Thông báo được gửi tới các tổ chức phi chính phủ (NGO) hôm 24/12 và được phát ngôn viên Bộ Kinh tế trong chính quyền Taliban xác nhận nêu "những khiếu nại nghiêm trọng về việc không tuân thủ khăn trùm đầu Hồi giáo và các quy tắc, quy định khác liên quan công việc của phụ nữ tại các tổ chức trong nước và quốc tế".
Bộ "chỉ đạo tất cả NGO ngừng cho phụ nữ làm việc cho đến khi có thông báo mới", thông báo nêu thêm, đồng thời cảnh báo các tổ chức sẽ bị hủy giấy phép hoạt động nếu phớt lờ lệnh này.
Hiện chưa rõ lệnh này có ảnh hưởng đến nhân viên nữ nước ngoài tại các tổ chức phi chính phủ ở Afghanistan hay không.
Hai tổ chức phi chính phủ quốc tế xác nhận đã nhận được thông báo của Taliban.
"Chúng tôi sẽ đình chỉ tất cả hoạt động từ ngày 25/12", quan chức hàng đầu của một tổ chức phi chính phủ quốc tế tham gia công việc nhân đạo nói với điều kiện giấu tên. "Chúng tôi sẽ sớm có cuộc họp bao gồm quan chức hàng đầu của tất cả tổ chức phi chính phủ để quyết định cách xử lý vấn đề này".
Hàng chục tổ chức hoạt động trên khắp các vùng sâu vùng xa của Afghanistan và nhiều nhân viên của họ là phụ nữ. Một số tổ chức cảnh báo lệnh cấm nhân viên nữ sẽ cản trở công việc của họ. Ủy ban Cứu trợ Quốc tế cho biết hơn 3.000 nhân viên nữ của họ ở Afghanistan "quan trọng đối với việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo" ở nước này.
Một quan chức tổ chức phi chính phủ quốc tế liên quan phân phối thực phẩm cho rằng lệnh cấm là "đòn giáng lớn".
"Chúng tôi thuê nhân viên nữ chủ yếu để giải quyết các mối lo ngại về viện trợ nhân đạo của phụ nữ Afghanistan", quan chức này nói. "Bây giờ làm thế nào chúng tôi giải quyết lo ngại của họ đây?".
Động thái của Taliban nhanh chóng bị quốc tế lên án. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết phụ nữ là "trung tâm các hoạt động nhân đạo trên khắp thế giới" và lệnh cấm sẽ "tàn phá" người Afghanistan vì "làm gián đoạn sự hỗ trợ quan trọng và cứu sống hàng triệu người".
Lệnh này cũng đe dọa sinh kế chính của các nữ nhân viên NGO, một phụ nữ nói. "Những người phụ nữ không có đàn ông hỗ trợ trong gia đình và đang làm việc trong các tổ chức phi chính phủ bây giờ sẽ phải làm gì?", cô nói với điều kiện giấu tên. "Mức lương ở NGO đã giúp chúng tôi không rơi vào cảnh đói nghèo".
Ramiz Alakbarov, phó đại diện đặc biệt của Tổng thư ký LHQ tại Afghanistan, cho hay mệnh lệnh này "vi phạm rõ ràng các nguyên tắc nhân đạo".
Liên minh châu Âu (EU), nhà tài trợ chính cho các tổ chức viện trợ tại Afghanistan, lên án quyết định này và cho biết họ đang đánh giá "tác động của nó đối với công tác viện trợ" ở Afghanistan, Nabila Massrali, phát ngôn viên của người đứng đầu chính sách đối ngoại EU, nói.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đăng Twitter rằng lệnh cấm là "nỗ lực đáng trách nhằm xóa phụ nữ khỏi không gian chính trị, xã hội và kinh tế" ở Afghanistan.
Lệnh cấm phụ nữ khỏi NGO tại Afghanistan được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi chính quyền Taliban cấm phụ nữ học đại học. Nhóm G7 cho rằng lệnh cấm này có thể là "tội ác chống lại loài người". Khoảng 400 nam sinh hôm 24/12 tẩy chay kỳ thi ở thành phố Kandahar, miền nam Afghanistan, trung tâm quyền lực thực tế của Taliban, để phản đối lệnh cấm nữ sinh học đại học.
Taliban tuyên bố đã thay đổi nhiều so với thời kỳ nắm quyền hơn 20 năm trước, khẳng định đang cho phụ nữ hưởng các quyền theo luật Hồi giáo và văn hóa Afghanistan. Tuy nhiên, những quy định nghiêm khắc trong những tháng gần đây khiến chính quyền này bị chỉ trích và hoài nghi.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)