nói.
Trường hợp sốc phản vệ sau khi bị sứa đốt có biểu hiện như ớn lạnh, khó thở, buồn nôn, nổi ban đỏ, phù mắt... cần đưa đến viện ngay để tránh tử vong.
Mùa hè các bãi biển miền Trung xuất hiện nhiều sứa. Bác sĩ khuyên người tắm biển quan sát mặt biển hoặc tìm hiểu thông tin từ người dân địa phương để phát hiện có sứa, hoặc sứa lửa, để tránh.
Bùi Toàn