13h ngày 9/6, tổ 5 cán bộ Thanh tra giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hòa Bình đi trên hai ôtô tuần tra lưu động trên đường Hồ Chí Minh, đoạn qua huyện Lương Sơn với chiều dài khoảng 15 km. Đoạn đường này có hơn 20 mỏ đá đang khai thác, trở thành điểm nóng về nạn xe quá tải ở Hòa Bình.
Đi được khoảng 5 km, tổ tuần tra bắt gặp một xe tải vừa đi từ mỏ ra, nhưng ngay lập tức xe này lùi ngược trở lại bãi đỗ, không di chuyển nữa. Tài xế đã tận dụng quy định xe đỗ trong bãi, chưa tham gia giao thông thì không bị xử phạt. Cũng từ lúc này, phía sau hai xe tuần tra luôn có 3-5 ôtô bám theo.
Một cán bộ thanh tra giao thông cho biết đây là những xe "chim lợn", luôn bám theo mỗi khi có đoàn thanh tra để cảnh báo cho các xe tải trốn tránh. "Có những lúc hơn 20 xe chim lợn bám theo chúng tôi hoặc đứng ở ngã ba, ngã tư cảnh giới khiến việc phát hiện, xử phạt vi phạm khó khăn", vị cán bộ nói.
Sau hơn một tiếng, tổ tuần tra không phát hiện xe nào có dấu hiệu vi phạm. Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Lương Sơn vắng bóng xe tải, khác hẳn với lượng xe nườm nượp những ngày trước. Tại các mỏ đá, có hàng chục ôtô chở đầy vật liệu đang án binh bất động.
Tổ tuần tra chuyển hướng, cho cán bộ xuống đứng rải rác dọc tuyến đường. Gần 15h, một cán bộ phát hiện và dừng ôtô tải loại hơn 40 tấn chở đá mạt. Tài xế xuống xe nhưng không hợp tác, liên tục gọi điện thoại để "xin ý kiến từ công ty".
Cán bộ thanh tra thông báo cho tổ tuần tra tập hợp để xử lý vi phạm. Sau hơn một tiếng thuyết phục, tài xế đồng ý đưa xe về bãi đất trống cách vị trí ban đầu hơn một km để thuận tiện cho việc xử lý, tránh tai nạn giao thông.
Tổ tuần tra đo kích thước thùng xe, kết quả là 150 cm, cao hơn so với thông số ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định 22 cm. Tài xế cho biết chỉ lái thuê, công ty giao xe như thế nào thì chạy như vậy.
Lực lượng chức năng sau đó lập biên bản với lỗi kích thước thùng xe không đúng với thông số kỹ thuật trong Giấy chứng nhận kiểm định. Với lỗi này, tài xế bị phạt 2,5 triệu đồng, công ty chủ quản bị phạt 14 triệu đồng, tạm giữ Giấy chứng nhận kiểm định. Sau khi thực hiện nghĩa vụ tài chính, xe tải sẽ phải đăng kiểm lại mới được cấp Giấy chứng nhận kiểm định để lưu hành.
Ông Hoàng Bá Ngọc, Đội trưởng Thanh tra giao thông số 1, cho biết quá trình xử phạt vi phạm xe quá tải, xe cơi nới thời gian qua gặp nhiều khó khăn do tài xế, chủ xe luôn tìm cách tránh né trong khi đó đội chỉ có 9 thanh tra viên phụ trách địa bàn 9 huyện vùng núi.
"Mỗi lần xử phạt vi phạm phải mất cả buổi, có trường hợp tài xế khóa cửa bỏ xe lại khiến chúng tôi phải trông giữ nhiều ngày vì không có phương tiện kéo, bãi đỗ", ông Ngọc nói và lấy ví dụ hôm qua đã mất cả buổi sáng để xử phạt một ôtô chở quá tải với tổng lỗi 74 triệu đồng.
Tỉnh Hòa Bình đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý phương tiện quá tải, cơi nới thùng xe. Động thái này được đưa ra sau vụ ôtô tải lật, đè bẹp xe bốn chỗ khiến ba người chết tại huyện Yên Thủy ngày 4/6.
Hôm nay, trả lời chất vấn ở Quốc hội, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết đã chỉ đạo các đơn vị của Bộ nghiên cứu xử lý khắt khe với xe quá tải. "Hiện quy định cho xe vượt tải đến 50-60%, chúng tôi sẽ kiến nghị vượt 10% thôi. Xe nào vượt tải 10% bị phạt rất nặng; nếu vượt đến 20% thì tịch thu xe. Không xử lý hình sự, nhưng biện pháp hành chính phải đảm bảo răn đe, an toàn cho các công trình giao thông", ông Thể nói.