Cuộc biểu tình, đình công của các tài xế xe tải lần hai diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) ngày 23/11. Lý do vì chi phí nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng đến thu nhập. Họ kêu gọi Chính phủ mở rộng chính sách áp dụng hệ thống trả lương tối thiểu từ có thời hạn thành vô thời hạn. Hệ thống này sẽ hết hạn vào cuối năm nay. Đồng thời, nhóm này cũng yêu cầu bổ sung thêm lợi ích cho tài xế xe tải trong các ngành khác, bao gồm cả tàu chở dầu.
Đáp lại, Chính phủ Hàn Quốc cho biết họ sẽ gia hạn chương trình thêm ba năm, song lại từ chối các yêu cầu khác của tài xế. Trong khi Trưởng ban tổ chức Liên minh đoàn kết tài xế lái xe tải chở hàng (CTSU) đã cảnh báo cuộc đình công này nếu còn kéo dài có thể dẫn đến tình trạng ngừng cung cấp dầu tại các nhà máy lọc dầu lớn. Việc vận chuyển tại các cảng và nhà máy công nghiệp lớn cũng theo đó chậm trễ hoặc thậm chí "đóng băng" do thiếu nhân công.
![Những người lái xe tải liên hiệp hô khẩu hiệu trong cuộc biểu tình khi họ khởi động cuộc đình công trước trung tâm giao thông ở Uiwang, phía nam Seoul, Hàn Quốc ngày 24 tháng 11 năm 2022. Ảnh: Yonhap](https://vcdn1-kinhdoanh.vnecdn.net/2022/11/26/YYXOZYCLUBPKTLSCNLFOK376X4-9656-1669453628.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=SBPsZLQNqU8obeMwpbMYMQ)
Tài xế xe tải biểu tình, đình công trước trung tâm giao thông Uiwang, phía nam Seoul (Hàn Quốc), ngày 24/11. Ảnh: Yonhap
Đầu tuần này, Bộ trưởng Nhà đất Won Hee Ryong cho biết hệ thống "Giá cước vận chuyển an toàn" vẫn chưa cho thấy lợi ích tối ưu. Ngoài giúp tăng thu nhập, hệ thống này không cho thấy sự cải thiện trong đảm bảo an toàn vận tải cho tài xế. Đó cũng là lý do Chính phủ nước này chưa có ý định mở rộng phạm vi hay kéo dài thời hạn chương trình. Ngược lại, phía công đoàn tài xế Hàn Quốc vẫn tiếp tụcơ yêu cầu chính phủ đảm bảo các doanh nghiệp lớn phải chịu trách nhiệm nếu họ vi phạm quy tắc tiền lương tối thiểu.
Hồi tháng 6, cuộc đình công đầu tiên diễn ra và kéo dài 8 ngày đã làm trì hoãn việc vận chuyển hàng hóa cho các ngành công nghiệp từ ô tô đến chất bán dẫn ở nền kinh tế lớn thứ tư châu Á. Sự chậm trễ chuỗi cung ứng gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ USD do sản lượng hao hụt và nhu cầu giao vận không thể đáp ứng.
Liên minh tài xế xe tải Hàn Quốc cho biết dự kiến tổ chức 16 cuộc biểu tình trên khắp đất nước, bao gồm tại một cảng ở Ulsan, nơi có nhà máy sản xuất của Hyundai Motor. Gần 25.000 thành viên của CTSU, chiếm khoảng 6% tổng tài xế xe tải của cả nước, dự kiến tham gia cuộc đình công này. Ngoài ra còn có một số tài xế không thuộc công đoàn cũng xác định sẽ tham gia biểu tình đòi quyền lợi.
Những gã khổng lồ trong ngành bao gồm Hyundai Motor và nhà sản xuất thép Posco đã buộc phải cắt giảm sản lượng do cuộc đình công vào tháng 6. Posco đã cảnh báo rằng cuộc đình công mới này có thể lần nữa gây ảnh hưởng nặng nề, tạo áp lực lớn lên chuỗi cung ứng. Đồng thời thiếu hụt sản lượng cũng làm chậm công việc sửa chữa tại một nhà máy lớn bị hư hại do lũ lụt vào mùa hè này.
Chính phủ nước này vẫn đang xem xét triển khai các xe tải quân sự để vận chuyển khẩn cấp, đảm bảo thêm không gian lưu trữ trong trường hợp hàng hóa bị tồn đọng. Trước đó, một quan chức hiệp hội cũng cho biết họ đang nỗ lực đang yêu cầu các chủ trạm xăng đảm bảo đủ hàng tồn kho trước cuộc đình công.
Cẩn Y (Theo Reuters)