"Lãnh đạo Tiểu vương quốc Hồi giáo chỉ thị cho mọi tổ chức liên quan có hành động nghiêm túc để thực thi các quyền của phụ nữ", sắc lệnh do lãnh đạo tối cao Taliban Hibatullah Akhunzada công bố ngày 3/12 có đoạn.
Sắc lệnh chủ yếu đề cập đến quyền kết hôn của phụ nữ, khẳng định "không ai có thể ép buộc phụ nữ kết hôn thông qua hành vi cưỡng bức hoặc gây áp lực". Góa phụ Afghanistan từ nay cũng được quyền hưởng một phần tài sản chồng để lại.
Tuy nhiên, sắc lệnh không đề cập đến độ tuổi tối thiểu để kết hôn, vốn được chính phủ cũ của Afghanistan quy định là 16 tuổi. Sắc lệnh được đánh giá là động thái nhằm đáp ứng tiêu chí mà các quốc gia phát triển đặt ra để công nhận chính quyền của Taliban và khôi phục viện trợ cho Afghanistan.
Quyết định được đưa ra gần 4 tháng sau khi Taliban tiếp quản quyền lực. Chính quyền mới của Afghanistan đang đối mặt nhiều vấn đề, khi các nước phương Tây từ chối công nhận họ và đồng loạt cắt viện trợ, vốn là trụ cột nền kinh tế của quốc gia Trung Á này.
Hôn nhân cưỡng ép là tình trạng phổ biến tại Afghanistan, nơi các gia đình thường gả con gái nhỏ để trả nợ và nuôi sống bản thân. Phụ nữ Afghanistan trong nhiều thập kỷ bị coi như tài sản dùng để trả nợ máu hoặc chấm dứt tranh chấp, thù hận giữa các bộ tộc. Taliban tuyên bố sẽ chống lại điều này.
Các bộ lạc Afghanistan có phong tục yêu cầu một góa phụ kết hôn với anh em hoặc họ hàng của chồng. Tuy nhiên, sắc lệnh mới của Taliban quy định góa phụ có thể tái hôn sau khi chồng qua đời 17 tuần và được tự do lựa chọn bạn đời mới.
Lãnh đạo Taliban cho biết đã ra lệnh cho các tòa án Afghanistan đối xử công bằng với phụ nữ, đặc biệt là những góa phụ muốn được hưởng thừa kế. Taliban khẳng định đã yêu cầu các bộ trưởng phổ biến nhận thức về quyền phụ nữ trong toàn dân.
Nguyễn Tiến (Theo Washington Post)