"Họ gieo tiếng xấu cho Tiểu vương quốc Hồi giáo. Họ đã bị loại bỏ trong quá trình kiểm tra để chúng ta có thể xây dựng lực lượng quân đội và cảnh sát trong sạch trong tương lai", Latifullah Hakimi, người đứng đầu một hội đồng thuộc Bộ Quốc phòng, hôm qua cho hay.
Theo Hakimi, hiện khoảng 2.840 thành viên ở 14 tỉnh đã bị sa thải. Quá trình "thanh lọc" những thành viên như vậy sẽ tiếp tục ở các tỉnh khác.
"Họ dính líu đến tham nhũng, ma túy và xâm nhập đời tư của người dân. Một số còn có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng", Hakimi nói thêm.
Taliban tái kiểm soát Afghanistan từ tháng 8/2021. Nhóm cam kết sẽ lãnh đạo đất nước theo đường lối mềm mỏng, ôn hòa hơn so với khi nắm quyền giai đoạn 1996-2001. Chính phủ Taliban đã thành lập một ủy ban để xác định các thành viên đang làm trái quy định và Hakimi đứng đầu ủy ban này.
Nhiều lính Taliban bị các nhóm nhân quyền cáo buộc sát hại cựu thành viên lực lượng an ninh của chính quyền cũ, bất chấp lệnh ân xá của lãnh đạo tối cao Hibatullah Akhundzada. Trong khi đó, IS là thách thức an ninh lớn đối với Taliban, thường nhắm vào quan chức trong các vụ tấn công bằng súng, bom ở Kabul và các thành phố khác.
Taliban đang gặp khó khăn tài chính nghiêm trọng do Mỹ đóng băng gần 9,5 tỷ USD tài sản được ngân hàng trung ương Afghanistan gửi ở nước ngoài sau khi Taliban tiếp quản quyền lực. Nhiều quốc gia phương Tây cũng dừng phần lớn viện trợ cho Afghanistan, khiến người dân nước này lâm vào cảnh đói nghèo.
Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã đình chỉ hoạt động tại Afghanistan và giữ lại các khoản viện trợ cho quốc gia Trung Á, trong đó có nguồn ngân sách mới trị giá 340 triệu USD do IMF cấp vào tháng 8/2021.
Các cơ quan cứu trợ và Liên Hợp Quốc ước tính hơn một nửa trong số 38 triệu dân Afghanistan sẽ đối mặt nạn đói trong mùa đông này. LHQ ngày 11/1 cho biết họ cần 5 tỷ USD để viện trợ cho Afghanistan trong năm 2022.
Huyền Lê (Theo AFP)