Sau nhiều năm hành nghề lái xe tải chở keo thuê cho các chủ rẫy ở các huyện miền núi Quảng Ngãi, năm 2009, anh Võ Văn Tình (41 tuổi, ngụ xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành) chuyển sang chăn nuôi gia súc theo quy mô trang trại gia đình.
Sáu năm trước, ngày nào anh cũng thức khuya, dậy sớm lái xe chở keo thuê. Cuộc sống cơ cực vì thường xuyên phải xa nhà, công sức bỏ ra nhiều nhưng thu nhập lại bấp bênh. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh bàn với vợ quyết định bán xe tải và máy xay xát gạo, bắt đầu học hỏi kỹ thuật chăn nuôi heo, bò.
Ban đầu, vợ chồng anh Tình đầu tư chuồng trại trong vườn nuôi khoảng 100 con heo thịt và vài con bò giống. Sau ba năm tích góp được 500 triệu đồng, anh quyết định thuê 2 ha đất của xã và vay mượn thêm từ ngân hàng, người thân 700 triệu đồng mở trang trại chăn nuôi tổng hợp quy mô lớn.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, anh xây dựng hệ thống hầm biogas, đồng thời xử lý phân thải để trồng cỏ chăn nuôi bò giống. Ngoài ra, anh còn xây kho chứa rơm rạ dự trữ cho đàn bò và tích trữ thức ăn tươi cho đàn nhím. Riêng đàn heo thịt, vợ chồng anh liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm, không phải lo về nguồn giống, thức ăn và thuốc men.
Anh Tình chia sẻ, với phương thức lấy ngắn nuôi dài, đến nay trang trại của anh không ngừng mở rộng với hàng nghìn heo thịt, 40 con bò lai Pháp, Thái Lan và nhím sinh sản. Trung bình mỗi năm trang trại xuất bán hai lứa heo thịt khoảng 3.000 con thu về hơn 600 triệu đồng. Riêng đàn bò giống và nhím sinh sản anh bán thu được ít nhất cũng 100 triệu đồng. Hiện trang trại của anh tạo việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương với mức lương từ 3,6 đến 4 triệu đồng mỗi tháng.
Thời gian gần đây, trang trại chăn nuôi tập trung của anh Tình trở thành địa chỉ cho nông dân ở Quảng Ngãi và một số tỉnh ở khu vực miền Trung đến tham quan, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm làm giàu từ nông nghiệp.
Trao đổi với VnExpress, ông Mai Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành ghi nhận, ở địa phương có nhiều nông dân làm kinh tế trang trại, tuy nhiên mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Tình nổi bật nhất, có doanh thu mỗi năm hàng trăm triệu đồng.
"Không chỉ cần mẫn, năng nổ tìm tòi học hỏi kỹ thuật làm giàu cho gia đình, anh Tình còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm giúp nhiều nông dân vươn lên xóa đói giảm nghèo trên đồng đất quê mình", ông Tuấn cho hay.
Thống kê của huyện Nghĩa Hành, toàn huyện hiện có 55 mô hình chăn nuôi tập trung theo hướng phát triển kinh tế trang trại. Trong đó có 4 trang trại đạt chuẩn theo tiêu chí chung của Bộ nông nghiệp & Phát triển nông thôn.
Thời gian tới, huyện Nghĩa Hành định hướng nhân rộng mô hình này đến bà con nông dân. Đối với những trang trại đạt quy chuẩn, hiệu quả kinh tế cao địa phương sẽ trực tiếp hướng dẫn làm thủ tục để sớm cấp giấy chứng nhận; tạo điều kiện cho các chủ trang trại này thuê đất để làm ăn ổn định lâu dài.
Trí Tín