Sau vụ tai nạn giữa xe khách và xe cứu hỏa trên đường cao tốc, quá nhiều ý kiến trái chiều. Việc đúng-sai thế nào là kết luận của cơ quan chức năng, nhưng qua vụ tai nạn này một lần nữa cho thấy, tài xế Việt chưa có ý niệm gì về việc nhường đường cho xe ưu tiên và những phương tiện khác trên đường.
Trước tiên, hãy xem video từ xe cứu hỏa ghi lại lộ trình đi làm nhiệm vụ trước khi xảy ra tai nạn.
Có quá nhiều thứ để nói trong video này về ý thức nhường đường. Còi hụ, loa thông báo, tất cả đều chỉ như "nghe cho vui". Chỉ khi xe cứu hỏa đã sát đuôi, những tài xế kia mới miễn cưỡng dạt vào một bên.
Ở làn ngược chiều thì sao, tất cả mọi xe đều phóng như bay, không ai quan tâm việc nép sát vào lề để mở đường cho xe chữa cháy. Có lẽ họ nghĩ "xe chữa cháy ở làn ngược chiều", tức là không liên quan tới mình.
Ở nước ngoài, luật quy định khi nghe thấy tiếng còi của xe ưu tiên, chưa cần biết bạn có thấy xe ưu tiên hay không, hãy thật nhanh tấp vào lề, và dừng lại hẳn. Tôi muốn nhấn mạnh là dừng lại hẳn từ khi nghe thấy tiếng còi xe ưu tiên.
Còn bây giờ, tiếp tục xem lại video vụ va chạm:
Để ý nào, mấy chiếc xe con và xe khách màu xanh đều phóng như bay, đèn đuôi không nháy đỏ khi đã quan sát thấy và nghe còi hụ. Điều đúng ra phải làm, chưa cần biết xe cứu hỏa có đi ngược chiều hay không, khi nghe và nhìn thấy tín hiệu, tài xế phải rà phanh để giảm tốc, chuẩn bị cho phản ứng tiếp theo. Ở đây, người Việt không có ý định sẵn sàng nhường đường.
Là người thường xuyên chạy cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, tôi biết rõ nút giao Thường Tín này là nơi xe ra vào, đến đây về quy tắc giao thông qua nơi giao nhau bạn phải giảm tốc. Nhưng nhìn xem, tất cả đều "mát ga", không chút lưỡng lự. Hình như họ nghĩ, không thấy xe nào ra vào, tức là thoải mái chạy nhanh khi qua ngã ba?
Vào buổi chiều xảy ra tai nạn, đường cao tốc tắt nghẽn, rất nhiều phương tiện khác lách sang làn khẩn cấp để vượt. Kết quả là, cả con đường rộng bị điền kín bởi xe. Làn khẩn cấp đó, nếu không có xe cá nhân, sẽ là chỗ để xe cứu hỏa, cứu thương, công an làm nhiệm vụ. Nhưng khi có tai nạn xảy ra, thì đâu có đường mà đi nữa.
Tôi đã quá nhiều lần bị tắc ở đường cao tốc này, và mình cứ kiên nhẫn bò tới đâu, thì những xe khác lại hùng dũng chạy vào làn khẩn cấp tới đó. Những khi ấy tôi rất tức tối, nhiều khi ức phát khóc, khi thấy một xe cứu thương chôn chân vô vọng.
Nào, bây giờ quay về thành phố. Khi qua ngã tư, vòng xuyến ai cũng muốn nhoi lên, cũng muốn đầu xe của mình sẽ đè trước cái gã đang phi tới. Đè được rồi thì hả hê như vừa ghi chiến tích. Đèn đỏ chưa dứt, người ta đã lao đi, dù thấy rõ ràng bên kia vài người còn chưa thoát khỏi ngã tư, và thế là xung đột, thế là tắc đường.
Ý thức nhường đường như vậy, thử hỏi sẽ có bao nhiêu vụ tai nạn nữa, sẽ có bao nhiêu người xấu số không được cứu chữa kịp thời. Người Việt ơi, chưa muộn để thay đổi đâu.
Độc giả Nguyên Khoa